Chất lượng giáo dục vùng dân tộc thiểu số và miền núi từng bước được khẳng định
Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước và xã hội dành sự quan tâm đặc biệt tới công tác giáo dục ở vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi. Thông qua các chủ trương, chính sách hỗ trợ, đầu tư phát triển, sự nghiệp giáo dục vùng DTTS, miền núi đã có những chuyển biến rõ nét.
Quy mô, mạng lưới trường lớp ngày càng được mở rộng
Trong thời gian qua, các địa phương trong cả nước đã tổ chức rà soát, sắp xếp mạng lưới các cơ sở giáo dục phù hợp với quy hoạch và điều kiện thực tế của địa phương và có lộ trình hợp lý; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, đảm bảo quyền lợi học tập của học sinh.
Cô và trò Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái, tìm hiểu văn hóa truyền thống qua sách, báo |
Cơ sở giáo dục các cấp học ở vùng DTTS, miền núi ngày càng đáp ứng nhu cầu học tập của con em đồng bào các dân tộc. Các thôn, bản vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới đã có lớp mầm non; Tất cả các xã đều có trường tiểu học hoàn chỉnh ở khu vực trung tâm xã. Chất lượng giáo dục mầm non, phổ thông ở miền núi, vùng DTTS đã có những chuyển biến tích cực. Tỷ lệ học sinh đến trường tăng cao; học sinh lưu ban, bỏ học ngày càng giảm; Tỷ lệ học sinh hoàn thành và tốt nghiệp các cấp học tăng.
Bằng các chương trình, dự án của Nhà nước kết hợp với sự đầu tư của các địa phương, nhiều cơ sở giáo dục vùng DTTS, miền núi đã được xây dựng khang trang, trang thiết bị tương đối đầy đủ. Tỷ lệ trường học, phòng học kiên cố ngày càng tăng, góp phần ổn định và phát triển quy mô giáo dục. Diện mạo cơ sở vật chất của các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông được thay đổi.
Hiện nay, toàn quốc có 1.149 trường PTDTBT ở 29 tỉnh, thành phố (năm 2018 có 1.126 trường; năm 2019 có 1.146 trường; năm 2020 có 1.148 trường; năm 2021 1.149 trường).
Trong 1.149 trường PTDTBT (có 409 trường PTDTBT cấp Tiểu học, 231 trường PTDTBT liên cấp Tiểu học và Trung học cơ sở, 509 trường PTDTBT cấp Trung học cơ sở) với quy mô 252.671 học sinh bán trú. Bên cạnh đó, còn có 2.176 trường phổ thông có học sinh bán trú ở 29 tỉnh, thành phố với quy mô 213.199 học sinh bán trú. Bình quân hằng năm, có hơn 460.000 học sinh trường phổ thông các cấp được hưởng chính sách học sinh bán trú theo quy định tại Nghị định 116.
Không chỉ phát triển quy mô đối với mô hình trường PTDTBT, trường PTDTNT cũng ngày càng được mở rộng. Năm 2021, toàn quốc có 321 trường PTDTNT (Năm 2018 có 318 trường; 2019 có 319 trường; năm 2020 có 320 trường), trong đó có 318 trường PTDTNT (cấp tỉnh và cấp huyện) thuộc 49 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với quy mô 101.918 học sinh; có 2 trường trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo (Trường Hữu nghị 80 và Trường Hữu nghị T78) và 1 trường trực thuộc Ủy ban Dân tộc (trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc) có tổ chức dạy học cho học sinh dân tộc nội trú với quy mô hơn 3.000 học sinh.
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, trong năm 2021 thực hiện chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn theo Nghị định 116 là 3.446 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã xuất cấp bình quân mỗi năm học khoảng 68.556 tấn gạo cho các địa phương để hỗ trợ cho học sinh bán trú. Hỗ trợ trợ cấp đối với học sinh các trường PTDT nội trú và trường dự bị đại học theo Thông tư 109 là 1.446 tỷ đồng. |
Quy mô trung bình của trường cấp tỉnh khoảng 600 học sinh dân tộc nội trú/trường, trường cấp huyện khoảng 290 học sinh dân tộc nội trú/trường. Đến năm 2022, giảm 3 trường PTDTNT tại tỉnh Vĩnh Phúc do sắp xếp lại cơ sở giáo dục trên địa bàn và do nguồn tuyển học sinh dân tộc nội trú không đáp ứng, toàn quốc có 318 trường PTDTNT với 102.757 học sinh.
