Chương trình OCOP: “Cú hích” làm đổi mới tư duy sản xuất nông nghiệp Thủ đô
Sau gần 6 năm triển khai, Chương trình OCOP đã đánh thức tiềm năng sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp Thủ đô và là "cú hích" làm đổi mới tư duy sản xuất, đánh đúng, trúng nhu cầu tiêu dùng, tạo chuyển dịch mạnh mẽ trong xây dựng và phát triển kinh tế nông thôn.
Phát huy thế mạnh từ đất “trăm nghề”
Hà Nội có tới 47 nghề trong tổng số 52 nghề truyền thống của cả nước, với 1.350 làng nghề, trong đó có 321 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận. Bên cạnh các làng nghề, Hà Nội còn có 1.136 hợp tác xã nông nghiệp đang hoạt động, 1.695 trang trại, 149 chuỗi liên kết được duy trì và phát triển, hơn 164 mô hình ứng dụng công nghệ cao.
Cùng với đó, Hà Nội cũng có hàng nghìn sản vật nông nghiệp nức tiếng xưa nay. Đây chính là điều kiện thuận lợi để triển khai thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian qua cũng như trong thời gian tới, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực nông thôn, xây dựng Nông thôn mới bền vững.
Ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Hà Nội cho biết: Tính đến nay, Hà Nội là địa phương đi đầu cả nước về triển khai chương trình OCOP, thành phố đã công nhận được 2.167/9.852 sản phẩm, chiếm 22% của cả nước. Trong đó có 6 sản phẩm được Trung ương công nhận 5 sao, 12 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 1.369 sản phẩm 4 sao, 780 sản phẩm 3 sao.
Riêng năm 2022, thành phố Hà Nội công nhận 518 sản phẩm (1 sản phầm tiềm năng 5 sao, 271 sản phẩm 4 sao, 246 sản phẩm 3 sao), vượt chỉ tiêu kế hoạch 118 sản phẩm (mỗi năm có 400 sản phẩm).
Sau gần 4 năm triển khai, Chương trình OCOP đã đánh thức tiềm năng sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp Thủ đô |
Để đạt được kết quả trong năm 2022, Hội đồng OCOP thành phố đã tổ chức 13 hội nghị đánh giá, phân hạng vòng 1 được 518 sản phẩm (từ ngày 20/9 đến ngày 21/12/2022). Trong đó có 491 sản phẩm mới, 27 sản phẩm đánh giá lại do hết thời hạn 36 tháng theo quy định.
Chia theo ngành sản phẩm gồm có: Thực phẩm tươi sống 76 sản phẩm; Thực phẩm chế biến 225 sản phẩm; Đồ uống 12 sản phẩm; Thảo dược 22 sản phẩm; Thủ công mỹ nghệ 168 sản phẩm; Ngành vải may mặc 13 sản phẩm; Dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch 2 sản phẩm.
Với những kết quả đã đạt được cho thấy, sau gần 6 năm triển khai, Chương trình OCOP nhanh chóng khẳng định vị thế, được ủng hộ của đông đảo các thành phần kinh tế. Chương trình cũng thu hút sự tham gia của hàng trăm doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho hàng nghìn lao động khu vực nông thôn, giúp người nông dân mở rộng quy mô sản xuất, tăng giá trị sản phẩm, từ đó, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.
Gia tăng giá trị sản phẩm, tạo thêm việc làm cho người lao động
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, Hà Nội luôn xác định mục tiêu triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm OCOP, nhằm khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn nhằm nâng cao thu nhập cho người dân; Góp phần tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ và du lịch nông thôn.
Đồng thời thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững, trên cơ sở tăng cường ứng dụng chuyển đổi số và kinh tế tuần hoàn, bảo tồn các giá trị văn hóa, quản lý tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học, cảnh quan và môi trường nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.
Chương trình OCOP đã đánh thức tiềm năng sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp Thủ đô và là "cú hích" làm đổi mới tư duy sản xuất, đánh đúng, trúng nhu cầu tiêu dùng, tạo chuyển dịch mạnh mẽ trong xây dựng và phát triển kinh tế nông thôn.
Thành phố Hà Nội phấn đấu giai đoạn 2021 - 2025 có thêm 2.000 sản phẩm OCOP được công nhận |
Để bảo đảm mục tiêu của thành phố, phấn đấu giai đoạn 2021 - 2025 có thêm 2.000 sản phẩm OCOP được công nhận (năm 2021 và 2022 có 1.113 sản phẩm được công nhận đạt 56% kế hoạch), các cấp ngành từ Thành phố đến cơ sở và chủ thể OCOP cần tiếp tục tăng cường tập trung công tác tuyên truyền, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao nhận thức của người dân và cộng đồng về chương trình OCOP. Đồng thời đẩy mạnh xúc tiến thương mại là một trong những bước then chốt để tạo cơ sở, động lực thúc đẩy chương trình; Ưu tiên và xây dựng mạng lưới kết nối sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường cho các sản phẩm phát triển bền vững…
Bên cạnh đó, thành phố cũng triển khai một số mô hình về bảo tồn và phát huy vai trò của các làng nghề, làng nghề truyền thống gắn với phát triển sản phẩm OCOP, dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch. Phát triển các vùng nguyên liệu, xây dựng mô hình chế biến sâu, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn nhằm nâng cao chất lượng, gia tăng giá trị sản phẩm đối với các sản phẩm chủ lực của địa phương gắn với chương trình OCOP thành phố.
Đặc biệt, thành phố cần tập trung xây dựng nhãn hiệu, thiết kế mẫu mã sản phẩm, bao bì đóng gói sản phẩm, in tem OCOP; Ưu tiên lựa chọn, sử dụng các nguyên liệu, sản phẩm tái chế thân thiện với môi trường. Các chủ thể có sản phẩm được chứng nhận OCOP tiếp tục phát triển sản xuất, kinh doanh hiệu quả theo chuỗi, đầu tư nâng cấp mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng nhằm gia tăng giá trị sản phẩm, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.
Trang thông tin có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng Nông thôn mới thành phố Hà Nội |