Ai Cập tham vọng trở thành trung tâm năng lượng toàn cầu
Ai Cập đang ưu tiên phát triển kinh tế khi quyết định giảm sử dụng khí đốt tự nhiên trong sản xuất điện để sản xuất khí đốt. Các kế hoạch xuất khẩu nhiều khí đốt tự nhiên hơn của Ai Cập phản ánh tham vọng của nước này trở thành một trung tâm năng lượng toàn cầu.
Cung cấp năng lượng cho khu vực
Ai Cập đang sử dụng vị trí chiến lược của mình trước ngưỡng cửa của châu Âu để trở thành nhà cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) chính cho châu lục này, khi nước này chuyển dần khỏi nhiên liệu hóa thạch. Hơn nữa, Ai Cập cũng có thể giúp châu Âu vượt qua cuộc khủng hoảng năng lượng do việc ngừng nhập khẩu khí đốt của Nga.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Sameh Shoukry cho rằng, tình hình thế giới hiện nay thúc đẩy Ai Cập tăng cường nỗ lực để trở thành một trung tâm năng lượng khu vực, tập trung vào cung cấp khí đốt tự nhiên và năng lượng điện cho các nước láng giềng, cũng như thúc đẩy đầu tư địa phương vào sản xuất hydro xanh. Sự gia tăng giá năng lượng và lương thực trên toàn cầu đã ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển kinh tế và khả năng thực hiện cải cách kinh tế ở nhiều nước đang phát triển.
Những thành tựu gần đây của Ai Cập trong việc tạo ra thặng dư đáng kể trong sản xuất điện và khí đốt tự nhiên đã cho phép nước này đóng một vai trò quan trọng trong việc góp phần đáp ứng nhu cầu năng lượng ở cấp độ khu vực. Theo đó, quốc gia này đã đạt được thặng dư điện hơn 25% sau các dự án lớn đã chấm dứt hàng thập kỷ thiếu hụt kinh niên, cùng với đó là thực hiện các dự án liên kết điện với các nước châu Phi và châu Âu. Ai Cập đã liên kết lưới điện với Sudan, Libya và Jordan, với kế hoạch thiết lập nhiều liên kết điện hơn với các nước Ảrập và châu Phi khác.
Bên cạnh đó, Ai Cập cũng đã đạt được khả năng tự cung cấp khí đốt tự nhiên và trở thành nhà xuất khẩu lớn của nguồn năng lượng sạch này sau những khám phá khổng lồ về mỏ khí đốt tự nhiên Zohr khổng lồ ở Địa Trung Hải. Điều này đã cho phép nước này tăng cường phối hợp với các nước Trung Đông trong lĩnh vực sản xuất khí hóa lỏng và xuất khẩu khí đốt tự nhiên. Ai Cập là thành viên của Diễn đàn Khí đốt Đông Địa Trung Hải (EMGF), cùng với Pháp, Ý, Hy Lạp, Síp, Israel, Palestine và Jordan. EMGF được thành lập vào năm 2020 để phối hợp các nỗ lực giữa tám quốc gia thành viên nhằm sử dụng chung các khám phá khí tự nhiên ở phía đông Địa Trung Hải.
Ngoại trưởng Ai Cập cho biết, Chính phủ nước này đang tìm cách tăng cường đầu tư vào các nguồn năng lượng tái tạo và sạch để đáp ứng nhu cầu địa phương và cũng cung cấp năng lượng xanh cho các nước láng giềng. Ông giải thích, Ai Cập gần đây đã áp dụng tầm nhìn trở thành một trung tâm toàn cầu và khu vực về sản xuất, lưu trữ và xuất khẩu hydro xanh. Tháng 8 năm ngoái, Ai Cập đã ký 7 Biên bản ghi nhớ (MoUs) với các công ty trong nước và quốc tế để thành lập các khu liên hợp công nghiệp sản xuất hydro xanh tại Khu công nghiệp Ain Sokhna trong Khu kinh tế kênh đào Suez (SCZONE).
Tập trung phát triển kinh tế
Thủ tướng Ai Cập Mustafa Madbouli đã công bố kế hoạch giảm tiêu thụ điện của nước này thông qua một số biện pháp “thắt lưng buộc bụng” và các kế hoạch xuất khẩu nhiều khí đốt tự nhiên hơn bao gồm không sử dụng đèn điện trong các tòa nhà chính phủ sau giờ làm việc, giảm đèn chiếu sáng trên đường phố và không cho phép các trung tâm mua sắm bật điều hòa không khí ở nhiệt độ dưới 25 độ C. Chính phủ Ai Cập lập luận rằng các biện pháp như vậy sẽ giúp quốc gia Bắc Phi tiết kiệm được 15% lượng khí đốt tự nhiên được sử dụng để sản xuất điện. Thay vào đó, lượng khí đốt này sẽ được xuất khẩu, qua đó có thể giúp kim ngạch xuất khẩu khí đốt tự nhiên của Ai Cập tăng thêm khoảng 450 triệu USD mỗi tháng.
Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh giá năng lượng ngày càng tăng trên thị trường toàn cầu khiến cho Ai Cập đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức. Lục địa châu Âu, khu vực láng giềng của Ai Cập ở bờ Bắc Địa Trung Hải, đang đối mặt với tình trạng thiếu năng lượng do ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga - Ukraine. Sự thiếu hụt thậm chí còn trầm trọng hơn do nhu cầu năng lượng ngày càng cao khi các nền kinh tế châu Âu bước vào giai đoạn phục hồi sau đại dịch Covid-19.
