Cứu sống bệnh nhân mắc sốt xuất huyết biến chứng cực kỳ hiếm gặp
Bệnh viện Đống Đa (Hà Nội) cho biết, lần đầu tiên các bác sĩ của viện này vừa gặp và cứu sống thành công một bệnh nhân sốt xuất huyết (SXH) có tiểu cầu về 0.
Đó là trường hợp bệnh nhân N.Đ.T, 57 tuổi, ở huyện Thanh Oai, Hà Nội. Trước khi vào viện một tuần, bệnh nhân thấy người gai rét, mệt nhiều, sốt 39 độ C, uống thuốc hạ sốt thấy đỡ.
Tuy nhiên đến ngày thứ ba sau sốt, ông T đánh răng thấy máu tươi chảy ồ ạt. Bệnh nhân được đưa tới cấp cứu tại bệnh viện huyện, xét nghiệm dương tính SXH Dengue, đặc biệt, tiểu cầu về mức 0 G/L. Lập tức bệnh được chuyển lên Bệnh viện đa khoa Đống Đa.
Một ca bệnh sốt xuất huyết nặng, có biến chứng đang được điều trị tại BVĐK Đống Đa. |
Theo các bác sĩ, số lượng tiểu cầu trung bình trong máu của một người khỏe mạnh là từ 150 - 450 G/L. Mức nguy hiểm khi tiểu cầu giảm dưới 50; Mức nghiêm trọng là 10 - 20. Trong vụ dịch sốt xuất huyết năm nay, bệnh viện đã gặp một số bệnh nhân có tiểu cầu từ 3- 5 G/L nhưng tiểu cầu về 0 như ca bệnh này là lần đầu gặp.
Hơn nữa, bệnh nhân còn có nhiều bệnh nền như tăng huyết áp, tiểu đường, gout đã biến chứng u sùi bàn chân, thời điểm vào viện có triệu chứng chảy máu chân răng, chảy máu tại các khối u sùi chân…
Các bác sĩ đã cho bệnh nhân truyền dịch để tăng cô đặc máu, cầm máu, truyền khối tiểu cầu… Sau 3 ngày sau, tiểu cầu ông T. tăng lên 28 G/L, cầm máu. Tới chiều 17/10, sau gần 7 ngày điều trị, tiểu cầu ông tăng lên 146 G/L, đạt mức bình thường, sức khỏe ổn định, được ra viện.
Hiện dịch SXH tại Hà Nội vẫn đang diễn biến phức tạp, tại nhiều quận huyện vẫn tiếp tục ghi nhận các ổ dịch mới. Đến nay trên địa bàn thành phố đã ghi nhận 6.779 ca mắc sốt xuất huyết, với 5 trường hợp tử vong.
So với cùng kỳ năm 2021, số ca mắc SXH tại Hà Nội tăng gấp 3,5 lần. Theo dự báo, trong thời gian tới số ca mắc tiếp tục tăng và có diễn biến phức tạp do đã bước vào cao điểm mùa dịch hằng năm từ tháng 9 đến tháng 11.
Tại các bệnh viện lớn như BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện E, BVĐK Đống Đa, BV Thanh Nhàn… vẫn tiếp tục ghi nhận ca bệnh đến thăm khám, điều trị thậm chí có nhiều ca bệnh trong tình trạng nguy kịch.
Tại BVĐK Đống Đa, mỗi ngày khoa Truyền nhiễm bệnh viện tiếp nhận khoảng 40-50 bệnh nhân đến thăm khám, trong đó có khoảng 1/3 có chỉ định nhập viện do có các dấu hiệu tăng nặng, chưa kể các trường hợp chuyển từ tuyến dưới lên.
ThS. BS Hà Huy Tình, Phó Trưởng khoa Truyền nhiễm, BVĐK Đống Đa cho biết, trong 46 bệnh nhân đang điều trị tại viện có 23 bệnh nhân có dấu hiệu tăng nặng như đau bụng dữ dội, nôn mửa, chảy máu lợi, nôn ra máu, mệt mỏi, ly bì chán chường, đau đầu, chóng mặt… Đặc biệt là các bệnh nhân chuyển tuyến tiểu cầu giảm sâu, nhiều trường hợp đã có dấu hiệu xuất huyết nội tạng, xuất huyết tiêu hóa…