'Thuế số' - chế tài dành cho những gã khổng lồ Internet?

Mới đây, Facebook đã phải nộp hơn 100 triệu euro để “làm hòa” với cơ quan thuế Italia. Trong khi đó, Pháp, Áo, Đức và Bỉ cũng bắt đầu nghiên cứu luật thuế mới để áp dụng cho các công ty như Facebook và Google.

Cuối năm 2018, Facebook Ý cuối cùng đã phải chấp nhận chi ra số tiền lên tới 100 triệu euro để kết thúc một đợt tranh cãi về thuế kéo dài từ năm 2010 – 2016 giữa Tổng cục Thuế với mạng xã hội này, giới chức Ý cho hay.

Người phát ngôn của Facebook xác nhận họ “sẽ hành động để tuân thủ luật pháp sở tại cũng như tại tất cả các quốc gia mà Facebook hoạt động”, cũng như mạng xã hội này sẽ tiếp tục “hợp tác với tất cả giới chức Ý” vì sự tăng trưởng của “doanh nghiệp Ý nội địa nói riêng và hệ sinh thái số nói chung”.

Trước Facebook, Ý đã đạt được thỏa thuận tương tự với nhiều gã khổng lồ công nghệ nước Mỹ khác như Amazon, Apple hay Google. Với “thành quả này”, châu Âu tiếp tục trở thành chiến địa nóng bỏng của các nhà cung cấp dịch vụ Internet xuyên biên giới, khi mà nhiều đạo luật cũng như án phát liên tục được đưa ra nhằm vào hành vi lợi dụng kẽ hở pháp lý của các tập đoàn Internet đa quốc gia trong việc trốn thuế, chuyển giá.

Đơn cử như tháng 5 năm ngoái, Google phải chấp thuận trả tới 306 triệu euro để chấm dứt “cuộc chiến thuế” kéo dài từ 2009 – 2013 tại Ireland, một trong những quốc gia đánh thuế doanh nghiệp thấp nhất Liên minh châu Âu.

Trước đó nữa, Apple đã từng phải trả hơn 300 triệu euro cho doanh thu phát sinh tại Ý vào tháng 12/2015.

“Thuế số” - chế tài dành cho những gã khổng lồ Internet?

Ngoài Ý, Pháp cũng là quốc gia đang rất mạnh tay với các dịch vụ xuyên biên giới. Có hiệu lực từ 1/1/2019, Pháp chính thức áp dụng luật thuế mới có tên gọi GAFA nhắm vào những tập đoàn như Facebook, Google, Amazon. Theo đó, những công ty công nghệ của Mỹ sẽ phải đóng thêm 1 khoảng thuế 3% doanh thu từ quảng cáo, bên cạnh các loại thuế khác. Bộ trưởng Tài chính của Pháp cho biết, mức thuế số được kỳ vọng sẽ đạt 500 triệu Euro trong năm 2019.

“Các quốc gia trên thế giới hiểu rằng họ phải áp đặt thuế số (digital tax), đó là một đòi hỏi về sự công bằng”, Bruno Le Marie, Bộ trưởng Tài chính Pháp phát biểu.

Đồng tình với Pháp, Áo, Đức và Bỉ cũng bắt đầu nghiên cứu luật thuế mới để áp dụng cho các công ty như Facebook và Google. Trong khi đó, Anh đang muốn thu thêm 2% tổng doanh thu của những gã khổng lồ. Ở bên kia bán cầu, Hàn Quốc, Ấn độ, Úc và ít nhất 7 quốc gia Châu Á – Thái Bình Dương khác đang nghiên cứu luật thuế mới. Mexico, Chile và các nước Mỹ La Tinh cũng đang tính toán thuế mới nhắm vào những công ty Internet nước ngoài.

Thuế số tách biệt hẳn những loại thuế khác mà các công ty phải trả. Loại thuế này được áp đặt lên các dịch vụ số được các công ty toàn cầu như Facebook, Google kinh doanh tại quốc gia đó. Trong một số trường hợp, loại thuế số này nhắm đến các dịch vụ liên quan đến việc thu thập dữ liệu và người dùng bản địa ví dụ như quảng cáo trực tuyến.

Các công ty công nghệ lớn của Mỹ luôn bị chỉ trích vì chỉ trả 1 phần chi phí ít ỏi cho quốc gia mà họ kinh doanh, dù nguồn thu từ những thị trường này vô cùng lớn. Một nỗ lực quốc tế giữa các quốc gia để giúp chuẩn hóa cách thức và nơi đánh thuế các dịch vụ số này, dù vậy, vẫn đang diễn ra khá chậm.

Lượt xem: 1.105
Tác giả: Khôi Linh
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật