Đại biểu Quốc hội kiến nghị miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho báo chí

Các đại biểu Quốc hội kiến nghị cần giảm thuế thu nhập doanh nghiệp sâu hơn nữa, thậm chí là nên miễn thuế để báo chí vượt qua khó khăn cũng như phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Sáng 22/11, Chính phủ đã trình Quốc hội về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi).

Theo tờ trình, Chính phủ đề xuất ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp cho báo điện tử, truyền hình, phát thanh giảm 5% so với hiện nay, về mức 15%. Trong đó, riêng báo in vẫn áp dụng mức ưu đãi 10% như quy định hiện hành.

Nói về việc này, các đại biểu Quốc hội nhất trí giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, đồng thời kiến nghị giảm sâu hơn nữa, thậm chí là nên miễn thuế để báo chí vượt qua khó khăn cũng như phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Theo chia sẻ của các đại biểu, hiện nay, cùng với sự phát triển của công nghệ, nhất là khi mạng xã hội phát triển bùng nổ, nguồn thu từ quảng cáo của báo chí và truyền hình sụt giảm rất lớn. Do vậy việc có chính sách ưu đãi thuế là rất cần thiết.

Đại biểu Quốc hội: Nên miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho báo chí

Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (đoàn Phú Yên)

Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) kiến nghị nên giảm thuế thu nhập doanh nghiệp sâu hơn cho báo chí.

Theo ông Hòa, nếu giảm thuế xuống còn 10% thì hợp lý hơn. Vì thực tế, thu nhập của báo chí không nhiều, dù có hàng trăm cơ sở nhưng tỷ lệ thuế so với các ngành khác, những ngành đã được miễn giảm, thì vẫn khá cao.

Ông Hòa cho rằng, báo chí là cơ quan tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước, mang thông tin đến người dân. Do đó, nếu đánh thuế như hiện nay thì vẫn quá cao.

"Mặc dù tôi đồng tình với việc giảm thuế báo chí, nhưng giảm xuống 15% vẫn còn cao và tôi cho rằng giảm xuống 10% là hợp lý hơn", ông Hòa nói.

Tương tự, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (đoàn Phú Yên) đề nghị giảm thuế với báo chí về cùng mức 10%, do đây không phải lĩnh vực kinh doanh, mà phục vụ chính trị, làm nhiệm vụ truyền thông nên cần sự hỗ trợ, ưu đãi phù hợp.

Ông Nghĩa cho rằng, vai trò của báo chí với xã hội rất lớn, nhưng các cơ quan báo chí hiện gặp rất nhiều khó khăn từ nguồn thu quảng cáo, cạnh tranh của mạng xã hội, phóng viên rất vất vả.

Đại biểu Quốc hội: Nên miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho báo chí

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP Hồ Chí Minh)

Cùng quan điểm, đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng, mức thuế áp với các lĩnh vực truyền thông báo chí, văn hóa hiện quá cao, trong khi đây là các lĩnh vực quan trọng, cần được ưu đãi thuế nhiều hơn.

"Cần áp dụng một mức thuế chung cho báo in, báo điện tử là 10%, thậm chí nên giảm nhiều hơn nữa", ông Ngân nói và đề xuất nên miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho báo chí trong 5 năm, hoặc áp thuế ở mức tối thiểu để báo chí vượt qua khó khăn trong bối cảnh hiện nay.

Theo ông Ngân, báo chí đóng góp lớn trong quá trình xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội và góp phần đấu tranh chống lại thông tin xấu độc; phòng, chống tham nhũng, lãng phí... nhờ đó tăng thu ngân sách.

Tuy nhiên, nguồn thu của các cơ quan báo chí giảm sâu thời gian qua, do chịu sức ép cạnh tranh từ mạng xã hội, trong khi họ phải tăng đầu tư cho cơ sở vật chất, kỹ thuật để đáp ứng nhu cầu phát triển trong kỷ nguyên số.

"Báo chí vừa bị giảm thu quảng cáo, vừa phải tăng chi đầu tư nên gặp khó khăn. Do đó việc giảm mạnh hoặc miễn thuế thu nhập doanh nghiệp là cần thiết", ông Ngân nhìn nhận.

 

 
Link bài gốc Copy link
 
Lượt xem: 0
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật