Đại biểu Quốc hội hiến kế xử lý lãng phí đất đai

Sáng nay (31/10), Quốc hội tiến hành giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021. Chỉ rõ thêm những lãng phí trong lĩnh vực đất đai, các đại biểu Quốc hội cũng đồng thời hiến kế khắc phục tình trạng trên.

Dự án, công trình chậm triển khai để hoang hóa đất

Theo các đại biểu, việc thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí đã được Chính phủ báo cáo Quốc hội hằng năm, song đây là lần đầu tiên Quốc hội giám sát cả giai đoạn 2016-2021. Thông qua giám sát, những sai sót, thất thoát ở nhiều lĩnh vực được chỉ rõ. Từ đó, đã có nhiều kiến nghị giải pháp, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Kết quả giám sát này của Quốc hội đã có tác động lan tỏa, làm chuyển biến cả về nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành về thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí, được cử tri và Nhân dân ghi nhận và đánh giá cao.

Cũng theo các đại biểu Quốc hội, qua giám sát cho thấy còn rất nhiều bất cập, tồn tại, “nhìn đâu cũng thấy lãng phí và thất thoát”.

Đại biểu Quốc hội hiến kế xử lý lãng phí đất đai
Đại biểu Nguyễn Hữu Thông

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận) cho biết, qua nghiên cứu và trực tiếp giám sát và qua tiếp xúc cử tri, đại biểu đề nghị Chính phủ hoặc các Bộ, ngành quan tâm đến vấn đề lãng phí trong vấn đề sử dụng đất, nhất là dự án treo, quy hoạch treo.

Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 và dự kiến tháng 10/2023 sẽ thông qua và có hiệu lực thi hành. Từ nay đến khi luật có hiệu lực thi hành khá dài, đại biểu đề nghị Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương rà soát và tháo gỡ để những người dân trong vùng dự án treo, quy hoạch treo, giảm bớt những khó khăn, như: Kiên quyết thu hồi, hủy bỏ những dự án treo chậm tiến độ; Đánh thuế cao đối với những diện tích đất không sử dụng, đồng thời xử lý nghiêm trách nhiệm đối với những cá nhân, tổ chức có liên quan.

Còn theo đại biểu Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng), trực tiếp và dễ nhận diện nhất là nguồn lực về nhà cửa và đất đai đang bị lãng phí rất lớn. Đây cũng là vấn đề có tính nhạy cảm cao, không chỉ ảnh hưởng đến nguồn lực phát triển mà còn gây ra nhiều hệ lụy liên quan đến tham nhũng, tiêu cực, thất thoát, lãng phí, lợi ích nhóm, lạm dụng chính sách. Qua các vụ án gần đây liên quan đến cán bộ quản lý Nhà nước đều có bóng dáng công tác quản lý nhà đất.

Ông dẫn phụ lục báo cáo kết quả giám sát có 28.000 ha, 900 dự án, công trình chậm hoặc không đưa đất vào sử dụng, nhiều dự án lớn có vướng mắc, đất để hoang hoá gây lãng phí…

Trong khi chính sách, pháp luật đất đai còn nhiều bất cập, trong đó có những vấn đề về thị trường bất động sản, bất động sản du lịch, xác định giá trị quyền sử dụng đất, quy hoạch, quản lý quy hoạch đất đai, tình trạng phân lô bán nền, đầu cơ đất đai, không đưa đất đai vào sử dụng đúng mục đích và thời gian quy định nhưng không được xử lý kịp thời… Thực tế vẫn tiếp tục phát sinh khiếu nại, tố cáo, trong đó có những trường hợp khiếu kiện đông người liên quan đến đất nông lâm trường tại các địa phương.

Do đó, đại biểu Nguyễn Tạo đề nghị cần nhấn mạnh trong Nghị quyết giám sát chuyên đề của Quốc hội; Đồng thời cũng là một trong những nội dung cần được quan tâm trong quá trình sửa đổi Luật đất đai trong thời gian tới theo tinh thần của Nghị quyết 18-NQ/TW.

