Điều tra, giám sát về tình trạng ngộ độc rượu sau Tết

Thời điểm sau Tết, số lượng bệnh nhân nhập viện do ngộ độc methanol (cồn công nghiệp) gia tăng do sử dụng rượu, thực phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc. Trước tình hình này, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã có công văn gửi các tỉnh, thành trên cả nước về việc tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ ngộ độc rượu, ngộ độc methanol, đặc biệt là với các đối tượng có tiền sử nghiện rượu.

Hàng loạt các ca ngộ độc rượu dịp Tết

Từ đầu năm 2023 đến nay theo báo cáo của Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai, Khoa hồi sức cấp cứu của Bệnh viện đa khoa một số tỉnh/thành phố đã ghi nhận nhiều trường hợp phải cấp cứu có liên quan đến việc sử dụng rượu không đảm bảo an toàn, rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ, rượu có hàm lượng methanol cao, trong đó đã có ca tử vong.

Đặc biệt, vụ ngộ độc rượu tại Thái Bình ngày 27/1 (mùng 6 Tết) trong bữa tiệc gặp mặt đầu xuân, 7 người đã cùng uống loại rượu, kết quả xét nghiệm mẫu rượu cho thấy có tới 58% là methanol (cồn công nghiệp). Chỉ có 1% là ethanol (cồn sinh học).

Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai, Khoa hồi sức cấp cứu của Bệnh viện đa khoa một số tỉnh/thành phố đã ghi nhận nhiều trường hợp phải cấp cứu có liên quan đến việc sử dụng rượu không đảm bảo an toàn.
Nhiều trường hợp bệnh nhân phải cấp cứu tại bệnh viện do có liên quan đến việc sử dụng rượu không đảm bảo an toàn

Trường hợp nhập viện đầu tiên nhiễm toan chuyển hóa nặng, không đo được chỉ số, nồng độ methanol trong máu tới 234 mg/dl. Bệnh nhân bị hôn mê, phải lọc máu liên tục. 4 người cùng uống trong bữa đó đã đến viện xét nghiệm thì 2 người có kết quả nồng độ methanol khá cao.

TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: "Ngộ độc cồn công nghiệp methanol diễn biến chậm vì phải qua quá trình chuyển hóa mới tạo thành axitphomic, gây tổn thương thần kinh và tổn thương mắt. Do quá trình chuyển hoá rất chậm nên nhiều giờ sau, thậm chí 2 ngày sau mới có biểu hiện.

Với người dùng thêm rượu ethanol, thì chính loại rượu này khi vào cơ thể lại làm chậm quá trình chuyển hóa và gây độc của methanol. Chính vì vậy, việc uống liên tiếp rượu, đặc biệt trong những ngày Tết khiến ngộ độc methanol không có biểu hiện ngay, mặc dù, chất độc vẫn còn trong người.

Tuy nhiên, đến khi dừng rượu, lúc đó không có gì ngăn cản methanol có trong có thể sẽ chuyển hóa chất độc. Đó là lý do vì sao trong nhóm ngộ độc, có 7 người uống nhưng 1 người hôn mê ngộ độc ngay sau khi uống nhiều rượu rởm và không uống loại rượu khác, và những người uống thêm rượu ethanol lại ít dấu hiệu hơn và ngộ độc muộn hơn".

Quyết tâm khống chế ngộ độc rượu

Trước tình hình trên, Cục An toàn thực phẩm đã ban hành Công văn số 173/ATTP-NĐTT ngày 1/2/2023 đề nghị đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ban Quản lý An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng, tỉnh Bắc Ninh: Tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ ngộ độc rượu, ngộ độc methanol, đặc biệt là với các đối tượng có tiền sử nghiện rượu; Cấp cứu, điều trị kịp thời để tránh các diễn biến xấu đối với sức khỏe bệnh nhân.

Các tỉnh, thành phố phối hợp với các đơn vị chức năng của ngành Công thương tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu, chú trọng các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu nhỏ lẻ; Đặc biệt là các cơ sở nấu rượu thủ công; Ngăn chặn kịp thời các loại rượu sản xuất, pha chế không đảm bảo an toàn, rượu không rõ nguồn gốc, không có nhãn mác gây ra nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng đưa ra lưu thông trên thị trường.

Điều trị bệnh nhân ngộ độc rượu tại Bệnh viện Bạch Mai.
Điều trị bệnh nhân ngộ độc rượu tại Bệnh viện Bạch Mai

Các địa phương tăng cường thông tin, truyền thông và hướng dẫn người dân nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh rượu, không lạm dụng rượu và bảo đảm an toàn khi lựa chọn, sử dụng rượu; Tuyệt đối không sử dụng các loại động, thực vật lạ, không rõ chủng loại, nguồn gốc để ngâm rượu uống, không uống rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ hoặc không có nhãn mác bán trôi nổi trên thị trường.

Sau khi nhận được báo cáo, Cục An toàn thực phẩm đã ban hành Công văn số 174/ATTP-NĐTT ngày 1/2/2023 đề nghị Sở Y tế Hà Nội chỉ đạo các đơn vị chức năng triển khai gấp một số nội dung sau: Sở Y tế phối hợp với cơ quan chức năng ngành Công thương trên địa bàn tiến hành truy xuất tận cùng nguồn gốc sản phẩm rượu gây ngộ độc trong vụ việc trên, xác định rõ nguyên nhân, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về ATTP theo quy định (nếu có).

Trước đó, Cục An toàn thực phẩm nhận được báo cáo số 18/BC-CCATVSTP ngày 31/1/2023 của Chi Cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội về kết quả điều tra, giám sát trường hợp ngộ độc methanol tại thôn Thanh Vân, xã Thanh Lâm, huyện Mê Linh, Hà Nội.

Dịp đầu năm và lễ hội xuân 2023 là thời điểm sử dụng bia, rượu tăng cao, các chuyên gia khuyến cáo, người dân cần hạn chế tối đa để bảo vệ sức khỏe.

Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, với rượu, bia không có ngưỡng nào là an toàn. Nếu có uống, không nên uống quá 2 đơn vị cồn/ngày với nam giới, 1 đơn vị cồn/ngày đối với nữ giới và không uống quá 5 ngày/tuần. Một đơn vị cồn tương đương với 3/4 chai, lon bia 330ml (5%); 1 cốc bia hơi 330ml; 1 ly rượu vang 100ml (13,5%) hoặc 1 chén rượu mạnh 30ml (40%).

Hiện nay, nhiều người còn có thói quen pha rượu với nước ngọt, bia, cà phê, hoa quả… Tuy nhiên, Cục Y tế dự phòng cảnh báo, khi pha chung với rượu, hàm lượng các chất kích thích có trong các loại đồ uống nêu trên tăng cao.

Chất kích thích, độc chất ngấm sâu vào máu đến hệ thần kinh, khiến hiện tượng ngộ độc đến sớm hơn so với đồ uống thông thường.

Riêng rượu pha với bia khiến lượng cồn nhanh chóng được hấp thu vào máu dưới tác động của các hương liệu, phụ gia và những chất khác biệt. Do đó, khi uống rượu pha, cơ thể có cảm giác hưng phấn, dễ bị say, lại gây mệt mỏi, uể oải khi thức dậy.

Lượt xem: 26
Tác giả: Phương Thu
Tin liên quan