Chính sách tài khoá phát huy tốt vai trò hỗ trợ doanh nghiệp, nền kinh tế phục hồi và phát triển
TS. Lê Bá Chí Nhân – Chuyên gia kinh tế cho rằng, các chính sách tài khóa thời gian qua nhìn chung đều thể hiện rõ quan điểm và mục tiêu hỗ trợ của Chính phủ đối với doanh nghiệp khó khăn trong đại dịch COVID-19. Cộng đồng doanh nghiệp và người dân ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ, đặc biệt là Bộ Tài chính trong việc điều hành các chính sách tài khóa, hỗ trợ các đối tượng vượt qua khó khăn, ổn định, phục hồi và phát triển kinh tế.
Phóng viên: Các chính sách tài khoá được ban hành trong thời gian qua có phù hợp với diễn biến và tác động của dịch bệnh COVID-19, thưa ông?
TS. Lê Bá Chí Nhân: Với việc bám sát các chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, sự điều hành các chính sách tài khoá của Bộ Tài chính đã góp phần không nhỏ trong việc ứng phó hiệu quả với đại dịch COVID-19, kiểm soát được lạm phát, ổn định hàng tiêu dùng, cũng như ổn định về cả kinh tế vĩ mô.
Như vậy, các chính sách được ban hành cơ bản phù hợp với diễn biến và tác động của dịch bệnh COVID-19, tương đồng với cách tiếp cận của nhiều quốc gia trên thế giới đã áp dụng. Chưa kể, khi qua nhiều lần sửa đổi và bổ sung, các chính sách cũng đã dần hoàn thiện, phù hợp và kịp thời hơn trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh. Thậm chí, đến thời điểm hiện tại, những chính sách này vẫn phát huy tốt vai trò của nó.
Thực tế cũng cho thấy, nếu đánh giá về tổng thể, lạm phát của Việt Nam so với các nước khác vẫn đang trong tầm kiểm soát. Đặc biệt, sau đại dịch, mọi yếu tố về phát triển kinh tế cơ bản ổn định hơn so với các nước trên thế giới. Đây là một trong những nỗ lực đáng ghi nhận khi chúng ta kịp thời ban hành và áp dụng các chính sách tài khóa trong việc ứng phó với đại dịch COVID-19, cũng như khôi phục nền kinh tế. Có thể nói, chính sách tài khóa thể hiện vai trò tiên phong trong hỗ trợ phòng, chống dịch dịch COVID-19 cũng như phục hồi và phát triển kinh tế trong bối cảnh hiện nay.
Từ nay đến cuối năm 2022, chúng ta vẫn sẽ tiếp tục kiểm soát tốt dịch bệnh. Ngoài ra, trong quý III và quý IV/2022 là thời điểm mà doanh nghiệp dự trữ hàng hóa để phục vụ cho các dịp lễ, Tết… Chính phủ và Bộ Tài chính cũng đang điều chỉnh những chính sách phù hợp để đảm bảo ổn định thị trường, nhờ đó giúp kiểm soát được lạm phát trong thời gian tới.
Phóng viên: Theo ông, các chính sách tài khoá đã tác động như thế nào trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh và hiện nay?
TS. Lê Bá Chí Nhân: Có thể thấy rằng, sau COVID-19, phần lớn các doanh nghiệp đều gặp rất nhiều khó khăn. Trong bối cảnh đó, Bộ Tài chính đã trình các cấp có thẩm quyền đưa ra các chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp như: thực hiện miễn, giảm thuế, phí, lệ phí và gia hạn thời hạn nộp đối với một số sắc thuế, khoản thu, với tổng giá trị tiền thuế, tiền thuê đất, phí và lệ phí được miễn giảm, gia hạn… Cụ thể, với việc giảm thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp từ 10% xuống còn 8%, tức giảm 2% nhưng nếu tính trên tổng thể thì quy mô hỗ trợ rất lớn.
Theo tôi, có thể nhìn nhận, đánh giá hiệu quả của các chính sách tài khóa đối với doanh nghiệp qua các góc độ:
Thứ nhất, việc giảm thuế nói trên đã giúp cho doanh nghiệp có một số tiền để chi trả lương cho công nhân, đặc biệt là góp phần thu hút người lao động quay trở lại làm việc trong thời gian qua.
Thứ hai, hiện nay, giá xăng dầu cũng đang ảnh hưởng rất lớn đối với nền kinh tế. Dù vậy, trong thời gian vừa qua, Bộ Tài chính cũng đã hỗ trợ về yếu tố thuế tiêu thụ đặc biệt và cả thuế môi trường nên đến thời điểm hiện tại giá xăng dầu đã giảm, nhờ đó góp phần làm giảm giá thành các sản phẩm trong thời gian sắp tới, cũng như ổn định các mặt hàng tiêu dùng từ đây cho đến cuối năm.