Nhiệm vụ trọng tâm trong thi hành công vụ

Đại biểu Phạm Thị Kiều (đoàn Đắk Nông) thì nhấn mạnh, việc quản lý đất công nhà công chưa chặt chẽ để người dân lấn chiếm, sử dụng nhưng chậm được xem xét, xử lý theo quy định. Hoạt động thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm đối với việc chấp hành pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước của các cơ quan, đơn vị, địa phương chưa được quan tâm đúng mức. Hầu hết các cơ quan, đơn vị, địa phương chưa thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong quản lý và sử dụng tài sản Nhà nước.

Bên cạnh đó, khi sắp xếp, sáp nhập cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, nhất là khi sáp nhập các đơn vị cấp huyện và xã ở các địa phương thì đất đai, trụ sở các cơ quan ở nhiều nơi bị bỏ hoang gây lãng phí.

Đại biểu Quốc hội hiến kế xử lý lãng phí đất đai
Đại biểu Phạm Thị Kiều

Đại biểu Phạm Thị Kiều cũng phản ánh trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, nhất là lĩnh vực đất đai là lĩnh vực "nóng sốt", nhạy cảm, phức tạp nhưng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan lại chưa được đồng bộ, còn nhiều vấn đề tồn tại, dễ phát sinh tiêu cực, lãng phí.

Từ những thực tế vừa nêu, nữ đại biểu đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên nhân để có giải pháp khắc phục triệt để; Cần tăng cường hơn nữa thực hiện quy chế dân chủ cơ sở luôn đề cao vai trò và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Đưa thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thành nhiệm vụ thường xuyên và trở thành một trong những nhiệm vụ trọng tâm quan trọng khi thi hành công vụ.

Đồng thời, đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường phối hợp giữa các cơ quan thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Thường xuyên kiểm tra, thanh tra, xử lý và nghiêm xử lý nghiêm các vi phạm.

Đại biểu cũng nhấn mạnh, điều quan trọng nhất đó là nhanh chóng hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật có liên quan để bổ sung những còn thiếu sửa đổi, khắc phục những khiếm khuyết tồn tại trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Trước đó, phát biểu tại phiên thảo luận kinh tế - xã hội ngày 27/10, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (đoàn TP Hà Nội) cũng đã nhấn mạnh, lãng phí đất đai là tình trạng nhức nhối với hơn hàng triệu mét vuông đất đang để hoang hoá, sử dụng sai mục đích mà tiền thu được chỉ 286 tỷ đồng.

Đại biểu cho biết, giám sát ở 7 địa phương thì có hơn 1.700 dự án treo, tương ứng hơn 12 nghìn hecta đất, là thực tế đau lòng, gây bức xúc người dân.

Theo đại biểu, ttrách nhiệm quản ý Nhà nước, tư duy nhiệm kỳ là một trong những nguyên nhân gây lãng phí đất đai. Bên cạnh nhiều địa phương đang tích cực thu hồi đất hoang hoá, thì có nơi sau mỗi nhiệm kỳ thì số lượng dự án treo tăng thêm. Rồi hiện tượng lạm dụng quyền lực để trục lợi từ đất đai mà báo cáo kiểm toán chỉ ra như biểu hiện lợi ích nhóm, vi phạm đấu thầu, giao đất không qua đấu giá... Bên cạnh đó trách nhiệm công quyền của một số trường hợp không cao. Một bộ cán bộ phần thờ ơ, thiếu trách nhiệm...

Vấn đề đất đai phức tạp và không thể giải quyết một sớm một chiều, song theo đại biểu Mai, người dân mong muốn quyết liệt hơn nữa xử lý vướng mắc, cần lộ trình, thời hạn cụ thể và nghị quyết hoá vì đây là thước đo hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan công quyền.

Lượt xem: 62
Tác giả: Huy Dương
Nguồn:tuoitrethudo.com.vn Sao chép liên kết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật