Cách mạng công nghiệp 4.0: Giải bài toán thiếu hụt nhân tài ngành sản xuất

ManpowerGroup Việt Nam vừa phối hợp cùng AmCham Hà Nội tổ chức hội thảo trực tuyến với chủ đề “Cách mạng công nghiệp 4.0: Giải bài toán thiếu hụt nhân tài ngành sản xuất”.

hội thảo trực tuyến với chủ đề “Cách mạng công nghiệp 4.0: Giải bài toán thiếu hụt nhân tài ngành sản xuất”
Đai biểu tham gia hội thảo trực tuyến với chủ đề “Cách mạng công nghiệp 4.0: Giải bài toán thiếu hụt nhân tài ngành sản xuất”

Hội thảo nhằm thảo luận về tương lai ngành sản xuất dưới tác động của chuyển đổi số và đề xuất giải pháp bền vững khắc phục những khó khăn trong tuyển dụng. Đặc biệt, khách tham dự hội thảo đã được lắng nghe những chia sẻ về những chiến lược thu hút và phát triển nhân tài toàn diện tại Gentherm Việt Nam – một tập đoàn hàng đầu trong ngành công nghệ quản lý nhiệt thường xuyên có mặt trong danh sách Fortune 100 Công ty phát triển nhanh nhất. Hội thảo đã thu hút sự quan tâm và tham dự của gần 50 nhà lãnh đạo doanh nghiệp, chuyên viên tuyển dụng và nhân sự cấp cao hiện đang hoạt động trong nhiều lĩnh vực.

Bà Nguyễn Thu Trang, Giám đốc Dịch vụ tuyển dụng cấp cao và tư vấn nhân sự, ManpowerGroup Việt Nam mở đầu buổi thảo luận bằng chia sẻ về những yếu tố chính đang tác động sâu sắc tương lai thế giới việc làm, trong đó bao gồm sự gia tăng như vũ bão những ứng dụng của công nghệ.

Cách mạng công nghiệp 4.0: Giải bài toán thiếu hụt nhân tài ngành sản xuất

Theo nghiên cứu "Công xưởng tương lai" của tập đoàn ManpowerGroup, trong bối cảnh ngành công nghiệp sản xuất, chế biến chế tạo đang đẩy mạnh số hóa, nhiều vị trí việc làm mới đang ra đời trong khi một số khác dần mất đi. Đi cùng triển vọng phát triển đó, các nhà sản xuất trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam, đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc tìm kiếm nhân tài đáp ứng nhu cầu phát triển.

Theo một nghiên cứu trên 200 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực sản xuất, chế biến chế tạo do ManpowerGroup Việt Nam và Viện Khoa học – Lao động và Xã hội (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) thực hiện, hơn 1/5 nhà tuyển dụng cho biết họ gặp khó khăn trong tuyển dụng vì nhiều lý do khác nhau. Trong số đó, vấn đề thiếu hụt kỹ năng được coi là cấp thiết nhất khi có tới 70% doanh nghiệp cho hay các ứng viên không đáp ứng được yêu cầu về kỹ năng chuyên môn.

Cách mạng công nghiệp 4.0: Giải bài toán thiếu hụt nhân tài ngành sản xuất

“Để vượt qua những thách thức của thời đại số, mỗi doanh nghiệp cần tự xây dựng cho mình một chiến lược nhân sự toàn diện, bao gồm: Đầu tư vào việc đào tạo và phát triển lao động trong tổ chức; Săn tìm và thu hút nhân tài có kỹ năng từ bên ngoài tổ chức; Xây dựng các cộng đồng nhân tài bên ngoài tổ chức thông qua các dịch vụ cho thuê lại lao động và Kết nối giúp người lao động dịch chuyển vai trò trong tổ chức hoặc phát triển lên những vị trí mới” - bà Nguyễn Thu Trang chia sẻ.

Bà Trần Thị Thanh Hương, Giám đốc Nhân sự Gentherm Việt Nam mang đến hội thảo góc nhìn thực tiễn với những chiến lược thu hút, phát triển và giữ chân nhân tài đang được triển khai tại Gentherm kể từ khi công ty bước chân vào thị trường Việt Nam từ 2014. Bên cạnh việc tối ưu các kênh tuyển dụng, từ phát triển xây dựng nguồn nhân lực nội bộ đến đẩy mạnh việc tạo nguồn nhân sự tiềm năng từ bên ngoài (ví dụ hợp tác với các trường đại học), Gentherm Việt Nam đặc biệt chú trọng vào các chương trình đào tạo và phát triển cho nhân viên nội bộ.

“Chúng tôi áp dụng mô hình đào tạo 70-20-10. 70% là các chương trình đào tạo tại chỗ, 20% là các chương trình huấn luyện linh hoạt như đào tạo chuyên môn và 10% còn lại là đào tạo truyền thống, ví dụ như ma trận kỹ năng”, bà Hương chia sẻ.

Cách mạng công nghiệp 4.0: Giải bài toán thiếu hụt nhân tài ngành sản xuất

Về khía cạnh phát triển và giữ chân nhân tài, bà Hương chia sẻ những công cụ đa dạng mà doanh nghiệp này đang áp dụng, bao gồm mạng lưới giao tiếp đến nhân viên thuộc mọi cấp độ, các chương trình khen thưởng nội bộ, và đặc biệt là phương pháp đánh giá công việc Korn Ferry Hay.

Trong phần thảo luận và trả lời câu hỏi, điều phối viên - ông Nguyễn Xuân Sơn, Trưởng phòng Dịch vụ khoán việc và cho thuê lại lao động, ManpowerGroup Việt Nam cùng hai diễn giả đã thảo luận kỹ hơn về nhiều vấn đề xoay quanh tình trạng thiếu hụt nhân tài của lao động Việt Nam và kế hoạch phát triển nhân tài của doanh nghiệp.

“Bên cạnh đại dịch COVID-19 đang tiếp diễn, ngành sản xuất đang ở giai đoạn chuyển đổi số mạnh mẽ nhất (giai đoạn 3). Do vậy, dự đoán trong 3 đến 5 năm tới, việc tìm kiếm lao động có kỹ năng sẽ còn gặp nhiều khó khăn.

Các doanh nghiệp cần giữ tâm thế chủ động, sẵn sàng ứng phó với nhiều kịch bản, đặc biệt là chú trọng đầu tư vào các chương trình đào tạo và nâng cao kỹ năng nội bộ”, bà Trang nhấn mạnh.

Cách mạng công nghiệp 4.0: Giải bài toán thiếu hụt nhân tài ngành sản xuất
Lượt xem: 280
Tác giả: Trần Mạnh
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật