10 khoản thu ngân sách nhà nước vượt dự toán
Thông tin vừa được Bộ Tài chính công bố cho biết, kết quả thu ngân sách Nhà nước (NSNN) 11 tháng năm 2022 đạt kết quả rất khả quan với số thu đạt 1.638,9 nghìn tỷ đồng, vượt 16,1% so với dự toán và cao hơn số ước thực hiện cả năm đã báo cáo Quốc hội tại kỳ họp tháng 10 vừa qua. Đến hết tháng 11/2022, có 10 khoản thu vượt dự toán.
Hình minh họa - Nguồn: Internet |
Cụ thể, thu nội địa 11 tháng năm 2022 ước đạt 1.300,7 nghìn tỷ đồng, bằng 110,5% dự toán, tăng 13,5% so cùng kỳ năm 2021. Thu từ dầu thô ước đạt 68,97 nghìn tỷ đồng, bằng 144,6% dự toán, tăng 77,6% so cùng kỳ năm 2021 do giá dầu thô những tháng đầu năm 2022 tăng cao. Thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu 11 tháng năm 2022 ước đạt gần 263,5 nghìn tỷ đồng, bằng 132,4% dự toán, tăng 25,1% so cùng kỳ năm 2021.
Đến hết tháng 11/2022, có 10 khoản thu vượt dự toán: các khoản thu về nhà, đất đạt 136,1% do việc đẩy nhanh tiến độ đầu tư công từ những tháng cuối năm 2021 đã thúc đẩy thị trường bất động sản sôi động kéo dài đến những tháng đầu năm 2022; thu từ hoạt động sổ xố kiến thiết đạt 110,7%; các khoản thu trực tiếp từ hoạt động sản xuất - kinh doanh ở 03 khu vực kinh tế (thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước đạt 104,3% dự toán, tăng 7,1%; thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 106,4% dự toán, tăng 10,2%; thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đạt 111,6% dự toán, tăng 9,2%).
Trong 11 tháng năm 2022, Thanh tra Bộ Tài chính và các đơn vị có chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc Bộ đã thực hiện 70.295 cuộc thanh tra, kiểm tra; tiến hành kiểm tra 780.957 hồ sơ khai thuế tại trụ sở cơ quan; kiến nghị xử lý tài chính 65.287.390 triệu đồng (trong đó, kiến nghị thu hồi 13.953.151 triệu đồng; kiến nghị xử lý tài chính khác 46.989.357 triệu đồng; xử phạt vi phạm hành chính 4.344.883 triệu đồng); số tiền đã thu 10.948.062 triệu đồng.
Trong 11 tháng đầu năm tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 220.959 tỷ đồng (tăng 15,67% so với cùng kỳ năm trước), tổng tài sản ước đạt 806.855 tỷ đồng (tăng 18,73% so với cùng kỳ năm trước), đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 669.671 tỷ đồng (tăng 19,07% so với cùng kỳ năm trước).
Về số thu trên địa bàn, ước tính có 60/63 địa phương thực hiện thu nội địa 11 tháng tiến độ đạt trên 95% dự toán; 50/63 địa phương thu cao hơn so với cùng kỳ, 13 địa phương thu thấp hơn so với cùng kỳ.
Bộ Tài chính cho biết, nhân tố đóng góp cho thu ngân sách vượt dự toán là nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong việc triển khai đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp kiểm soát dịch bệnh, các chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, kiểm soát lạm phát tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân. Nhờ đó, nền kinh tế có sự khởi sắc ấn tượng sau 2 năm ảnh hưởng bởi dịch bệnh, GDP 9 tháng tăng 8,83%, mức cao nhất trong 11 năm trở lại đây; ước cả năm tăng 8%.
Các hoạt động sản xuất - kinh doanh dần lấy lại đà tăng trưởng và trở lại trạng thái bình thường mới khi số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong 11 tháng đầu năm đạt khoảng 194,7 nghìn doanh nghiệp, tăng 33,2% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước, hoạt động du lịch, vận tải hành khách và hàng hóa phục hồi mạnh mẽ. Trong đó, một số ngành có đóng góp lớn cho NSNN duy trì mức tăng trưởng khá như: ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,9% so cùng kỳ; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 7,7%; ngành khai khoáng tăng 6,5%,...
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã tập trung rà soát, chủ động đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành và ban hành theo thẩm quyền các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất năm 2022 để thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn đến hết năm 2022 để kiềm chế lạm phát, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống người dân.
Kết quả triển khai các chính sách đến hết tháng 11/2022, tổng số tiền thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất đã được miễn, giảm, gia hạn khoảng 186,7 nghìn tỷ đồng (số tiền gia hạn khoảng 105,9 nghìn tỷ đồng; số tiền miễn, giảm khoảng 80,8 nghìn tỷ đồng). Mặc dù chịu tác động giảm thu do thực hiện chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, song việc thực hiện các chính sách này đã có tác động tích cực thúc đẩy duy trì và mở rộng sản xuất – kinh doanh, đồng thời tăng nhu cầu tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ, qua đó tăng thêm nguồn thu cho ngân sách.
Bộ Tài chính cũng nhận định, mặc dù thu ngân sách 11 tháng đã vượt dự toán, song đến nay một số ngành, lĩnh vực đã xuất hiện những khó khăn, thách thức do chi phí đầu vào, chi phí vận chuyển tăng cao liên tục khi giá xăng, dầu tăng cao, đầu ra tiêu thụ chậm, hàng tồn kho lớn như ngành sản xuất vật liệu xây dựng, trong đó đặc biệt là sắt thép thô (11 tháng 2022 giảm 16,6% so cùng kỳ). Một số ngành do đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên vật liệu đầu vào, nguồn nhiên liệu khan hiếm, thiếu hụt làm cho sản xuất trì trệ như: điện thoại di động giảm 6,1%; thức ăn cho thủy sản giảm 4,1%...
Mặc dù kim ngạch xuất khẩu những tháng đầu năm đạt được kết quả tích cực, tuy nhiên áp lực từ sức ép lạm phát trên thế giới tăng cao, xung đột địa chính trị leo thang, khủng hoảng năng lượng ngày càng trầm trọng kéo theo khủng hoảng các thị trường hàng hóa khác... Đây sẽ là những áp lực cho việc triển khai thực hiện nhiệm vụ thu NSNN trong tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023.