Cần tạo cơ chế đặc thù vượt trội để thực hiện mục tiêu, tầm nhìn phát triển Thủ đô

Cho ý kiến về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, phải phân cấp và phân quyền toàn diện, không chỉ ở lĩnh vực kinh tế; Cần có trọng tâm, trọng điểm. Đối với nội dung nào phân cấp cho cấp thành phố cần thể hiện rõ; Ngoài ra, nghiên cứu quy định để Hà Nội có thể phân quyền cho cấp dưới như quận, huyện, sở, ngành.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ góp ý nhằm tạo cơ chế đặc thù vượt trội để phát triển Thủ đô Hà Nội.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ góp ý nhằm tạo cơ chế đặc thù vượt trội để phát triển Thủ đô Hà Nội

Sáng 20/9, góp ý vào dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) tại phiên họp 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, tuy đây là dự án Luật chỉ có 7 chương với 59 điều nhưng lại rất khó và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với sự phát triển của Thủ đô Hà Nội.

Bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, tạo đột phá cho Thủ đô phát triển

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao quá trình xây dựng dự án Luật. Chính phủ, Bộ Tư pháp, thành phố Hà Nội đã vào cuộc từ rất sớm. Đảng đoàn Quốc hội cũng đã làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội 2 lần. Vì vậy, dự án Luật không có nhiều ý kiến khác biệt lớn, chỉ có ý kiến góp ý để hoàn thiện thêm.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, dự án Luật đã thể chế hóa tương đối đầy đủ, cụ thể các nghị quyết của Đảng. Tuy nhiên vẫn cần tiếp tục rà soát để cụ thể hóa đầy đủ hơn các nghị quyết có liên quan trực tiếp. Cụ thể là Nghị quyết số 15-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 30-NQ/TW, ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045...

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đặc biệt lưu ý, dự án Luật phải nhằm hướng tới các mục tiêu, tầm nhìn đã được nêu trong Nghị quyết số 15-NQ/TW. Cụ thể, mục tiêu đến năm 2030: Thủ đô Hà Nội là Thành phố "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại"; Trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng Sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; Hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, về bản chất, đây là đạo luật phân cấp, phân quyền. Nghị quyết số 15-NQ/TW có nhắc tới việc phân cấp phân quyền phải toàn diện các lĩnh vực, không chỉ về kinh tế; Đồng thời bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, tạo ra đột phá. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đề nghị phải phân cấp, phân quyền cho cấp dưới như quận, huyện, sở, ngành.

Về cơ chế để kiểm soát quyền lực, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, chủ yếu là quy định rõ trình tự, thủ tục, thẩm quyền ban hành của từng chủ thể. Nội dung nào do Chính phủ ban hành; Nội dung nào do HĐND thành phố quyết định; Nội dung nào do UBND thành phố quyết định. Tránh tình trạng sau khi ban hành luật nhưng vẫn không làm được, Hà Nội vẫn phải “đi xin ý kiến khắp các bộ, ngành”.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị nghiên cứu thêm một số nội dung khác. Chẳng hạn như vấn đề liên quan tới đổi mới sáng tạo, có cơ chế đích đáng phát triển làng nghề và làng có nghề; Luật hóa cơ chế đặc thù phát triển công nghiệp văn hóa; Định mức đầu tư; Nghiên cứu cơ chế thành lập Quỹ đầu tư mạo hiểm để đầu tư cho khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; Có tiêu chuẩn, quy chuẩn về giao thông, môi trường, phòng cháy, chữa cháy cao hơn cả nước.

Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, yêu cầu Ủy ban Pháp luật rà soát lại dự thảo Luật Nhà ở. “Dứt khoát không hợp thức hóa chung cư mini trong Luật Nhà ở. Vụ cháy chung cư vừa rồi vô cùng đau xót. Do đó, tại dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) có cho phép Hà Nội được quy định các tiêu chuẩn, quy chuẩn về các lĩnh vực như môi trường, giao thông, phòng cháy, chữa cháy hay không?” - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đặt vấn đề.

Không mở rộng đất các bệnh viện hiện có

Phát biểu tại phiên họp, đề cập quy chuẩn, tiêu chuẩn, nhất là với quy hoạch, xây dựng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí Thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, qua vụ cháy chung cư mini vừa rồi mới thấy có những vấn đề còn bất cập. Tòa nhà được cấp phép 6 tầng nhưng xây dựng tới 9 tầng là vi phạm. Theo Bí Thư Thành ủy Hà Nội, điều kiện thực tế về hạ tầng, giao thông tại khu vực xảy ra vụ hỏa hoạn, việc cho phép xây 6 tầng cũng đã bất cập; Khu vực này có thể chỉ phù hợp xây dựng 2-3 tầng.

Bí Thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu tại phiên họp

Bí Thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu tại phiên họp

Từ thực tế đó, Bí Thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đề nghị trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), cần trao quyền cho Hà Nội quy định các tiêu chuẩn, quy chuẩn phù hợp với thực tiễn, vào những địa bàn cụ thể để đảm bảo an ninh, an toàn lâu dài.

Góp ý dự án Luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng, nếu Thủ đô Hà Nội vẫn chỉ sử dụng cơ chế đặc thù như nơi khác thì chưa đủ mạnh, nên cần có đột phá hơn.

Thảo luận tại phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cũng tán thành cao với quy định không mở rộng đất các bệnh viện hiện có, không mở rộng, xây dựng mới khu công nghiệp ngoài khu công nghiệp, cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp.

“Nhất trí di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, y tế, giáo dục đại học, cao đẳng, giáo dục nghề nghiệp và trụ sở các cơ quan đơn vị trong đô thị trung tâm không phù hợp với quy hoạch chung của Thủ đô”, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường bày tỏ; Đồng thời nhấn mạnh, chủ trương là rất đúng, đã được đặt ra từ khi sáp nhập tỉnh Hà Tây vào Hà Nội nhưng cần triển khai sớm và quyết liệt.

Quy định toàn diện hơn để hỗ trợ phát triển công nghiệp văn hóa

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh góp ý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi):

"Về quy định xây dựng trung tâm công nghiệp văn hóa, chúng tôi còn băn khoăn. Thứ nhất, thiết chế để hỗ trợ phát triển công nghiệp văn hóa chỉ đặt vấn đề một trung tâm này thì có được toàn diện, đầy đủ hay không; Nhất là trong 12 lĩnh vực trong công nghiệp văn hóa, chỉ xác định một số lĩnh vực nhưng tại sao không xác định một cách toàn diện hơn, những vấn đề khác cũng rất quan trọng.

Quan điểm của chúng tôi là cần quy định phát triển các thiết chế văn hóa, thiết chế để phát triển công nghiệp văn hóa, hỗ trợ về hạ tầng, không gian văn hóa và về nhân lực để phát triển công nghệ văn hóa thì sẽ bảo đảm toàn diện hơn. Nếu chỉ đặt vấn đề là xây dựng một trung tâm công nghiệp văn hóa mà chưa rõ mô hình tổ chức thế nào, các quy định thiết chế này nó ra làm sao thì cần nghiên cứu thêm và chúng tôi nghĩ là theo hướng quy định toàn diện hơn để hỗ trợ phát triển công nghiệp văn hóa"

 

Lượt xem: 3
Tác giả: Anh Đức
Tin liên quan