Chuyên gia IMF: Việt Nam cần tiếp tục chú ý tới áp lực lạm phát gia tăng
Đây là một trong những khuyến nghị do bà Era Dabla-Norris, Trưởng đoàn Đoàn Điều IV Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa ra sau khi tiến hành các cuộc thảo luận trong khuôn khổ đợt tham vấn Điều IV năm 2022 với Việt Nam từ ngày 4-20/4/2022.
Đánh giá về những kết quả đạt được của kinh tế Việt Nam thời gian qua, bà Dabla-Norris cho rằng, nền kinh tế đang phục hồi sau làn sóng đại dịch nghiêm trọng vào năm 2021. Tuy nhiên, sự phục hồi cho đến nay không đồng đều, với khu vực dịch vụ vẫn bị tụt lại, trong khi rủi ro tài chính và bất bình đẳng có thể gia tăng.
“Việc phục hồi được dự kiến sẽ tăng cường, được hỗ trợ bởi Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội được phê duyệt gần đây. Tăng trưởng dự kiến ở mức 6,0% vào năm 2022 và 7,2% vào năm 2023. Cuộc xung đột ở Ukraine dự kiến sẽ có tác động vừa phải đến tốc độ phục hồi và lạm phát. Mặc dù giá cả hàng hóa tăng, lạm phát đã được kiềm chế và dự kiến sẽ duy trì dưới mục tiêu 4% ”, bà Era Dabla-Norris nhận định.
Tuy nhiên, bà Era Dabla-Norris cũng lưu ý về những rủi ro đáng kể đối với triển vọng tăng trưởng. Đó là, rủi ro tăng trưởng nghiêng về phía giảm trong khi rủi ro lạm phát nghiêng về phía tăng. Những rủi ro trước mắt nhất bao gồm sự gia tăng căng thẳng địa chính trị và sự suy thoái ở Trung Quốc. Các rủi ro khác bao gồm việc thắt chặt các điều kiện tài chính toàn cầu và sự phát triển của thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp trong nước.
Trưởng đoàn điều IV của IMF cũng đưa ra một số khuyến nghị cho Việt Nam, cụ thể:
Việc hoạch định chính sách cần phải nhanh, quy mô và thành phần hỗ trợ chính sách cần chủ động điều chỉnh để phù hợp với tốc độ phục hồi. Chính sách tài khóa cần giữ vai trò chủ đạo trong hỗ trợ chính sách, đặc biệt nếu các rủi ro làm giảm tăng trưởng trở thành hiện thực vì dư địa để nới lỏng hơn nữa chính sách tiền tệ không còn nhiều khi rủi ro lạm phát gia tăng.
Việc thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội hiệu quả và kiên định sẽ là chìa khóa để hỗ trợ tăng trưởng. Chương trình ưu tiên một cách thích hợp cho sức khỏe, phục hồi kinh tế và các mục tiêu tăng trưởng trung hạn. Trong tương lai, chính sách tài khóa sẽ cần phải cân bằng giữa việc cung cấp hỗ trợ tạm thời, có mục tiêu với việc tạo điều kiện thúc đẩy chuyển đổi kinh tế.
Huy động nguồn thu cần tiếp tục được củng cố để tăng cường tài trợ thường xuyên cho an sinh xã hội, xây dựng khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu và giải quyết các áp lực do già hóa dân số. Việc Việt Nam cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 là điều rất đáng hoan nghênh. Điều cần thiết là phải biến các kế hoạch giảm thiểu và thích ứng với khí hậu đầy tham vọng của các cơ quan chức năng thành hành động, bao gồm thông qua lồng ghép tốt hơn với ngân sách.
Chính sách tiền tệ nên tiếp tục chú ý tới áp lực lạm phát gia tăng. Nếu áp lực lạm phát kéo dài, NHNN nên thắt chặt vị thế chính sách tiền tệ và truyền dẫn chính sách với các động lực cơ bản để giúp kiềm chế lạm phát. Trong tương lai, chính sách tăng trưởng tín dụng phải cân đối hợp lý giữa thúc đẩy phục hồi và bảo vệ ổn định tài chính. Các bước đi gần đây hướng tới sự linh hoạt hơn về tỷ giá hối đoái và hiện đại hóa khuôn khổ chính sách tiền tệ của NHNN đáng được hoan nghênh.
Tăng cường khả năng chống chịu của khu vực ngân hàng là điều cần thiết để hỗ trợ bền vững cho tăng trưởng trung hạn. Không nên nới lỏng các quy tắc phân loại khoản vay và trích lập dự phòng khi quá trình phục hồi đang được củng cố. Việc thực hiện các quy định cho phép cơ cấu lại nợ mà vẫn giữ nguyên nhóm nợ không nên kéo dài quá tháng 6/2022, vì điều này sẽ trì hoãn việc ghi nhận các tài sản có vấn đề và có thể làm trầm trọng thêm tình trạng phân bổ sai lệch tín dụng và chấp nhận rủi ro quá mức.
Các quy định và giám sát tài chính cần được tăng cường để giải quyết các rủi ro đang nổi lên và xây dựng một khu vực ngân hàng có khả năng chống chịu tốt hơn. Khuôn khổ an toàn vĩ mô có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp bảo vệ sự ổn định tài chính. Khuôn khổ về thể chế và phá sản cần được tăng cường để tạo điều kiện thuận lợi cho việc xử lý nợ xấu.
Cần có những cải cách cơ cấu quyết liệt để đáp ứng khát vọng về tăng trưởng bền vững, bao trùm. Môi trường kinh doanh cần được cải thiện bằng cách tạo ra một sân chơi bình đẳng trong tiếp cận tài chính và đất đai, đồng thời giảm gánh nặng pháp lý, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ và doanh nghiệp trẻ. Cần có những nỗ lực hơn nữa để nâng cao chất lượng của lực lượng lao động và giảm thiểu tình trạng kỹ năng không phù hợp. Các chính sách nên lưu ý đến tác động đối với bất bình đẳng về thu nhập và tài sản, vì kinh nghiệm xuyên quốc gia cho thấy, bất bình đẳng gia tăng làm giảm tốc độ tăng trưởng. Cần tiếp tục các nỗ lực cải thiện quản trị và khắc phục khoảng trống về dữ liệu khi Việt Nam đang hướng tới các tiêu chuẩn của nền kinh tế mới nổi.