Ngành Ngân hàng Hòa Bình: Hòa chung nhịp đập với kinh tế địa phương

Các ngân hàng, TCTD trên địa bàn đã chủ động tìm kiếm khách hàng, đầu tư tín dụng  đáp ứng nhu cầu vốn phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Tích cực tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp

Tuyến đường cao tốc Láng-Hòa Lạc-Hòa Bình đi vào khai thác là điểm nhấn về cơ sở hạ tầng của Hòa Bình - cầu nối giữa Thủ đô Hà Nội với khu vực Tây Bắc. Trong phát biểu tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Hòa Bình, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc còn cho rằng, tuyến cao tốc này được ví như “hành lang kinh tế Đông – Tây” nối Hà Nội-Hòa Bình, sẽ tạo ra động lực tăng trưởng mới, sức bật mới.

Một góc thành phố Hòa Bình

Năm 2018, Hòa Bình đã có những đột phá ngoạn mục với tốc độ tăng trưởng kinh tế địa phương (GRDP) đạt 8,69% - đứng thứ 2 khu vực Tây Bắc, thứ 4 khu vực Trung du miền núi phía Bắc, thứ 19 của cả nước.

Nhìn rộng hơn, trong điều kiện còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng năm 2018, kinh tế - xã hội của Hòa Bình tiếp tục khởi sắc, có 22/24 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra, môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện, phát triển doanh nghiệp, thu hút đầu tư và xuất khẩu đều đạt kết quả khá, tỷ lệ lạm phát ở mức thấp, văn hóa - xã hội có bước phát triển; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, quốc phòng được đảm bảo. Kết quả trên cũng cho thấy sự nỗ lực và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và người dân.

Trong thành công chung đó, không thể không nhắc tới sự hỗ trợ tích cực từ hệ thống ngân hàng trên địa bàn - địa chỉ cung ứng vốn chủ yếu cho doanh nghiệp và người dân.

Theo số liệu từ NHNN chi nhánh Hòa Bình, tổng nguồn vốn hoạt động của các TCTD đến 31/12/2018 đạt trên 23.300 tỷ đồng. Trong những năm gần đây, vốn huy động của các ngân hàng, TCTD tăng trưởng khá ổn định, tỷ trọng vốn huy động tiền gửi tiết kiệm từ dân cư chiếm 85,3% so với vốn huy động từ các tổ chức kinh tế và dân cư trên địa bàn. Nguồn vốn đã đáp ứng 71% tỷ trọng vốn đầu tư cho vay, trong đó vốn huy động trên 12 tháng chiếm 39% nguồn vốn huy động. 

Các ngân hàng, TCTD trên địa bàn đã chủ động tìm kiếm khách hàng, đầu tư tín dụng đáp ứng nhu cầu vốn phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, đặc biệt là cho vay phục vụ nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, cho vay các đối tượng chính sách xã hội; quan tâm thực hiện tốt các giải pháp chính sách tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, việc tiếp cận và vay vốn của các doanh nghiệp và cá nhân tại các TCTD thuận lợi, không có ách tắc. Đến cuối năm 2018, tổng dư nợ toàn địa bàn đạt trên 21.000 tỷ đồng, tăng 12,46% so với năm 2017.

Cùng với đó, công tác thanh toán, điều hòa lưu thông tiền mặt, an toàn kho quỹ; thanh tra, kiểm tra giám sát các ngân hàng, TCTD; công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo và công tác Quốc hội, truyền thông cũng được ngành Ngân hàng Hòa Bình đẩy mạnh.

Nhìn lại một năm qua, ông Bùi Văn Xưởng – Giám đốc NHNN chi nhánh Hòa Bình cho biết, NHNN tỉnh đã phát huy vai trò lãnh đạo, quản lý nhà nước về tiền tệ và hoạt động ngân hàng trên địa bàn; tham mưu với cấp uỷ, chính quyền địa phương trong việc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội có liên quan đến hoạt động ngân hàng; triển khai kịp thời đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo của Ngành tới các TCTD trên địa bàn.

Từ sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời, các TCTD bám sát chủ trương của Chính phủ, định hướng chỉ đạo của NHNN Việt Nam, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thực hiện các giải pháp tiền tệ và hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả, tuân thủ đúng quy định của pháp luật về tiền tệ và hoạt động ngân hàng. Các ngân hàng, TCTD đáp ứng đầy đủ, kịp thời, an toàn nhu cầu tiền mặt, nhu cầu thanh toán của doanh nghiệp và người dân trong các dịp lễ, tết, tài sản kho quỹ an toàn tuyệt đối.

Cùng đồng hành để phát huy tiềm năng lợi thế

Trên cơ sở những chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư, cũng như bám sát Nghị quyết 01 và 02, năm 2019 của Chính phủ, Hòa Bình đã đề ra 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu là: Triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách Trung ương về chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội, góp phần cùng cả nước ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững;

Tiếp tục thực hiện Đề án tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, khai thác tốt tiềm năng lợi thế của tỉnh; Đảm bảo an sinh và phúc lợi xã hội, đẩy mạnh giảm nghèo, tăng cường công tác dân tộc, tôn giáo; phát triển văn hóa, thể dục thể thao; Đổi mới giáo dục đào tạo, tăng cường hiệu quả đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, ứng dụng khoa học công nghệ; Tăng cường hợp tác kinh tế, xã hội…

Cụ thể, Hòa Bình đặt ra mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2019, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 9,5%, tỷ lệ đô thị hóa đạt 23,01%; giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 3% trở lên; thực hiện cung cấp ít nhất 30% dịch vụ công trực tuyến thuộc thẩm quyền ở cấp độ 4.

Để chung sức, chung lòng hoàn thành những chỉ tiêu trên và bám sát các chỉ đạo của Chính phủ, NHNN Việt Nam năm 2019, NHNN tỉnh Hòa Bình sẽ triển khai kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của Ngành đến các ngân hàng, TCTD trên địa bàn với những nhiệm vụ cụ thể:

Thứ nhất, thực hiện tốt chức năng quản lý Nhà nước về tiền tệ và hoạt động ngân hàng trên địa bàn. Chỉ đạo các ngân hàng, TCTD trên địa bàn thực hiện tốt các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quan hệ tín dụng với khách hàng.

Thứ hai, đẩy mạnh thanh tra, giám sát các ngân hàng, TCTD trên địa bàn theo chỉ đạo của NHNN Việt Nam theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thanh tra, giám sát, gắn với nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tội phạm trong ngành Ngân hàng; xử lý nghiêm túc các sai phạm của các đơn vị theo đúng quy định của pháp luật; giám sát thực hiện chấn chỉnh và khắc phục sau thanh tra của các ngân hàng, TCTD.

Đặc biệt, để hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế địa phương, NHNN đã chỉ đạo các TCTD trên địa bàn thực hiện các giải pháp mở rộng tín dụng và các chương trình tín dụng ưu đãi theo chủ trương của Chính phủ để hỗ trợ phát triển kinh tế tại địa phương, tạo điều kiện thuận lợi của doanh nghiệp và người dân trong việc tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong việc tiếp cận vốn của các HTX theo đúng quy định.

“Tuy nhiên, mở rộng cho vay nhưng vẫn phải tuân thủ đúng các quy định của pháp luật; Đồng thời kiểm soát chặt chẽ mục đích sử dụng vốn vay”, ông Bùi Văn Xưởng khẳng định.

Năm 2019, ngành Ngân hàng tỉnh cần bám sát nhiệm vụ trọng tâm để chỉ đạo, điều hành hoạt động tín dụng theo đúng định hướng. Đáp ứng tốt nguồn vốn cho các dự án, nhất là tín dụng phục vụ nông nghiệp nông thôn, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.

Tăng cường công tác thanh tra, giám sát, kiểm soát nội bộ, hạn chế ngăn ngừa nợ xấu phát sinh, tích cực đôn đốc thu hồi nợ quá hạn; nâng cao chất lượng, hiệu quả tín dụng.

Triển khai đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại, đảm bảo an toàn an ninh mạng; tiếp tục thực hiện việc thanh toán không dùng tiền mặt, an toàn kho quỹ. Ông Bùi Văn Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình

Lượt xem: 1.174
Tác giả: Chí Kiên
Tin liên quan