Thứ ba, các chính sách về thuế được ban hành cũng hỗ trợ các doanh nghiệp có một nguồn vốn để tái sản xuất, cơ bản vượt qua những khó khăn trước mắt, cũng như tạo đà phát triển cho doanh nghiệp trong thời gian sắp tới.
Nói tóm lại, các chính sách tài khóa nhìn chung đều thể hiện rõ quan điểm và mục tiêu hỗ trợ của Chính phủ đối với các doanh nghiệp khó khăn trong đại dịch COVID-19, đồng thời giúp doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung phục hồi và phát triển. Chính các doanh nghiệp cũng ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ, đặc biệt là Bộ Tài chính trong việc điều hành các chính sách tài khóa chủ động, kịp thời trong thời gian qua.
Phóng viên: Ở góc độ là một chuyên gia kinh tế, ông có những khuyến nghị gì đối với các chính sách tài khóa trong việc hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch COVID-19 và trong thời gian tới?
TS. Lê Bá Chí Nhân: Có thể nói rằng, các chính sách tài khóa cơ bản sẽ thay đổi, không chỉ dừng lại ở việc ứng phó với đại dịch và hỗ trợ doanh nghiệp mà sẽ hướng đến mục tiêu dài hạn là phục hồi nền kinh tế. Do đó, các cơ chế hỗ trợ thông qua công cụ tài khóa trong thời gian tới tiếp tục cần được củng cố, bổ sung nhằm nâng cao khả năng tiếp cận cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp một cách hiệu quả và phù hợp hơn.
Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ tài khóa đã được áp dụng tốt trong thời gian qua nên được tiếp tục thực hiện, cùng với đó xem xét mở rộng thêm các đối tượng, cũng như bố trí thời gian hỗ trợ phù hợp.
Ngoài ra, chúng ta cũng cần tập trung cải thiện những hạn chế đối với một số chính sách, nên đơn giản hóa hết mức thủ tục hành chính, đặc biệt, tập trung vào giai đoạn hậu kiểm và các chế tài xử phạt đối với các hành vi trục lợi chính sách.
Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về những nỗ lực của Bộ Tài chính trong việc điều hành chính sách tài khóa để ứng phó hiệu quả với dịch COVID-19, hỗ trợ nền kinh tế phát triển?
TS. Lê Bá Chí Nhân: Tính đến thời điểm hiện tại, có thể nói, Việt Nam đã cơ bản kiểm soát tốt sự lây lan của đại dịch COVID-19, đồng thời phục hồi nền kinh tế dần ổn định trở lại, đây là nỗ lực chung của Chính phủ và toàn xã hội.
Nói riêng về Bộ Tài chính - cơ quan trực tiếp điều hành chính sách tài khóa đã ứng phó hiệu quả với dịch COVID-19, hỗ trợ nền kinh tế, tạo ra được những nguồn vốn vay, kiểm soát thị trường phát triển ổn định, từ đó, tháo gỡ các khó khăn giúp cho các doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Các chính sách do Bộ Tài chính tham mưu, đề xuất được Chính phủ thông qua đều mang lại những tác động tích cực, đặc biệt là các chính sách về thuế khi mỗi năm số tiền miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí lên tới hàng trăm nghìn tỷ đồng đã góp phần quan trọng trong việc hỗ trợ và phục hồi phát triển kinh tế - xã hội.
Như vậy, có thể thấy, về trung và ngắn hạn, Bộ Tài chính đã tạo nên một bước ngoặt lớn giúp cho doanh nghiệp trụ vững được để tiếp tục hoạt động. Về dài hạn, tôi tin rằng, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục có các chính sách, giải pháp đồng bộ, thích hợp để ứng phó với đại dịch, đặc biệt là hỗ trợ nền kinh tế phục hồi và phát triển.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí Tài chính, TS. Lê Bá Chí Nhân cũng cho biết, hiện tại, mọi doanh nghiệp điều đang rất cần vốn, đặc biệt là lĩnh vực bất động sản, một trong những ngành đóng góp GDP rất lớn, tuy nhiên, các ngân hàng đang gặp khó khăn về tài chính để giải ngân vốn cho lĩnh vực này. Hay như việc phát hành trái phiếu của doanh nghiệp cũng đang gặp nhiều vấn đề. Do đó, từ nay đến cuối năm 2022, chúng ta cần phải tháo gỡ được nút thắt về nguồn tiền, dòng tiền, bởi đây là 2 yếu tố chính tác động đến sự phát triển của doanh nghiệp.
Ngoài ra, từ đây đến cuối năm sẽ có một lượng lớn các doanh nghiệp cần tái đầu tư, nên chúng ta phải có những chính sách tài khoá phù hợp về nguồn vốn vay. Trước mắt, Chính phủ cần xem xét lại các mức lãi suất phù hợp để hỗ trợ cho các doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn nhằm phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh.