Chính sách tài khóa giúp nền kinh tế thoát đáy, bắt nhịp với đà phục hồi của kinh tế thế giới

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí Tài chính, GS.,TS. Trần Thọ Đạt - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, việc triển khai kịp thời các gói hỗ trợ kích thích kinh tế nhanh hơn và hiệu quả hơn là việc làm rất cần thiết để kinh tế Việt Nam bắt nhịp với đà phục hồi của kinh tế thế giới. Kết quả khả quan của chính sách tài khóa, trong đó, có các chính sách miễn, giảm thuế, phí trong thời gian qua đối với người dân và doanh nghiệp là khá rõ ràng.

Phóng viên: Trước tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, chính sách tài khóa, đặc biệt là chính sách miễn, giảm thuế, phí được nhiều chuyên kinh tế đánh giá là đã kịp thời hỗ trợ người dân và doanh nghiệp ổn định, khôi phục sản xuất, kinh doanh. Ý kiến của ông về vấn đề này thế nào, thưa ông?

GS.,TS. Trần Thọ Đạt: Người dân và doanh nghiệp đã bị tác động rất lớn bởi đại dịch trong hơn 2 năm qua. Thiệt hại kinh tế do đại dịch COVID-19 là rất nghiêm trọng, tuy không dẫn đến tăng trưởng âm, nhưng lại kéo dài hơn, tạo đáy chữ U chứ không phải chữ V như nhiều nước. Do vậy, việc triển khai kịp thời gói hỗ trợ, kích thích kinh tế nhanh hơn và hiệu quả hơn là cần thiết để nền kinh tế thoát đáy, bắt nhịp với đà phục hồi của kinh tế thế giới và kết quả của những chính sách hỗ trợ này trong thời gian qua với người dân và doanh nghiệp là khá rõ ràng.

Các chính sách miễn giảm thuế, phí đã góp phần hỗ trợ người dân và doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh, vượt qua giai đoạn khó khăn sụt giảm thu nhập. Trong bối cảnh khó khăn về đà hồi phục của kinh tế thế giới hiện nay, nền kinh tế Việt Nam đang được coi là một điểm sáng, một sự phục hồi khá kiên cường trước các tác động của “cơn gió ngược” khi vẫn duy trì được mức tăng trưởng khá cao trong quý II/2022, GDP tăng trưởng 7,72%, là mức tăng cao nhất của quý II so với cùng kỳ từ năm 2011 đến nay.

GS.,TS. Trần Thọ Đạt - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ.

GS.,TS. Trần Thọ Đạt - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ.

Tính chung 6 tháng đầu năm, GDP cả nước tăng 6,42% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 2,04% của 6 tháng đầu năm 2020 và tăng 5,74% của 6 tháng đầu năm 2021, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa vẫn tăng 16,4% so với cùng kỳ năm trước; trong đó xuất khẩu “tăng tốc” 17,3%; nhập khẩu tăng 15,5%, kết quả là cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 710 triệu USD, hoạt động thương mại và dịch vụ phục hồi mạnh mẽ, với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 16% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù chịu rất nhiều áp lực từ giá hàng hóa thế giới tăng cao, CPI bình quân quý II/2022 tăng 2,96% so với quý II/2021, bình quân 6 tháng đầu năm, CPI tăng 2,44% so với cùng kỳ năm trước.

Đây là nỗ lực rất lớn của các cơ quan điều hành chính sách tài khóa và tiền tệ trong bối cảnh giá xăng dầu trong nước tăng 54,92% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi sản xuất phụ thuộc khá nhiều vào nguyên, nhiên, vật liệu từ bên ngoài với giá cả tăng cao, các nền kinh tế lớn và các nước trong khu vực đối mặt với lạm phát phi mã, việc kiểm soát lạm phát cho đến hiện nay của nền kinh tế Việt Nam có ý nghĩa rất lớn trong việc ổn định kinh tế vĩ mô.

Phóng viên: Chính sách tài khóa thể hiện vai trò tiên phong trong viêc đẩy nhanh tiến trình phục hồi kinh tế sau đại dịch. Theo ông, những nỗ lực của Bộ Tài chính trong việc đề xuất các cấp thẩm quyền kịp thời ban hành các chính sách tài khóa thời gian qua đã đem lại kết quả thế nào?

GS.,TS. Trần Thọ Đạt: Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được Quốc hội ban hành theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Chỉ sau 19 ngày, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình.

Chương trình và Nghị quyết này có các nhóm giải pháp với những nhiệm vụ khá cụ thể và huy động, phân bổ nguồn lực chi tiết. Trong bối cảnh suy thoái kinh tế từ đại dịch chủ yếu tác động đến phía cung, chính sách tài khóa đã được coi là chính sách hỗ trợ quan trọng nhất, việc thực thi chính sách tài khoá nghịch chu kỳ trong giai đoạn 2022-2023 được đồng thuận, mở rộng chi tiêu, chấp nhận bội chi cao, ưu tiên cho tăng trưởng là một lựa chọn chính sách đúng.

Với sự nỗ lực của các Bộ, ngành, trong đó có Bộ Tài chính, việc chi tiết thực hiện các gói hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế đã sớm được xác định. Theo báo cáo của Chính phủ, trong số hơn 300 nghìn tỷ đồng hỗ trợ, 64 nghìn tỷ đồng là tiền miễn giảm thuế. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 15/2022/NĐ-CP về việc giảm thuế giá trị gia tăng từ tháng 2/2022 từ mức 10% xuống còn 8%. Ngoài ra, trên cơ sở đề xuất của Bộ Tài chính, Chính phủ đã xây dựng 2 nghị định vào tháng 5 về giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô và giảm một số sắc thuế.

Trong thời gian qua, chi phí do giá nguyên vật liệu đầu vào gia tăng đã tạo ra gánh nặng rất lớn với các doanh nghiệp vốn đã kiệt sức do dịch bệnh kéo dài. Do vậy, việc ban hành và thực thi các chính sách nhằm bình ổn giá nguyên liệu đầu vào sản xuất, chi phí lưu thông, vận chuyển hàng hóa là hết sức cần thiết.

Bộ Tài chính đã nỗ lực thực hiện quan điểm hỗ trợ tài khóa không nhất thiết là tăng chi hỗ trợ, mà việc ưu tiên giảm chi phí như giảm thuế, phí (giảm thuế giá trị gia tăng, giảm các loại thuế, phí đối với xăng, dầu,…) đã được thực hiện nhanh, mạnh và quyết liệt hơn. Chính sách miễn giảm thuế, phí đã góp phần gia tăng phần nào thu nhập của người dân, việc tăng tiêu dùng từ người dân sẽ có tác động tức thì “theo số nhân chi tiêu”, qua đó giải tỏa hàng hóa cho doanh nghiệp trong bối cảnh sức mua đang khá yếu hiện nay.

Phóng viên: Để vừa cân đối tài khóa, hỗ trợ người dân doanh nghiệp vượt qua khó khăn, vừa đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính cần lưu ý vấn đề gì thưa ông?

GS.,TS. Trần Thọ Đạt: Trong bối cảnh nguồn thu bị giới hạn bởi tình hình kinh tế khó khăn và các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, trong khi nhu cầu chi có xu hướng tăng lên, tôi cho rằng, việc đảm bảo cân đối ngân sách nhà nước là một thách thức lớn.

Trong năm 2022 và cả năm 2023, thực hiện Chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ sẽ tiếp tục một loạt các chính sách tài khóa nhằm hỗ trợ nền kinh tế, hướng đến ba nội dung chính: hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ an sinh xã hội và tăng cường đầu tư công.

Thu ngân sách năm 2021 đạt dự toán, nhưng giảm khoảng 9% so với năm 2020. Cấu trúc thu ngân sách nhà nước theo sắc thuế cho thấy, nguồn thu đến từ thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng hàng sản xuất trong nước và thuế trên hàng hóa xuất nhập khẩu đang là các nguồn chính và cơ cấu thu ngân sách theo nguồn phát sinh của năm 2020 và 2021 không có nhiều sự biến động. Cơ cấu thu ngân sách tiếp tục chuyển dịch theo hướng tỷ trọng của các khoản thu từ nội địa là cao nhất, tiếp theo là tỷ trọng thu từ hoạt động xuất nhập khẩu, thu từ dầu thô ngày càng giảm. Với xu hướng này, nếu nền kinh tế phục hồi chậm thì thu ngân sách bị ảnh hưởng nhiều.

