Chủ tịch UBND TP.Hà Nội: 29% doanh nghiệp không biết có gói hỗ trợ lãi suất

Theo Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Trần Sỹ Thanh: "Có nhiều gói tín dụng hỗ trợ, thậm chí khi khảo sát cộng đồng doanh nghiệp có tới hơn 29% không hề biết đến những gói hỗ trợ lãi suất này. Nguyên nhân do ngân hàng chỉ truyền thông trên ti vi, trong khi doanh nghiệp lăn lộn làm ăn, di chuyển trên xe liên tục, 7 - 8 giờ tối chưa về đến nhà thì xem lúc nào”.

Đây là phát biểu của ông Trần Sỹ Thanh tại hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội, được tổ chức chiều ngày 21/9.

Tăng trưởng tín dụng của Hà Nội gấp đôi cả nước

Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cho biết đến ngày 15/9, tín dụng toàn nền kinh tế đạt gần 12,6 triệu tỷ đồng, chỉ tăng 5,56% so với cuối năm 2022.

Riêng trên địa bàn TP.Hà Nội, đến cuối tháng 8/2023, dư nợ tín dụng trên địa bàn ước đạt trên 3,2 triệu tỷ đồng, tăng 10,35% so với cuối 2022, cao gấp đôi mức tăng của toàn quốc và cao hơn mức tăng trưởng của vùng Đồng bằng sông Hồng 8,35%; quy mô tín dụng của thành phố đứng thứ 2 toàn quốc.

-6614-1695349216.jpg

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cam kết gỡ khó, đề nghị ngân hàng đơn giản hóa thủ tục vay vốn cho doanh nghiệp.

Ông Trần Sỹ Thanh cho biết, Hà Nội có khoảng 370.000 doanh nghiệp, đồng thời là nơi đặt trụ sở của nhiều tập đoàn, doanh nghiệp hoạt động phạm vi toàn quốc, toàn cầu. Tuy nhiên, thời gian qua, nền kinh tế nói chung, ngành ngân hàng nói riêng phải đối mặt với "cơn bão" rất mạnh về tài chính, tiền tệ, tiềm ẩn rủi ro nguy cơ đổ vỡ hệ thống hàng loạt…

“9 tháng năm 2023 kinh tế cả nước và Hà Nội đã vượt qua nhiều khó khăn thách thức. Thu ngân sách đạt trên 83%, đầu tư công đạt 53%... trong đó có sự đóng góp không nhỏ của người dân, doanh nghiệp và ngành ngân hàng”, Chủ tịch Hà Nội chia sẻ.

Dù vậy, ông Thanh đề nghị ngành ngân hàng và Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nghiên cứu, xem xét để hỗ trợ thêm cho cộng đồng doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn.

Trong ngân hàng chi phí tài chính là quan trọng, tuy nhiên, lãnh đạo TP.Hà Nội rất mong NHNN có hướng dẫn các ngân hàng cải cách hành chính, thủ tục phù hợp để doanh nghiệp dễ tiếp cận. “Hơn 370.000 doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội với những số phận khác nhau. Các ngân hàng đã quan tâm rồi, mong các ngân hàng tiếp tục quan tâm hơn nữa để các doanh nghiệp có thể tiếp cận được nguồn vốn phục hồi sản xuất kinh doanh”, Chủ tịch Trần Sỹ Thanh nói.

Đồng thời, ông ví von: "Doanh nghiệp như cơ thể người, lúc doanh nghiệp còn khả năng hấp thụ thì chỉ cần đưa nước hay chút cháo loãng vào thôi là họ sống. Còn khi doanh nghiệp mất khả năng hấp thụ thì ngân hàng có đưa nhân sâm vào họ vẫn chết".

Đơn giản hoá thủ tục vay vốn cho doanh nghiệp

Chủ tịch UBND TP.Hà Nội cũng nói về thiếu sót trong công tác truyền thông liên quan đến các chính sách tài chính, tiền tệ, có nhiều gói tín dụng hỗ trợ, thậm chí khi khảo sát cộng đồng doanh nghiệp có tới hơn 29% không hề biết đến những gói hỗ trợ lãi suất này. 

"Chúng ta cứ nghĩ đưa lên ti vi phát vào lúc 19 giờ, 24 giờ… rồi là coi như toàn dân biết. Trong khi hiện nay thị phần ti vi bị cạnh tranh, không phải ai cũng có thời gian xem. Doanh nghiệp thì lăn lộn làm ăn, di chuyển trên xe liên tục, 7 - 8 giờ tối chưa về đến nhà thì xem lúc nào”, ông Thanh nói.

Vì vậy, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội đề nghị ngành ngân hàng có cách thức truyền thông ra sao để doanh nghiệp, người dân cùng biết đến sâu, rộng các chính sách tiền tệ, tài chính, gói hỗ trợ mà tìm đến vay.

Về vấn đề chi phí lãi vay và việc phê duyệt thủ tục cho vay kéo dài, ông đề xuất, các ngân hàng có thể linh động cho những doanh nghiệp đã từng đồng hành cùng ngân hàng trong thời gian dài, hoặc các doanh nghiệp đã được thẩm định có dự án tốt.

Ông Thanh cho rằng, với chu kỳ vay như hiện nay, doanh nghiệp có thể gặp khó khăn do thị trường bị biến động, điều này có thể khiến doanh nghiệp bị cắt đi vốn lưu động. Chính vì vậy, ông đề nghị, cách tổ chức quy trình cho vay trong từng bối cảnh cần có cách ứng xử phù hợp. Đồng thời, đề nghị các ngân hàng thương mại tiếp tục đơn giản hóa thủ tục, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn một cách nhanh nhất.

Về vấn đề trả nợ trước hạn, lãnh đạo thành phố cho rằng, khi doanh nghiệp đang thuận lợi, việc chịu chi phí trả nợ trước hạn là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, khi doanh nghiệp gặp khó khăn khi bị tác động bởi bối cảnh kinh tế, NHNN và các Ngân hàng thương mại (NHTM) cũng cần công bố một giai đoạn cụ thể để hỗ trợ chi phí trả lãi cho doanh nghiệp. Giai đoạn có thể áp dụng từ thời điểm này cho đến khi có thông báo mới.

Từ những đề xuất của ông Thanh, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng yêu cầu các NHTM cân nhắc về hệ số điều chỉnh rủi ro đối với các tài sản sẵn có để có thể điều chỉnh nếu cần thiết, từ đó tháo gỡ khó khăn cho DN và người dân về tín dụng. Tuy nhiên, bà Hồng nhấn mạnh vẫn phải đồng thời đảm bảo nguyên tắc kiểm soát rủi ro, đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng.

Bà Hồng cũng yêu cầu, cần theo dõi sát diễn biến tín dụng để điều hành phù hợp và tạo thuận lợi thanh khoản cho các tổ chức tín dụng (TCTD), để có thể sẵn sàng cung ứng vốn cho nền kinh tế.

Đối với các chi nhánh NHNN, Thống đốc NHNN đề nghị các đơn vị tăng cường tổ chức các buổi làm việc giữa DN và các TCTD trên địa bàn để có thể giải quyết "ngay và luôn" những kiến nghị thuộc thẩm quyền của chi nhánh.

Thanh Hoa

Lượt xem: 9
Tác giả: Tăng trưởng tín dụng của Hà Nội gấp đôi cả nước
Tin liên quan