Đến nay, cả nước đã xóa bỏ được phần lớn phòng học 3 ca, phòng học tạm các loại; Tạo điều kiện cho hàng triệu học sinh được ngồi học trong các phòng học kiên cố và giải quyết điều kiện chỗ ở cho hàng vạn giáo viên (đặc biệt các tỉnh miền núi phía Bắc, các huyện miền núi ở các tỉnh miền Trung, các tỉnh Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long). Cơ sở vật chất, thiết bị trường học phục vụ hoạt động dạy và học của các cơ sở giáo dục vùng DTTS, MN được quan tâm đầu tư đã góp phần ổn định và phát triển quy mô giáo dục, tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục phấn đấu đạt chuẩn quốc gia và hoàn thiện dần mạng lưới cơ sở giáo dục ở các địa phương.
Nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo
Từ khi có mô hình trường PTDTBT và các chính sách hỗ trợ đi kèm, chất lượng giáo dục ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội ĐBKK đã được nâng lên rõ rệt, nhất là vấn đề tiếp cận công bằng trong giáo dục và chất lượng giáo dục đại trà.
Hằng năm, tỷ lệ học sinh tiểu học được đánh giá hoàn thành về học tập, năng lực và phẩm chất đều đạt trên 90%. 100% học sinh tốt nghiệp THCS; Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS tại các trường PTDTBT vào lớp 10 trong các trường THPT và các Trung tâm Giáo dục thường xuyên (GDTX) khoảng 70%, số còn lại theo học nghề và tham gia vào thị trường lao động.
Giờ học thực hành của môn Hóa học của học sinh lớp 11B, Trường PTDTNT tỉnh Quảng Ninh (Ảnh: Quý Trung/TTXVN) |
Mô hình trường PTDTBT đã và đang làm thay đổi chất lượng giáo dục ở vùng đồng bào DTTS, MN. Sự phát triển nhanh về quy mô, số lượng và nâng cao chất lượng của các trường PTDTBT đã khẳng định được vai trò to lớn của hệ thống trường này trong việc huy động tối đa học sinh tiểu học và THCS trong độ tuổi tới trường, giảm tỷ lệ học sinh bỏ học, tỷ lệ học sinh đi học không chuyên cần, tỷ lệ học sinh lưu ban. Từ đó, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, góp phần quan trọng vào việc củng cố và duy trì kết quả phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập giáo dục THCS, từng bước nâng cao dân trí và phát triển nguồn nhân lực ở vùng đồng bào DTTS, MN.
Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục ở vùng DTTS miền núi ngày càng được nâng cao, đáp ứng yêu cầu của đổi mới giáo dục. Tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn của các tỉnh miền núi tương đương tỷ lệ chung của cả nước. Về cơ bản, đội ngũ này đang ngày càng đáp ứng được nhu cầu giảng dạy theo yêu cầu, đòi hỏi của xã hội. Nhiều giáo viên ở các tỉnh miền núi công tác tại các trường chuyên biệt có giáo viên đạt trình độ trên chuẩn như trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc, PTDTNT Nghệ An, Thanh Hóa, Bà Rịa - Vũng Tàu...
Nhờ đó, chất lượng giáo dục của các trường PTDTNT dần được nâng lên qua từng năm học. Tỷ lệ học sinh các trường PTDTNT xếp loại hạnh kiểm tốt, khá hằng năm đạt trên 95%. Tính trung bình, học sinh trường PTDTNT có tỷ lệ học lực giỏi, khá là trên 60%, học lực trung bình trên: 30%, học lực yếu, kém khoảng 2,3%.
Tỷ lệ học sinh chuyên cần tăng, giảm tỷ lệ học sinh bỏ học, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở hàng năm đạt trên 97%, tốt nghiệp trung học phổ thông đạt trên 90%. Hàng năm, có trên 50% đỗ thẳng vào các trường đại học, cao đẳng, 5% học cử tuyển, 13% vào dự bị đại học...
Với những chính sách đầu tư, chăm lo phát triển giáo dục dân tộc, hàng năm, thành tích của học sinh, sinh viên, thanh niên DTTS xuất sắc, tiêu biểu của cả nước tăng hơn các năm trước cả về số lượng và chất lượng. Điều này khẳng định, chất lượng giáo dục vùng DTTS đã và đang phát triển mạnh mẽ cả về quy mô và chất lượng đào tạo.