Hiện nay, giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu đã tăng 127,6%. Tại Đức, giá năng lượng hiện cao hơn 35% so với cùng kỳ năm 2021. Châu Âu đang chạy đua với thời gian để tìm kiếm nguồn cung thay thế cho khí đốt tự nhiên của Nga. Hồi tháng 3/2022, EU đã công bố một chiến lược có tên là "REPowerEU", nhằm giảm 2/3 sự phụ thuộc của châu Âu vào khí đốt tự nhiên của Nga trong vòng một năm và không còn phụ thuộc vào các nhiên liệu hóa thạch của Nga vào năm 2030. Châu Âu cũng đã áp dụng các biện pháp thắt lưng buộc bụng để cắt giảm tiêu thụ năng lượng và giảm sự phụ thuộc vào khí đốt tự nhiên của Nga.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết, Nga có thể sẽ cắt toàn bộ nguồn khí đốt châu Âu, song, cuộc khủng hoảng năng lượng giữa châu Âu và Nga là cơ hội cho các nhà xuất khẩu khí đốt khác trên thế giới. Ủy viên phụ trách năng lượng của EU Kadri Simson đã công bố kế hoạch để thay thế khí đốt tự nhiên Nga bằng các nguồn cung từ các nhà xuất khẩu thay thế như Azerbaijan, Mỹ, Canada, Na Uy, Israel và Ai Cập. Trong nhiều năm qua, Ai Cập đã hướng tới mục tiêu trở thành một trung tâm năng lượng toàn cầu, có thể xuất khẩu năng lượng cho các nhà nhập khẩu trong khu vực.
Cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu có thể là cơ hội để Ai Cập tiến thêm một bước theo hướng này. Ai Cập hiện sản xuất khoảng 66 tỷ mét khối khí đốt tự nhiên mỗi năm. Trước khi Chính phủ Ai Cập đưa ra quyết định “thắt lưng buộc bụng” về năng lượng vào tháng 8/2022, nước này đã tiêu thụ 62 tỷ mét khối khí tự nhiên/năm. Và với việc tiết kiệm 15% lượng khí đốt, Ai cập có thể thu về ít nhất 4 tỷ USD mỗi năm từ việc xuất khẩu khí đốt.
Các nước Tây Âu hiện đang thiếu hụt năng lượng do nguồn cung khí đốt từ Nga bị cắt. Giá một triệu đơn vị nhiệt Anh (MBTU) đã tăng lên 30 USD, và sự gia tăng này cũng là một cơ hội cho Ai Cập. Xuất khẩu khí đốt tự nhiên, thay vì tiêu thụ trong nước, sẽ làm gia tăng nguồn thu của chính phủ. Tại Ai Cập, khí đốt tự nhiên được Bộ Dầu khí và Tài nguyên Khoáng sản bán cho Bộ Điện lực với mục đích tiêu dùng trong nước với giá chỉ 3 bảng Ai Cập/MBTU (tương đương 0,15 USD/MBTU). Nếu được xuất khẩu, khí đốt tự nhiên có thể được bán với giá 30 USD/MBTU tại thị trường châu Âu.
Trước khi các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” về năng lượng được áp dụng vào, 60% lượng khí đốt tự nhiên tiêu thụ ở Ai Cập được sử dụng để sản xuất điện. Nếu các biện pháp này được thực hiện triệt để và một phần khí đốt tự nhiên được chuyển sang xuất khẩu, Ai Cập có thể chuyển khoảng 174 triệu m3/ngày từ tiêu thụ nội địa sang xuất khẩu.
Con số này chiếm 1/3 năng lực xuất khẩu khí đốt của Ai Cập. Theo Chính phủ Ai cập, việc cắt giảm sử dụng khí đốt tự nhiên trong sản xuất điện trên sẽ không ảnh hưởng tới sản lượng điện của nước này. Ai Cập sẽ thay thế khí đốt tự nhiên bằng một loại nhiên liệu khác - dầu mazut trong sản xuất điện. Tuy nhiên, Ai Cập vẫn chưa hoàn toàn ngừng sử dụng khí đốt tự nhiên trong sản xuất điện, mà chỉ giảm tỷ trọng khí tự nhiên và nâng tỷ trọng dầu mazut.
Dầu mazut mang lại lợi thế với giá thành rẻ hơn khí đốt tự nhiên. Mỗi MBTU dầu mazut chỉ có giá 14 USD, trong khi khí đốt tự nhiên có thể được xuất khẩu với giá 30 USD/MBTU. Mặt khác, nhược điểm lớn của dầu mazut là gây nhiều tác hại đến môi trường hơn, vì nó thải ra lượng khí carbon nhiều gấp đôi so với khí đốt tự nhiên. Đây là một ví dụ kinh điển về sự đánh đổi giữa bảo vệ môi trường và hiệu quả kinh tế.
Những kế hoạch này được tờ tuần báo Al-Ahram Weekly đánh giá, Ai Cập đang tham vọng để trở thành nhà cung cấp năng lượng toàn cầu, điều này đồng nghĩa với việc quốc gia này sẽ phải đánh đổi việc ưu tiên phát triển kinh tế hơn là bảo vệ môi trường. Quyết định mới nhất của Ai Cập được đưa ra giữa lúc dự trữ ngoại hối nước này ngày càng giảm mạnh theo từng tháng, từ 33,38 tỷ USD ghi nhận tháng 6/2022 sụt xuống còn 33,1 tỷ USD vào tháng 7/2022.