Bảo đảm ổn định thị trường, giá cả, nhất là đối với hàng hóa thiết yếu

Thời gian tới, dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới chậm lại, lạm phát tiếp tục ở mức cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với ổn định tài chính, tiền tệ, an ninh năng lượng, lương thực..., Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương có giải pháp phù hợp, hiệu quả bảo đảm ổn định thị trường, giá cả, nhất là đối với hàng hóa thiết yếu...

Nền kinh tế nước ta tiếp tục phục hồi tích cực nhưng dự báo tăng trưởng có khả năng khó khăn hơn trong quý IV/2022 và năm 2023. Trong bối cảnh đó, Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; nỗ lực phấn đấu đạt cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu của năm 2022.

Tại Nghị quyết số 130/NQ-CP, Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương cần theo dõi sát tình hình kinh tế - xã hội trong và ngoài nước, kịp thời xử lý những vấn đề phát sinh; chủ động, nắm chắc tình hình thị trường, cung cầu, giá cả hàng hóa để có giải pháp phù hợp, hiệu quả bảo đảm ổn định thị trường, giá cả, nhất là đối với hàng hóa thiết yếu, trong đó lưu ý các địa bàn chịu ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ.

Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương thực hiện chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm hiệu quả, rà soát giảm thuế, phí, lệ phí và hỗ trợ mở rộng sản xuất, kinh doanh; tăng thu, giảm chi, tiết kiệm tối đa chi thường xuyên.

Đồng thời, tập trung triển khai, hướng dẫn thực hiện Nghị định số 65/2022/NĐ-CP ngày 16/9/2022 của Chính phủ về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế; Tổ chức thực hiện các giải pháp nâng hạng thị trường chứng khoán từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi.

Các Bộ: Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Công Thương phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cơ quan liên quan nghiên cứu phương án, lộ trình tăng giá điện, dịch vụ y tế, giáo dục... phù hợp trên cơ sở cân nhắc, đánh giá đầy đủ tác động đến lạm phát, người dân.

Tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược; đẩy mạnh việc rà soát, triển khai các giải pháp cụ thể, thiết thực và tạo đột phá mạnh mẽ nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính, chuyển đổi số được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, bảo đảm hoàn thành các nhiệm vụ đề ra trong kế hoạch cải cách hành chính, chuyển đổi số năm 2022.

Khẩn trương hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền ban hành các quy hoạch theo quy định, trong đó các bộ, cơ quan liên quan sớm cho ý kiến đối với các quy hoạch để các địa phương có cơ sở hoàn thiện, trình thẩm định và trình phê duyệt bảo đảm tiến độ theo đúng kế hoạch tại Văn bản số 760/TTg-CN ngày 31/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

Các bộ, cơ quan khẩn trương xử lý theo thẩm quyền hoặc đề xuất cơ quan có thẩm quyền tháo gỡ các khó khăn trong triển khai các công trình, dự án quan trọng quốc gia đang gặp vướng mắc tại các địa phương. Đồng thời, quan tâm thực hiện kịp thời, hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ của Nhà nước đối với người dân, người lao động, doanh nghiệp; rà soát các chính sách đang thực hiện để đánh giá, đề xuất cấp có thẩm quyền việc kéo dài hoặc điều chỉnh phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế.

Chính phủ giao Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương khẩn trương hoàn thiện phương án xử lý đối với 7/12 doanh nghiệp, dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả còn lại; trước mắt hoàn thiện ngay phương án xử lý 3 dự án của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam theo kết luận của Ban Cán sự đảng Chính phủ tại cuộc họp ngày 20/9/2022 để báo cáo Bộ Chính trị, khẩn trương đề xuất Thủ tướng Chính phủ trước ngày 25/10/2022 phương án xử lý dứt điểm, rõ ràng, cụ thể đối với Dự án khai thác tuyển quặng sắt mỏ Quý Xa, Nhà máy Gang thép Lào Cai.

Chính phủ giao Bộ Công Thương đẩy mạnh khai thác thị trường trong nước; tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, kích cầu, thúc đẩy tiêu dùng, Tăng cường kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp đầu mối, cơ sở bán lẻ xăng dầu, tránh tình trạng đầu cơ, găm hàng, hoạt động không đúng quy định, thiếu hụt xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ. Phối hợp cùng Bộ Tài chính, các cơ quan, địa phương liên quan tăng cường quản lý thị trường, giá cả, phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại...

Lượt xem: 26
Tác giả: Việt Hoàng