Ngành Ngân hàng Thái Bình: Tiếp sức cho ba trụ cột tăng trưởng kinh tế

Những lĩnh vực đang được các ngân hàng, TCTD trên địa bàn quan tâm đầu tư đều đã mang lại hiệu quả và trở thành trụ cột tăng trưởng kinh tế của tỉnh Thái Bình.

Mở rộng mạng lưới, tăng khả năng tiếp cận vốn

Nói đến Thái Bình, nhiều người vẫn ấn tượng với cái tên “quê lúa”. Nhưng ngày nay, bên cạnh việc duy trì danh hiệu “vựa lúa của miền Bắc” thì cơ cấu kinh tế của tỉnh này tiếp tục chuyển dịch tích cực với tỷ trọng trong tăng trưởng kinh tế của ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 25,82%, công nghiệp và xây dựng chiếm 38,24% và dịch vụ chiếm 35,94%.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, ông Nguyễn Hoàng Giang – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình trao tặng Cờ thi đua của Chính phủ cho NHNN Chi nhánh tỉnh

Ở góc độ vốn đầu tư thì cũng đã có một lượng lớn tín dụng cho các lĩnh vực này. Nhìn vào số liệu mà Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Thái Bình thống kê cho thấy, dư nợ cho vay của các TCTD trên địa bàn đến 31/12/2018 đạt 52.698 tỷ đồng, tăng 19,5% so với cuối năm 2017; phân theo ngành kinh tế thì cho vay lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 19,8%, lĩnh vực công nghiệp và xây dựng chiếm 33,7%, lĩnh vực thương mại – dịch vụ chiếm 46,5% tổng dư nợ cho vay. Nói cách khác, những lĩnh vực đang được các ngân hàng, TCTD trên địa bàn quan tâm đầu tư đều đã mang lại hiệu quả và trở thành trụ cột của tăng trưởng kinh tế tỉnh Thái Bình.

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2019 trên địa bàn mới đây, ông Nguyễn Hoàng Giang – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình đã ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp của hệ thống ngân hàng trên địa bàn đối với phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Những đóng góp này là thành quả của hệ thống ngân hàng, các TCTD trên địa bàn tỉnh Thái Bình đã triển khai nhiều giải pháp trong thời gian qua. Đó là NHNN Chi nhánh tỉnh đã triển khai đầy đủ, kịp thời các chủ trương, chính sách về tiền tệ và hoạt động ngân hàng, trong đó chú trọng tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu, các chính sách cho vay phát triển nông nghiệp nông thôn, cho vay phát triển thủy sản, các chỉ thị quán triệt nhiệm vụ hoạt động năm 2018, chấn chỉnh, tăng cường phòng chống, ngăn ngừa vi phạm pháp luật nhằm đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động trong hệ thống QTDND…

Thành quả trên cũng nhờ khả năng tiếp cận vốn của người dân được đẩy mạnh với mạng lưới hoạt động ngân hàng tiếp tục được củng cố, phát triển, đến cuối năm 2018, trên địa bàn đã thành lập mới 3 chi nhánh NHTMCP, chia tách Agribank thành 2 Chi nhánh cấp I, nâng tổng số ngân hàng đang hoạt động lên 23 ngân hàng và 85 QTDND; Các TCTD đã thành lập 8 chi nhánh cấp huyện và khu vực, 90 phòng giao dịch, 48 QTDND mở rộng địa bàn sang 72 xã liền kề và 285 điểm giao dịch của Ngân hàng Chính sách xã hội tại các xã, phường, thị trấn.

Trong năm 2018, cùng nỗ lực với toàn ngành Ngân hàng, mặt bằng lãi suất huy động trên địa bàn tỉnh Thái Bình được duy trì khá ổn định; không để tình trạng khan hiếm thanh khoản hay cạnh tranh trong huy động vốn. Đầu tư tín dụng được mở rộng đi đôi với tăng cường quản lý chất lượng tín dụng. Tổng dư nợ cho vay toàn địa bàn đạt 52,7 ngàn tỷ đồng, tăng 19,5% so năm 2017. Chất lượng tín dụng được kiểm soát tốt, tỷ lệ nợ xấu ở mức thấp 0,88% tổng dư nợ.

Đặc biệt, bám sát các chỉ đạo của Chính phủ, NHNN Việt Nam và Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, hệ thống ngân hàng luôn ưu tiên vốn cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn, DNNVV, các dự án sản xuất kinh doanh hiệu quả, cho vay xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, DN ứng dụng công nghệ cao, cho vay kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, cho vay nước sạch nông thôn, cho vay xóa đói giảm nghèo đảm bảo an sinh xã hội... Các chương trình này đều đã phát huy hiệu quả tích cực, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhân dân.

Các ngân hàng trên địa bàn tỉnh Thái Bình ký giao ước thi đua năm 2019

Khẳng định vai trò là đầu mối gắn kết các TCTD trên địa bàn

Dù những kết quả của năm 2018 đối với hoạt động ngân hàng trên địa bàn tỉnh là rất tích cực nhưng theo bà Phan Thị Tuyết Trinh - Giám đốc NHNN chi nhánh Thái Bình, trong năm 2019 toàn hệ thống ngân hàng trên địa bàn phải nỗ lực hơn nữa với hàng loạt giải pháp được đặt ra. Trong đó, giải pháp hàng đầu thể hiện vai trò chỉ đạo của NHNN là phải chủ động nghiên cứu, hướng dẫn các TCTD trên địa bàn thực hiện đầy đủ, kịp thời các giải pháp về tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng của NHNN Việt Nam, góp phần hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Cùng với đó, muốn hiệu quả thì phải chủ động nắm bắt tình hình kinh tế - xã hội và hoạt động ngân hàng trên địa bàn để báo cáo, đề xuất với cấp ủy, chính quyền địa phương và Thống đốc NHNN về biện pháp quản lý hoạt động của TCTD, về những vấn đề phát sinh trong thực tiễn, những bất cập của cơ chế, chính sách cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tế; tăng cường sự phối hợp trao đổi thông tin với các đơn vị tại trụ sở chính NHNN Việt Nam;

Tiếp tục chỉ đạo các TCTD trên địa bàn cho vay nền kinh tế đi đôi với an toàn hiệu quả, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, chương trình, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp và người dân.

Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán... Đặc biệt, muốn thành công thì không phải chỉ một mình ngành Ngân hàng làm được mà phải tăng cường sự phối hợp với các sở, ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tuyên truyền, giải thích cho người dân về tác hại của tín dụng đen, đồng thời đề xuất với cấp ủy, chính quyền các giải pháp ngăn chặn, hạn chế hoạt động tín dụng đen, cho vay nặng lãi góp phần bảo đảm an ninh, an toàn xã hội trên địa bàn.

Nhìn xa hơn, hệ thống Ngân hàng Thái Bình sẽ đẩy mạnh triển khai chỉ đạo của NHNN Việt Nam đến các TCTD trên địa bàn trong việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trong Chương trình hành động thực hiện Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Theo bà Phan Thị Tuyết Trinh, NHNN chi nhánh Thái Bình luôn khẳng định vai trò là đầu mối gắn kết chặt chẽ với các TCTD trên địa bàn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của ngành Ngân hàng ở địa phương. Chủ trì tổ chức làm việc với TCTD để kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc về hoạt động tiền tệ ngân hàng. Chú trọng công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo quy định.

Giao nhiệm vụ cho hệ thống Ngân hàng trên địa bàn tỉnh, trong phát biểu mới đây, ông Nguyễn Hoàng Giang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình yêu cầu, NHNN Chi nhánh tỉnh, năm 2019 cần tiếp tục bám sát chỉ đạo của NHNN Việt Nam, của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, chủ động nắm bắt và tham mưu cho UBND tỉnh các biện pháp quản lý, thúc đẩy hoạt động ngân hàng trên địa bàn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương; Phấn đấu hoàn thành tốt các mục tiêu hoạt động của ngành Ngân hàng Thái Bình năm 2019 theo kế hoạch đề ra.

Đồng thời, cần tăng cường phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, các sở, ngành của tỉnh trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành Ngân hàng, cũng như phối hợp thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, chú trọng tuyên truyền, giải thích cho người dân về tác hại của tín dụng đen, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương các giải pháp ngăn chặn, hạn chế hoạt động tín dụng đen, cho vay nặng lãi góp phần bảo đảm an ninh, an toàn xã hội tại địa phương; xử lý kịp thời các vướng mắc của TCTD trên địa bàn trong quá trình xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm, thi hành án dân sự.

Với các TCTD, theo ông Nguyễn Hoàng Giang, cần đẩy mạnh huy động vốn từ nội bộ nền kinh tế thông qua việc phát triển các sản phẩm, dịch vụ, đa dạng hóa các loại hình huy động, nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ khách hàng... Tập trung vốn cho vay phục vụ sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên, các chương trình kinh tế phù hợp với định hướng của Ngành, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Bên cạnh đó, phải chú trọng việc đẩy mạnh cải cách hành chính, tiếp tục cải tiến, đổi mới, hiện đại hóa quy trình cung cấp sản phẩm, dịch vụ theo hướng đơn giản hóa thủ tục, tạo thuận lợi cho các thành phần kinh tế khi tiếp cận vay vốn ngân hàng.

Lượt xem: 994
Tác giả: Đức Nghiêm
Tin liên quan