Bộ Y tế hướng dẫn phát hiện, can thiệp sớm khuyết tật trẻ em

Bộ Y tế có Quyết định số 359/QĐ-BYT về việc ban hành “Hướng dẫn Phát hiện sớm - Can thiệp sớm khuyết tật trẻ em”.

Theo tài liệu hướng dẫn "Phát hiện sớm - can thiệp sớm khuyết tật trẻ em" do Bộ Y tế vừa ban hành, Bộ Y tế dẫn chứng báo cáo của Tổng cục Thống kê về điều tra quốc gia Người khuyết tật Việt Nam ước tính Việt Nam có khoảng 1,2 trẻ em khuyết tật độ tuổi 0-17 (chiếm 3,1% trẻ trong độ tuổi này), trong đó trẻ < 6 tuổi có tỉ lệ khuyết tật (chiếm 1,39% trẻ cùng độ tuổi).

Loại khuyết tật phổ biến nhất ở trẻ em trong điều tra tại cộng đồng là khuyết tật về vận động chiếm 22,4% và khuyết tật về nói chiếm 21,4% tổng số trẻ khuyết tật.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh họa

Nguyên nhân chính của tình trạng khuyết tật ở trẻ em là do khuyết tật bẩm sinh (chiếm 55%-64,6%) và do bệnh tật (chiếm 23,5%-29,1%).

Hướng dẫn gồm 2 tài liệu cơ bản: Tài liệu 1 hướng dẫn tổ chức thực hiện phát hiện sớm - can thiệp sớm và tài liệu 2 hướng dẫn phát hiện sớm, can thiệp sớm một số dạng khuyết tật thường gặp.

Đối với tài liệu 1 về hướng dẫn tổ chức thực hiện phát hiện sớm - can thiệp sớm, Bộ Y tế chỉ rõ tầm quan trọng của phát hiện sớm và can thiệp sớm có tác động tích cực tới trẻ, gia đình và xã hội tạo cơ hội cho trẻ khuyết tật hội nhập xã hội và có cuộc sống tốt đẹp hơn.

Việc phát hiện sớm - can thiệp sớm gồm 5 bước như sau: Thứ nhất, nhận biết sớm là quan sát được những dấu hiệu đầu tiên gợi ý sự phát triển của trẻ có thể có nguy cơ hoặc bất thường về thể chất, giác quan, tâm thần và hành vi.

Thứ hai, phát hiện sớm là sự nhận diện một cách hệ thống các dấu hiệu bất thường về phát triển, thể chất, giác quan, tâm thần và hành vi, các công cụ sàng lọc để phát hiện sớm các bất thường sẽ được thành viên gia đình, cộng đồng hoặc các nhà thực hành về y tế hoặc giáo dục thực hiện. Kết quả sàng lọc chưa phải là chẩn đoán, trẻ cần được khám chuyên khoa để có chẩn đoán cuối cùng.

Thứ ba, chẩn đoán là sự xác định các khiếm khuyết về phát triển hoặc bất thường về thể chất, giác quan, tâm thần và hành vi do các nhà chuyên môn chuyên ngành sâu thực hiện.

Thứ tư, tập huấn bao gồm các hoạt động có mục tiêu nhằm tác động tới trẻ và môi trường, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của trẻ.

Thứ năm, hướng dẫn cha mẹ và gia đình là các huấn luyện và tư vấn cho cha mẹ trẻ và thành viên gia đình như giúp phát hiện và chấp nhận trẻ, giúp có đáp ứng phù hợp với hành vi của trẻ, hướng dẫn và tư vấn về các hoạt động kích thích phát triển, tập luyện đồng thời cung cấp các thông tin cần thiết.

Đối với tài liệu 2 hướng dẫn phát hiện sớm, can thiệp sớm một số dạng khuyết tật thường gặp gồm: Khuyết tật vận động; Khuyết tật nghe - nói; Chậm phát triển ngôn ngữ; Khuyết tật về nhìn; Khuyết tật thần kinh, tâm thần; Khuyết tật về trí tuệ và các khuyết tật khác.

Lượt xem: 32
Tác giả: Phương Thu
Tin liên quan