Chống lạm phát qua lãi suất và tỷ giá góp phần ổn định và phát triển kinh tế Việt Nam

Năng lực sản xuất giảm sút vì dịch COVID-19 kéo dài đã hơn 2 năm chưa dứt, cộng hưởng xung đột chiến sự Nga - Ukraine từ đầu năm làm cho chuỗi liên kết kinh tế thế giới nói chung và thị trường dầu khí nói riêng tiếp tục bị cắt khúc, suy giảm và gián đoạn.

Theo đó, giá xăng dầu nói riêng và hàng hóa, dịch vụ nói chung bị đẩy lên cao ở khắp nơi, khiến lạm phát tại nhiều nền kinh tế vượt mức kiểm soát, đặc biệt là tại các nền kinh tế nhạy cảm, như Mỹ, EU, Nhật Bản. Khủng hoảng giá cả tại thời điểm cuối tháng 10/2022 vẫn chưa nhìn thấy hồi kết.

I.Tình hình lạm phát trên thế giới và sự chống chọi của Việt Nam

Trong bối cảnh đó, vừa qua ở trong nước, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã quyết định điều chỉnh biên độ tỷ giá giao ngay USD/VND từ mức ±3% sau khi đã giữ được biên độ này suốt gần 7 năm, từ năm 2015, lên ±5% và có hiệu lực từ ngày 17/10/2022. Ngay sau khi NHNN nới biên độ tỷ giá, Sở giao dịch NHNN đã tăng mạnh tỷ giá USD tham khảo từ 23.925 đồng/USD lên 24.380 đồng/USD (tương ứng tăng 455 đồng mỗi USD).

Về lý do trực tiếp của việc điều chỉnh tăng biên độ tỷ giá, NHNN cho biết, từ đầu năm 2022 đến nay, Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và nhiều ngân hàng trung ương (NHTW) lớn ở châu Âu, Nhật Bản đã và đang đẩy mạnh lộ trình thắt chặt chính sách tiền tệ bằng cách tăng nhanh lãi suất điều hành để đối phó với lạm phát đang vượt mức kiểm soát. Đến ngày 21/9, FED tiếp tục tăng lãi suất quỹ liên bang thêm 0,75 điểm phần trăm, liên tiếp 5 lần tăng lãi suất chỉ từ đầu năm 2022 đến cuối tháng 9/2022, trong đó có 3 lần liên tiếp với biên độ 0,75 điểm phần trăm.

Dữ liệu của Bộ Lao động Mỹ công bố ngày 13/7/2022 cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng 9,1% trong tháng 6/2022 so với cùng kỳ năm 2021 và là mức tăng nhanh và cao nhất kể từ tháng 11/1981. Để tiếp tục chống lạm phát vẫn đang ở mức cao tại Mỹ, FED chắc chắn sẽ còn phải tăng lãi suất chính sách điều hành lên mức xung quanh 4,5%/năm mà sau 5 lần tăng thì mức lãi suất chính sách hiện nay tại Mỹ đang là 3,75-4%/năm, nghĩa là có thể FED còn phải tăng thêm 0,75-0,5% nữa trong 2 tháng cuối năm 2022 và tiếp tục tăng trong năm 2023 với kỳ vọng đưa lãi suất quỹ liên bang lên trạng thái thực dương vào đầu năm 2023 hoặc giữa năm 2023. 

Theo NHNN, trong quý III/2022, tỷ giá và thị trường ngoại tệ đã chịu nhiều áp lực do thị trường quốc tế diễn biến phức tạp, khó lường, nguy cơ suy thoái gia tăng nên NHNN đã phải nới rộng biên độ quản lý tỷ giá để thị trường cùng tham gia chia sẻ những áp lực gia tăng…Trước bối cảnh hiện tại, tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam so với USD đã tăng tới 7% so với cuối năm 2021. Tuy nhiên, động thái này cũng nằm trong diễn biến chung của các đồng tiền khác trên thế giới so với USD và thực tế đồng VND đang mất giá ít hơn. Cụ thể trong cùng thời điểm hiện nay, đồng Yên Nhật đã mất giá 30% so với USD; EUR mất 30%; Bảng Anh mất 35%, Nhân dân tệ của Trung Quốc cũng mất giá hơn 8% so với USD...

Nhờ những động thái điều hành tích cực trong phối hợp thị trường tài chính - tiền tệ với thị trường hàng hóa dịch vụ mà kinh tế Việt Nam đã có những kết quả đáng ghi nhận trong suốt 10 tháng đầu năm nay. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, GDP quý III/2022 tăng tới 13,67%, trong đó khu vực nông, lâm, thủy sản tăng 3,24%; công nghiệp - xây dựng tăng 12,91%; dịch vụ tăng 18,86%... Tính chung 9 tháng đầu năm, GDP tăng 8,83%, cao nhất cùng thời kỳ từ năm 2011 đến nay. Kinh tế nước ta tăng khá đồng đều trong cả ba khu vực nhờ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn. CPI bình quân 9 tháng chỉ tăng 2,73%, tương đương bình quân cùng kỳ trong các năm từ 2018 đến 2021; bảo đảm nguồn cung điện, xăng dầu khá ổn định; kịp thời xây dựng, trình Quốc hội phương án giảm thuế xăng dầu, tạo được dư địa hỗ trợ giá trong những trường hợp cần thiết.

Mặc dù tình hình kinh tế-xã hội nước ta trong 10 tháng qua có khởi sắc so với nhiều nền kinh tế khác, nhưng nền kinh tế vẫn đang phải chịu áp lực tiềm ẩn rất lớn, đặc biệt là áp lực lạm phát trong 2 tháng cuối năm. Mỗi khi đồng nội tệ mất giá, tức tỷ giá tăng cao thì đồng nghĩa với việc có lợi cho nhà xuất khẩu và thiệt hại cho bên nhập khẩu qua chênh lệch so sánh đồng tiền theo tỷ giá thực tế trên thị trường. Đây cũng là điều thường xuyên xảy ra trên thương trường theo quy luật. Tuy nhiên, khi khủng hoảng tỷ giá kéo dài sẽ không có sự “luân chuyển” giữa bên lợi và bên hại nên rút cục hai bên sẽ cùng bất lợi bởi sự sụt giảm chung các hoạt động ngoại thương. Các nhà nhập khẩu Việt Nam nên chọn ngân hàng có uy tín để áp dụng các nghiệp vụ tích trữ ngoại tệ thích hợp, cần thiết cho thanh toán nhập khẩu để giảm thiểu rủi ro tỷ giá (có thể tăng nhanh hoặc tăng chậm) trong tương lai khi nhìn vào thị trường hàng hóa và tiền tệ quốc tế vẫn đang diễn biến xấu chưa nhìn thấy hồi kết... Theo Tổng cục Hải quan, 9 tháng đầu năm, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam ước đạt 558,52 tỷ USD, tăng 15,1% so với cùng kỳ, xuất siêu 6,52 tỷ USD. Do đó, NHNN vẫn giữ được mức dự trữ cao và chưa phải áp dụng biện pháp can thiệp khẩn cấp như Nhật Bản đã và đang phải dùng quiỹ dự trữ USD mua vào nội tệ.

Vẫn cần lưu ý rằng, xuất khẩu của nước ta phần lớn là phát triển gia tăng trên nền nhập khẩu từ máy móc, thiết bị đến nguyên nhiên vật liệu lõi... Do đó, sẽ khó có khả năng tăng xuất siêu nếu các nhà nhập khẩu gặp khó khăn về tỷ giá.

II.Một số đề xuất:

1. Các giải pháp cơ bản

Để chống lạm phát và thúc đẩy phát triển kinh tế, nên thực hiện theo nguyên lý gồm: 1. Thắt chặt tiền tệ và bảo đảm thanh khoản; 2. Tập trung phát triển sản xuất, dịch vụ, cân đối cung cầu hàng hóa chi tiết đến từng ngành - đây là giải pháp cơ bản gốc để kiềm chế lạm phát nhờ tăng khả năng tiêu thụ vốn có hiệu quả; 3. Kết hợp các giải pháp về tiền tệ, tài khóa và điều hành giá ở cấp vĩ mô; 4. Phối hợp mở rộng đầu tư Nhà nước với kích hoạt kinh tế phi Nhà nước và nâng cao hiệu quả chi tiêu công; 5. Tăng xuất khẩu những mặt hàng ít phụ thuộc đầu vào từ nhập khẩu, hạn chế nhập khẩu...

2. Các giải pháp cụ thể

Cần hướng vào mục tiêu trước mắt là ổn định tỷ giá và chống lạm phát. Theo đó, để giảm thiểu rủi ro do tỷ giá cho bên nhập khẩu, các doanh nghiệp nhập khẩu nên tham gia thị trường mua ngoại tệ kỳ hạn hoặc quyền chọn, hoặc tham gia vào thị trường phái sinh có uy tín nhất để bảo vệ giá trị đồng tiền qua thời gian. Về các giải pháp đối với mặt hàng xăng dầu, Nhà nước cần luôn có cơ chế kiểm soát, chỉ đạo tăng khả năng dự trữ quốc gia, bảo đảm nguồn cung trong nước không để xảy ra tình trạng buôn lậu, găm giữ gây đứt gãy nguồn cung trong những tháng cuối năm và các năm tiếp theo. Xăng dầu là mặt hàng chiến lược, nguồn dự trữ quốc gia đối với xăng dầu phải luôn hướng vào yêu cầu đảm an ninh năng lượng song hành với an ninh sản xuất và lưu thông hàng hóa dịch vụ, đặc biệt là trong bối cảnh giá nhiên liệu thế giới đã và đang biến động khó lường như hiện nay. Bên cạnh đó, cần có giải pháp miễn, giảm thuế, giảm học phí... phù hợp nhằm chia sẻ khó khăn với người dân và doanh nghiệp trong giai đoạn giá xăng dầu tăng cao.

Cần giải ngân nhanh các gói phục hồi kinh tế của Chính phủ với các chính sách hỗ trợ bao gồm cả thuế, phí đang, đã và sẽ giúp cộng đồng doanh nghiệp, người dân, đặc biệt những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 nhanh chóng phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đến lượt nó, các luồng vốn đầu tư đúng hướng của Chính phủ sẽ kéo theo các nhu cầu vốn tín dụng phát huy hiệu quả cả về số lượng và chất lượng, đảm bảo khả năng tăng trưởng kinh tế năm 2022 không thấp hơn 8% và lạm phát không vượt qua 4%. Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công đúng mục tiêu cũng sẽ có tác động tích cực thúc đẩy môi trường đầu tư vốn trung và dài hạn khác của các thành phần kinh tế, thúc đẩy năng lực, duy trì tăng trưởng mạnh ở nhiều ngành chủ lực như công nghiệp chế biến sắt thép, vật liệu xây dựng, cơ khí chế tạo; các ngành nông lâm nghiệp xuất khẩu; thủy hải sản xuất khẩu; giao thông vận tải và dịch vụ trong nước; phục hồi và gia tăng mở cửa du lịch, kích thích mua sắm, tiêu dùng, tăng lương thu hút người lao động trở lại làm việc. Trong bối cảnh nhiều thị trường truyền thống gặp khó khăn, cần gia tăng các hoạt động giao lưu, tìm kiếm và phát triển thị trường tiềm năng trong hoạt động xuất - nhập khẩu của Việt Nam...

Việc kết hợp giữa các chính sách tài chính - tiền tệ gắn với chức năng kích hoạt nền kinh tế mở thông qua các chính sách vĩ mô sát với từng ngành phù hợp ở nước ta đã và sẽ tiếp tục phát huy lợi thế, đẩy mạnh xuất siêu trong bối cảnh nhiều quốc gia đang cần xuất ra đến từ Việt Nam. Tăng vốn kết hợp với tăng đường dẫn vốn hiệu quả qua đầu tư công là công cụ có thể vừa kiềm chế được lạm phát, bảo vệ được giá trị sức mua của đồng nội tệ qua tỷ giá vừa đẩy được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, an toàn ngay trong bối cảnh kinh tế thế giới đã và đang gặp khó khăn kép.

Tin liên quan
Đang chờ cập nhật