Ngân hàng xoay trục

Chính yếu tố công nghệ với sự tham gia của các đơn vị không phải là ngân hàng khiến việc “xoay trục” của các ngân hàng trở thành tất yếu.

Năm 2007 tôi đọc được thông tin khá thú vị: Một ngân hàng ở nước ngoài cho khách hàng vay 1.000 - 5.000 USD để "thực hiện toàn bộ các phẫu thuật thẩm mỹ nhằm có một cuộc đời như bạn hằng mong muốn”. Đặc biệt sản phẩm lại được triển khai mạnh ở cộng đồng Hồi giáo và Cơ đốc giáo. Xin không bàn luận về tôn giáo, nhưng ngân hàng này “nghĩ” gì khi đưa ra sản phẩm cho vay phẫu thuật thẩm mỹ cho những cô gái thường xuất hiện với khăn chùm đầu chỉ hở hai con mắt? Và đầu tư vào sắc đẹp - đầu tư cho tương lai, hẳn rồi. Nhưng khoản đầu tư này có thể hạch toán “lãi - lỗ” không, bằng cách nào?

Bẵng đi hơn 10 năm cho đến vừa rồi, trên thị trường xuất hiện sản phẩm tín dụng gọi là “Beauty Up” của VPBank. Sản phẩm hướng tới nhóm khách hàng cá nhân với hạn mức cho vay tín chấp lên tới 500 triệu đồng. Giờ thì không có gì ngạc nhiên về các sản phẩm tín dụng đầu tư cho sắc đẹp, nhưng cũng phải thừa nhận VPBank đã rất nhạy bén và mạnh dạn nắm lấy cơ hội. Bởi nhu cầu làm đẹp giờ không chỉ từ chị em mà cả anh em. Và việc VPBank lựa chọn ký hợp tác với hàng loạt đối tác gồm các bệnh viện, trung tâm thẩm mỹ lớn phần nào sẽ giúp khách hàng giảm thiểu rủi ro khi làm đẹp.

Ảnh minh họa

Trước khi tung ra sản phẩm này hẳn là VPBank đã có tính toán chi tiết về nhu cầu thị trường, các phương án cho vay, thu nợ của khách hàng đặc thù này… Điều đáng nói ở đây là qua Beauty Up có thể thấy các NHTM Việt Nam đã thực sự bước vào cuộc đua ngày càng khốc liệt - ngân hàng bán lẻ.

Nếu như 10 năm về trước các NHTM Việt Nam mới đặt vấn đề phải phát triển mảng bán lẻ, cơ cấu lại nguồn thu theo hướng tăng thu từ mảng phi tín dụng… thì giờ có thể nói họ đã thực sự xoay trục, và đã có ngân hàng xoay trục thành công.

Nổi bật là Vietcombank khi dịch chuyển cơ cấu nguồn thu mạnh với kết quả kinh doanh 2018 có tỷ trọng thu phi tín dụng đạt trên 40%. Thực tế trong năm 2018 Vietcombank có khoản thu không nhỏ từ việc thoái vốn đầu tư tại các TCTD khác, nhưng tỷ lệ 40% là con số đánh dấu sự thành công của ngân hàng trong cơ cấu lại nguồn thu.

Nhìn toàn thị trường, bằng chứng “bề nổi” về hướng phát triển ngân hàng bán lẻ là Việt Nam hiện có gần 10 ngân hàng được xếp vào nhóm 100 ngân hàng bán lẻ  mạnh nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Trung Đông và châu Phi năm 2017, theo đánh giá của Tạp chí ngân hàng uy tín châu Á - The Asian Banker. Có những ngân hàng liên tục nhận giải thưởng Ngân hàng bán lẻ tốt nhất như Techcombank, VPBank, TPBank, ACB, SacomBank… Cá biệt  BIDV được The Asian Banker bình chọn và trao tặng “Ngân hàng bán lẻ tốt nhất Việt Nam” 4 năm liên tiếp (2015 - 2018).

Lãnh đạo BIDV cho biết, định hướng hoạt động của Hội đồng quản trị ngân hàng là chú trọng cơ cấu nguồn thu của BIDV, gia tăng thu dịch vụ, tăng tỷ trọng thu phí lãi/tổng thu nhập thông qua thay đổi mạnh mẽ tư duy hoạt động, hướng tới khách hàng. Đa dạng hóa danh mục sản phẩm dịch vụ, phát triển các sản phẩm ngân hàng - bảo hiểm trọn gói, khép kín có hàm lượng công nghệ cao…

Những năm gần đây mảng ngân hàng bán lẻ còn được hỗ trợ (đồng thời cũng thêm áp lực cạnh tranh) bởi công nghệ. Cũng chính yếu tố công nghệ với sự tham gia của các đơn vị không phải là ngân hàng khiến việc “xoay trục” của các ngân hàng trở thành tất yếu. Phát triển ngân hàng số với yêu cầu phong phú về dịch vụ, tiện ích, an toàn, lấy khách hàng làm trung tâm…đã có trong chiến lược phát triển của nhiều NHTM. Song phải thừa nhận một thực tế, tỷ lệ tín dụng trung và dài hạn hiện chiếm trên 50%/tổng dư nợ của ngân hàng.

Theo các chuyên gia, tỷ lệ này chỉ nên ở mức 40%. Để đạt được tỷ lệ vàng này trong hoạt động tín dụng đòi hỏi các NHTM phải có sự chuyển dịch mạnh hơn. Bên cạnh đó, việc tăng thu từ dịch vụ tuy đã được các NHTM đẩy mạnh nhưng chưa cải thiện nhiều. Hiện đã có ngân hàng thu từ dịch vụ chiếm 20%/tổng doanh thu, nhưng chỉ là số ít, đa số còn lại chỉ đạt dưới 10%.

Đây là thời điểm các TCTD tổng kết 2018 và đưa ra chiến lược kinh doanh 2019. Với tiềm lực tài chính tốt hơn, cơ cấu nguồn thu chuyển dịch theo hướng bền vững hơn, sẽ giúp nhiều ngân hàng xoay trục thành công trong 2019.

Lượt xem: 1.115
Tác giả: Hà An
Nguồn:thoibaonganhang.vn Sao chép liên kết
Tin liên quan