Cần luật định cơ quan chuyên trách phòng, chống rửa tiền
Cần xây dựng điều luật quy định về cơ quan chuyên trách phòng, chống rửa tiền nhằm tạo cơ sở pháp lý hình thành cơ quan chuyên trách thống nhất với thẩm quyền phù hợp trong công tác phòng, chống tội phạm rửa tiền để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ khi đất nước đang hội nhập quốc tế.
Chuẩn hóa các điều ước, chuẩn mực quốc tế về phòng, chống rửa tiền
Sáng 31/8, Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo góp ý cho dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi); nhất trí cần thiết bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật về phòng, chống rửa tiền, để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thực tiễn xã hội.
Theo TTXVN, tại hội thảo, các đại biểu đã bày tỏ đồng thuận cao về sự cần thiết sửa đổi Luật Phòng, chống rửa tiền, để hoàn thiện quy định pháp luật trong lĩnh vực này, tạo cơ sở pháp lý đẩy mạnh hiệu quả công tác phòng, chống rửa tiền và phòng, chống tham nhũng nói chung, đáp ứng yêu cầu cấp bách của thực tiễn cuộc sống xã hội trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế.
Các đại biểu góp ý cần sửa đổi, làm rõ, cụ thể hơn quy định nội dung khái niệm "hành vi rửa tiền" và "hành vi trợ giúp rửa tiền"; bổ sung thêm các hình thức rửa tiền và một số nội dung khác trong dự thảo luật nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực áp dụng luật trong thực tiễn.
Bà Ung Thị Xuân Hương, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá: Dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) hướng tới đáp ứng yêu cầu chuẩn hóa các điều ước quốc tế, các chuẩn mực quốc tế về phòng, chống rửa tiền, nhằm đồng bộ, thống nhất hệ thống pháp luật điều chỉnh trong lĩnh vực phòng, chống rửa tiền, đặc biệt trong điều tra, truy tố, xét xử tội phạm về rửa tiền và các tội phạm liên quan.
Bà Ung Thị Xuân Hương cho rằng công tác phòng, chống rửa tiền liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực, đòi hỏi sự tham gia của nhiều bộ, ngành cũng như các cơ quan liên quan. Do đó, cần nghiên cứu và hoàn thiện hơn các quy định này để bảo đảm tính khả thi cũng như cân đối về nguồn lực của cơ quan chủ quản và các cơ quan liên quan.
Cần quy định 1 chương riêng về hoạt động hợp tác quốc tế phòng, chống rửa tiền
Có chung ý kiến với một số đại biểu về tầm quan trọng của hợp tác quốc tế về phòng, chống rửa tiền, Luật sư Trương Thị Hòa đề nghị Điều 6 của Dự thảo luật quy định về hoạt động hợp tác quốc tế về phòng, chống rửa tiền cần được quy định thành một chương riêng biệt, vì hiện nay, phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực này là một vấn đề xuyên quốc gia, toàn cầu để đối phó với các hành vi rửa tiền ngày càng tinh vi, đa dạng, phức tạp; đồng thời bổ sung thêm, cụ thể hơn một số nội dung về trách nhiệm các cơ quan chức năng như Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân, Bộ Tài chính… trong phòng, chống rửa tiền.
Quan tâm đến những điều khoản liên quan đến phòng, chống tội phạm rửa tiền, bà Lê Thị Đông, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, thực tiễn công tác khởi tố, truy tố một số vụ án liên quan đến tội phạm rửa tiền cho thấy rất cần thiết xem xét, bổ sung quy định cụ thể về thời gian cập nhật thông tin nhận biết khách hàng (Điều 11); bổ sung quy định mang tính định lượng cụ thể đối với 59 dấu hiệu đáng ngờ của tội rửa tiền trong các lĩnh vực ngân hàng, trung gian thanh toán, kinh doanh bảo hiểm nhân thọ, chứng khoán, kinh doanh bất động sản… (Điều 26); sửa đổi nội dung quy định tại khoản 2,3,4 Điều 54 về hiệu lực thi hành.
Đề nghị xây dựng điều luật quy định về cơ quan chuyên trách phòng, chống rửa tiền
Trong khi đó, đại diện Trường Đại học An ninh nhân dân đề nghị xây dựng điều luật quy định về cơ quan chuyên trách phòng, chống rửa tiền nhằm tạo cơ sở pháp lý hình thành cơ quan chuyên trách thống nhất với thẩm quyền phù hợp trong công tác phòng, chống tội phạm rửa tiền để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ khi đất nước đang hội nhập quốc tế.
Bên cạnh đó, xem xét, bổ sung các quy định về phòng, chống rửa tiền đối với những loại tài sản có tính đặc thù như tiền điện tử, tài sản ảo; bổ sung các tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ thương mại điện tử quốc tế vào đối tượng điều chỉnh; sửa đổi bổ sung nội dung đảm bảo quy định nghĩa vụ báo cáo giao dịch đáng ngờ và trách nhiệm bảo đảm bí mật trong cung cấp thông tin liên quan giao dịch đáng ngờ của các tổ chức tín dụng…; nghiên cứu, rà soát bổ sung các quy định liên quan đến các văn bản, quy định pháp luật khác để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất và hiệu lực của pháp luật trong lĩnh vực phòng, chống rửa tiền…
Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) gồm 4 chương, 54 điều, trong đó bổ sung mới 9 điều; sửa đổi 43 điều và hủy bỏ 7 điều; giữ nguyên 2 điều theo quy định của Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012.