Chuyên gia hiến kế đưa Hà Tĩnh trở thành cực tăng trưởng của vùng Bắc Trung Bộ
Để Hà Tĩnh hiện thực hóa các mục tiêu đã được nêu ra tại quy hoạch tỉnh, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT cho rằng, phải chuyển đổi số thành công. Trong khi đó, ông Arnaud Ginolin, chuyên gia của Công ty BCG khuyến nghị Hà Tĩnh cần tập trung vào phát triển những dự án “mỏ neo”, “xanh hóa” các ngành công nghiệp nặng…
Mới đây, tại Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư vào Hà Tĩnh, các chuyên gia, nhà đầu tư đã đề xuất nhiều giải pháp để Hà Tĩnh phát huy tiềm năng, lợi thế, thu hút đầu tư mạnh mẽ hơn, qua đó hiện thực hóa những mục tiêu được nêu ra tại quy hoạch tỉnh.
Theo Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT Trương Gia Bình, Hà Tĩnh phải chuyển đổi số thành công bởi chuyển đổi số sẽ tạo nên những thay đổi đáng kể cho tỉnh, trở thành chìa khóa để tỉnh lập nên những kỳ tích mới.
Trước hết, chuyển đổi số là vì hạnh phúc của người dân, để người dân thoát nghèo. Người dân muốn có cuộc sống tốt hơn, môi trường sống trong lành, sức khỏe được đảm bảo, dịch vụ tốt hơn. Chuyển đổi số sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế Hà Tĩnh, kiến tạo xã hội số và tạo nên chính quyền hoạt động minh bạch, hiệu quả với 3 trụ cột chính quyền số - kinh tế số và xã hội số.
Chuyển đổi số để hiện thực hóa được quy hoạch đã đề ra. Việt Nam đang có cơ hội thâm nhập vào những công nghiệp nền tảng. Hà Tĩnh cũng phải đi vào những ngành công nghiệp đó. Ngày nay là công nghiệp xanh, tương lai là tri thức số.
Nông nghiệp cũng phải là nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp cũng là công nghiệp công nghệ cao, du lịch cũng là du lịch công nghệ cao. Nền tảng phát triển trong giai đoạn tới phải là công nghệ cao. Không có chuyển đổi số, không làm được. Máy móc có thể làm rất nhanh những việc mà con người mất nhiều ngày, nhiều giờ để làm.
"Đến Estonia, tôi rất ấn tượng khi người dân không cần mang theo giấy tờ khi đi làm các thủ tục. Tôi ước mơ Hà Tĩnh cũng làm được như vậy", ông Bình nhấn mạnh.
Ông Trương Gia Bình cam kết, trong giai đoạn mới, doanh nghiệp có thể đồng hành, trở thành người bạn tin cậy và nghĩa tình với Hà Tĩnh. Với ưu thế của Hà Tĩnh, năng lực của Tập đoàn FPT sẽ là mảnh ghép góp phần giúp tỉnh đi nhanh hơn, xa hơn, mang tinh thần hiếu học, đam mê khoa học công nghệ ra thế giới.
Chia sẻ tại hội nghị, ông Arnaud Ginolin, thành viên Hội đồng Thành viên, lãnh đạo Khối Tư vấn chính sách công và Khối ngành Công nghiệp BCG Việt Nam đánh giá cao bản quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh rất tiến bộ, có chiến lược rõ ràng với các lợi thế khác biệt.
Chiến lược và tầm nhìn "Tăng trưởng xanh Hà Tĩnh" hướng đến phát triển bền vững về cả kinh tế, xã hội và môi trường; tập trung vào 4 trụ cột tăng trưởng gồm sản xuất thép và các ngành phụ trợ, nông nghiệp, logicstics và du lịch. Các dự án "mỏ neo" đã được xác định cho phát triển đột phá, đó là mở rộng hơn nữa tổ hợp công nghiệp tại Vũng Áng, năng lượng tái tạo và LNG, cảng biển và các trung tâm logicstics, phát triển đô thị và du lịch.
Theo ông Arnaud Ginolin, đây là hành trình đầy hoài bão, theo hướng phát triển xanh, mang tính thực tiễn, tập trung vào những ngành chủ chốt. Việc lựa chọn những dự án "mỏ neo" cùng với đó là "xanh hóa" các ngành công nghiệp nặng, "sản xuất xanh” sẽ góp phần thu hút các nhà đầu tư.
Về logicstics, việc hướng tới mở rộng cảng Vũng Áng sẽ góp phần tăng cường xuất nhập khẩu hàng hóa, kết nối các nước láng giềng như Lào, Thái Lan, khu vực Đông Nam Á, châu Á và xa hơn...
Ngày 8/11/2022, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành thay mặt Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1363/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Mục tiêu tổng quát là xây dựng tỉnh Hà Tĩnh trở thành một trong những cực phát triển của vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung, phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh khá, nằm trong nhóm 20 tỉnh, thành phố có tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) cao nhất cả nước; phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, đối ngoại ổn định, bền vững. Quy hoạch xác định các định hướng lớn tạo đột phá phát triển gồm: Bốn ngành trọng điểm: công nghiệp luyện thép, công nghiệp hỗ trợ, chế tạo sau thép và sản xuất điện; nông, lâm nghiệp và thủy sản; dịch vụ logistics; du lịch. Ba trung tâm đô thị: Trung tâm đô thị xung quanh TP Hà Tĩnh, trong đó TP Hà Tĩnh là hạt nhân và các đô thị vệ tinh kết nối TP Hà Tĩnh, gồm: thị trấn Thạch Hà, thị trấn Cẩm Xuyên và thị trấn Lộc Hà. Trung tâm đô thị phía Bắc là thị xã Hồng Lĩnh gắn với thị trấn Tiên Điền, thị trấn Xuân An, đô thị mới Nghi Xuân và vùng phụ cận. Trung tâm đô thị phía Nam với hạt nhân là thị xã Kỳ Anh gắn với Khu kinh tế Vũng Áng và vùng phụ cận. Ba hành lang kinh tế: Hành lang kinh tế đồng bằng ven biển gắn với quốc lộ 1, cao tốc Bắc - Nam và đường ven biển. Hành lang kinh tế dọc quốc lộ 8 từ thị xã Hồng Lĩnh đến Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo. Hành lang kinh tế trung du và miền núi phía Tây gắn với đường Hồ Chí Minh. Một trung tâm động lực tăng trưởng: Khu kinh tế Vũng Áng với hạt nhân là Khu liên hợp gang thép Formosa, cụm cảng nước sâu Vũng Áng - Sơn Dương. Bốn nền tảng chính: Nguồn lực và văn hóa con người Hà Tĩnh; chuyển đổi số; cơ sở hạ tầng đồng bộ; đổi mới và hoàn thiện thể chế, tạo môi trường kinh doanh hiện đại và minh bạch. Đến năm 2050, Hà Tĩnh là tỉnh công nghiệp hiện đại, phát triển toàn diện, bền vững, trở thành một cực tăng trưởng của vùng Bắc Trung bộ và cả nước. Các khu công nghiệp, cụm công nghiệp phát triển xanh, công nghiệp sinh thái, thông minh; dịch vụ phát triển đa dạng, hiện đại; sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu. Kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; hệ thống đô thị hiện đại, thông minh. Giáo dục, đào tạo, y tế, sức khỏe của người dân được đặt lên hàng đầu. Con người Hà Tĩnh phát triển hài hòa cả về trí tuệ, thể chất, đạo đức, bản sắc văn hóa. Di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được bảo tồn, phát huy. Người dân có cuộc sống tốt, mức sống cao. Quốc phòng, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. |