"Phát triển bền vững và lợi nhuận không phải là hai mặt của một đồng xu"

Nhiều doanh nghiệp đang đẩy mạnh chuyển đổi xanh, giảm phát thải kính và lấy đó làm chiến lược, lợi thế cạnh tranh. Tuy nhiên, phát triển bền vững và lợi nhuận không phải là hai mặt của một đồng xu, mà là hai vế của một phép tính có kết quả bằng nhau, nếu thiếu vế bên này sẽ không thể có vế bên kia.

toa-dam-net-zero-2050-boi-dap-niem-tin-kien-tao-chuyen-doi.jpg

Tọa đàm Net Zero 2050 Bồi Đắp Niềm Tin – Kiến Tạo Chuyển Đổi

Sự hiểu biết của cộng đồng doanh nghiệp về chuyển đổi xanh, kinh doanh bền vững, giảm phát thải khí nhà kính đã được nâng lên theo thời gian. Để ứng phó với biến đổi khí hậu nhiều doanh nghiệp đẩy mạnh chuyển đổi xanh và phát triển kinh tế carbon, hướng đến mục tiêu Net Zero làm chiến lược và lợi thế cạnh tranh.

Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Phát triển bền vững Việt Nam (VCSF) 2024 với chủ đề “Net Zero 2050: Bồi đắp Niềm tin – Kiến tạo Chuyển cổi”, do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững (VBCSD) vừa tổ chức đã nêu những nút thắt trong chuyển đổi xanh của doanh nghiệp.

Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI cho biết, VCCI và VBCSD kỳ vọng Diễn đàn Doanh nghiệp Phát triển bền vững Việt Nam là nơi để cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục chung tay khẳng định niềm tin và những nỗ lực của họ trong tiến trình hiện thực hóa mục tiêu đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050. “Chúng tôi cũng hiểu rất rõ và tin tưởng rằng, những nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp sẽ luôn nhận được sự định hướng, đồng hành, chung tay hỗ trợ của cả hệ thống chính trị”, ông Công nói.

Ông Binu Jacob, đồng Chủ tịch VBCSD, chia sẻ: “VCSF diễn ra trong một hoàn cảnh đặc biệt, khi bão Yagi vừa đi qua để lại những hậu quả nặng nề cho các tỉnh/thành phía Bắc và cả cộng đồng doanh nghiệp. Hơn bao giờ hết, tất cả chúng ta đều nhìn thấy tác động của biến đổi khí hậu rất rõ ràng, phát triển bền vững chính là chìa khóa góp phần hạn chế, giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu”.

Theo ông Binu Jacob, để ứng phó với biến đổi khí hậu, có nhiều doanh nghiệp đẩy mạnh chuyển đổi xanh, giảm phát thải kính và hướng đến mục tiêu Net Zero vào năm 2050, lấy đó làm mục tiêu chiến lược, lợi thế cạnh tranh của đơn vị. Tuy nhiên, trong quá trình chuyển đổi xanh cũng như cách thức “biến” phát triển bền vững thành động lực tạo giá trị vẫn còn nhiều nút thắt cần tháo gỡ.

Bởi, phát triển bền vững và lợi nhuận không phải là hai mặt của một đồng xu, mà là hai vế của một phép tính có kết quả bằng nhau, nếu thiếu một vế bên này sẽ không thể có vế bên kia.

Đối với doanh nghiệp, một trong các điểm nghẽn trong quá trình chuyển đổi là kết nối câu chuyện bền vững với những động lực cốt lõi của người tiêu dùng, từ đó giúp họ đưa ra quyết định lựa chọn thương hiệu nào đó.

“Do vậy, doanh nghiệp cần thay đổi cách tiếp cận và kết nối với người tiêu dùng dựa trên sự thấu hiểu về khách hàng qua các hành vi, nhu cầu, sở thích, để các sáng kiến bền vững thực sự trở thành động lực tạo giá trị”, đồng Chủ tịch VBCSD nhấn mạnh.

Liên quan đến động lực và vai trò của con người trong chuyển đổi xanh, ông Khuất Quang Hưng, Giám đốc Đối ngoại và Truyền thông, Công ty Nestlé Việt Nam cho rằng, các chiến lược phát triển nguồn nhân lực với kiến thức, và chuyên môn liên quan đến các vấn đề phát triển bền vững. Ông Hưng cũng giới thiệu về “Chương trình Đại sứ Xanh”- một sáng kiến của Nestlé Việt Nam, nhằm xây dựng một đội ngũ nhân viên nòng cốt trong các hoạt động nâng cao nhận thức, các chiến dịch truyền thông nội bộ nhằm nhân rộng lối sống xanh trong công ty.

Không chỉ xuất phát từ trách nhiệm người đứng đầu doanh nghiệp trong việc đưa ra các chiến lược, mục tiêu và lộ trình cụ thể, doanh nghiệp cần triển khai đồng bộ trong tất cả các phòng ban để cùng nhau đạt được các mục tiêu ESG đã đặt ra.

Điều quan trọng nhất là biến sự đầu tư vào các hoạt động bền vững trở thành động lực giúp đem lại giá trị không chỉ cho môi trường, cộng đồng mà còn đem lại lợi ích cho cả doanh nghiệp.

Được tổ chức thường niên từ năm 2014, VCSF là sự kiện thúc đẩy đối thoại về phát triển bền vững doanh nghiệp giữa cộng đồng doanh nghiệp và Chính phủ Việt Nam quan trọng nhất trong năm của VCCI nói chung và VBCSD nói riêng, nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững tại Việt Nam cũng như hiện thực hóa cam kết Net Zero của Việt Nam vào năm 2050.

 
Lượt xem: 1
Nguồn:thitruongtaichinhtiente.vn Sao chép liên kết