Trên phương diện chi ngân sách, năm 2021, quy mô chi ngân sách giảm khoảng 4% so với năm 2020 và thậm chí còn thấp hơn mức chi của năm 2019. Trong bối cảnh chi đối phó đại dịch COVID-19 của năm 2021 tăng gấp 3 lần so với năm trước, đây là kết quả của nỗ lực cắt giảm chi tiêu của Chính phủ, cắt giảm khoản chi cho cải cách tiền lương thông qua nhiều biện pháp như hạn chế bộ máy hành chính, tạm dừng việc tăng lương cơ sở từ ngày 1/7, cắt giảm nhiều nhiệm vụ chi không cần thiết...

Tình hình thâm hụt ngân sách kéo dài nhiều năm, tỷ lệ nợ công/GDP tăng cao là những ràng buộc khiến cho dư địa chính sách tài khóa khá hạn hẹp. Bài toán duy trì và tăng “nguồn” thu ngân sách cần tìm đến những biến số, các yếu tố chắc chắn như cơ cấu lại ngân sách, các yếu tố bổ sung ngân sách từ nguồn chủ động không phải vay, rồi mới đến các yếu tố vay nợ...

Theo đó, khoản chi thường xuyên hiện đang chiếm tỷ trọng hơn 60% ngân sách cần được rà soát lại, tiếp tục cắt giảm các khoản không cần thiết như đi lại hội họp, công tác nước ngoài… Cần tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển và nâng cao hiệu quả vốn giải ngân đầu tư công.

Cần tiếp tục đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công thông qua tháo gỡ các nút thắt thể chế và tạo cơ chế đặc thủ để tập trung vào các dự án lớn, các công trình trọng điểm quốc gia, có tính kết nối và lan tỏa cao, liên kết vùng... như các dự án giao thông, năng lượng, ứng phó biến đổi khí hậu, viễn thông, chuyển đổi số... Đi kèm với thúc đẩy đầu tư công, cũng cần xây dựng cơ chế đặc biệt để giám sát việc thực hiện giải ngân vốn đầu tư công trong giai đoạn hiện nay, để đảm bảo việc giải ngân nhanh chóng nhưng phải có hiệu quả cao, tránh lãng phí, thất thoát, tham nhũng.

Bên cạnh đó, tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả tài sản công, cải cách quản lý dự án đấu thầu mua sắm, mở rộng sự tham gia của khu vực tư nhân vào lĩnh vực dịch vụ thiết yếu cơ sở hạ tầng. Trong quá trình cải tiến chi ngân sách, cần hướng đến xu hướng cấu trúc thay đổi của nền kinh tế hậu đại dịch thông qua các gói kích thích số, đầu tư vào công nghệ số và cơ sở hạ tầng đóng vai trò hỗ trợ cho toàn bộ nền kinh tế, tăng tốc đổi mới và số hóa nền kinh tế, các chính sách hỗ trợ tài chính cho khởi nghiệp. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để xem xét, cân nhắc lại một số sắc thuế nhằm khuyến khích chuyển đổi số, sản xuất thông minh, phát triển năng lượng xanh - sạch, nông nghiệp sinh thái.

Một nguồn quan trọng khác có thể huy động được mà vẫn thường xuyên được coi là “chậm tiến độ” chính là thoái vốn doanh nghiệp nhà nước. Tiến trình cổ phần hóa, tốc độ thoái vốn của các doanh nghiệp nhà nước hiện nay đang rất chậm, thường xuyên không đạt kế hoạch đề ra. Nghịch lý đang diễn ra là trong khi nền kinh tế, các doanh nghiệp đang khát vốn thì một lượng vốn lớn và tài nguyên của các doanh nghiệp nhà nước đang được sử dụng chưa hiệu quả.

Tiếp đến, một kênh huy động nguồn đang khá thuận lợi hiện nay là vay từ các tổ chức và định chế tài chính quốc tế. Mặc dù Việt Nam đã “tốt nghiệp” ODA khi bước vào một giai đoạn phát triển mới với tư cách là nước có mức thu nhập trung bình, những nguồn tài chính chính thức khác lại gia tăng và vẫn khá ưu đãi. Cuối cùng, mới nên tính đến phương án phát hành trái phiếu chính phủ để tài trợ Chương trình hỗ trợ.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!

Lượt xem: 43
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật