Cần một cơ chế chia sẻ phí dịch vụ thẻ phù hợp
Đó là một trong những vấn đề quan trọng đặt ra tại cuộc họp Hội đồng thanh toán và công nghệ lần thứ 6 diễn ra vào cuối tuần qua do Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh chủ trì.
Cách nào để chia sẻ phí?
Những bước phát triển đáng kể về cơ sở hạ tầng thanh toán thẻ đã mang lại nhiều tiện ích hơn cho khách hàng, góp phần thúc đẩy thanh toán thẻ nói riêng, thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam nói chung. Đơn cử như việc hệ thống ATM, POS được kết nối liên thông, khách hàng có thẻ do một ngân hàng phát hành (NHPH) đã có thể sử dụng để rút tiền, thanh toán tại hầu hết ATM/POS của các ngân hàng thanh toán (NHTT) khác.
Hệ thống ATM của các ngân hàng đã được kết nối liên thông |
Tuy nhiên, theo đại diện Vụ Thanh toán, dù đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận như có sự kết nối của hơn 40 ngân hàng thành viên thông qua hệ thống chuyển mạch thẻ của Napas…, nhưng thẻ ghi nợ nội địa hiện vẫn chưa thực sự phát triển tương xứng với tiềm năng của thị trường. Một trong những nguyên nhân được các đại biểu đề cập tới tại cuộc họp này là do chưa có cơ chế chung, thống nhất về việc chia sẻ phí dịch vụ thanh toán thẻ giữa các tổ chức liên quan như NHPH, NHTT, tổ chức chuyển mạch thẻ...
Quả vậy, theo quy định của Thông tư 35/2012/TT-NHNN, phí giao dịch ATM mà khách hàng trả được phân chia cho các đơn vị liên quan là NHPH, NHTT, tổ chức chuyển mạch thẻ... Theo đánh giá các NHTT, phí trao đổi mà họ nhận hiện còn khá thấp, chỉ bù đắp được một phần chi phí giao dịch rút tiền mặt mà ngân hàng có máy ATM phải bỏ ra. Đặc biệt là những ngân hàng mạng lưới ATM rộng lớn để phục vụ các chủ thẻ vãng lai từ ngân hàng khác. Mặc dù đã có sự điều chỉnh giảm phí chuyển mạch nội địa, tỷ lệ phân bổ mức thu được từ giao dịch rút tiền ATM ngoại mạng giữa các bên liên quan, nhưng một số ngân hàng cho rằng vẫn chưa cân đối được thu - chi.
Khắc phục bất cập trên, các đại biểu tham gia đề xuất cần phải có cơ chế chia sẻ chi phí cho phù hợp. Đại diện Vụ Thanh toán đề xuất, NHNN cần đồng thời thúc đẩy các bên liên quan trong chuỗi cung ứng dịch vụ ATM cùng thống nhất tăng mức phí chia sẻ, trao đổi cho NHTT song vẫn giữ nguyên mức phí tối đa giao dịch rút tiền ATM ngoại mạng đang áp dụng hiện hành để không ảnh hưởng tới khách hàng.
Một bất cập nữa trong phát triển thẻ nội địa ở Việt Nam hiện nay được các đại biểu đưa ra đó là chưa có quy định về biểu phí trao đổi liên ngân hàng đối với các giao dịch thanh toán thẻ nội địa. Do cạnh tranh khốc liệt giữa các NHTT đã đẩy mức phí chiết khấu bán hàng đối với giao dịch thanh toán nội địa xuống mức thấp, dưới 0,5% khiến thu không đủ bù chi đối với NHTT trong việc cung ứng dịch vụ. Để có thể xây dựng quy định cơ chế chia sẻ phí thẻ nội địa cũng như tác động vào mức phí, tỷ lệ phân bổ giữa các bên liên quan trong chuỗi hoạt động thanh toán thẻ… đại diện Vụ Thanh toán cho rằng cần sửa đổi, bổ sung quy định pháp lý về điều tiết chia sẻ phí dịch vụ thanh toán giữa các bên liên quan.
Nghiên cứu lộ trình triển khai phù hợp
Tại cuộc họp cuối năm của Hội đồng thanh toán, nội dung Nghiên cứu và triển khai Giao diện lập trình mở (Open API) trong ngành Ngân hàng được đưa ra và nhấn mạnh đây là vấn đề trọng tâm cần lưu ý trong thời gian tới.
Theo đại diện Cục Công nghệ thông tin, Open API có rất nhiều lợi ích. Cụ thể, khách hàng có quyền truy cập dữ liệu ngân hàng của riêng mình, quản lý tài chính cá nhân tổng hợp từ nhiều tài khoản ở nhiều ngân hàng bất kỳ lúc nào mà chỉ thông qua một ứng dụng… Đối với ngân hàng, có thể giúp triển khai các kênh phân phối mới, tương tác với khách hàng dễ dàng, đơn giản. Ngoài ra Open API cũng tạo ra một sân chơi bình đẳng giữa các ngân hàng…
Thực tế hiện nay, nhiều công ty Fintech có nhu cầu truy cập đến các dữ liệu của ngân hàng để cung cấp các dịch vụ mới cho người sử dụng. Tuy nhiên, các Công ty Fintech đang tự chủ động kết nối theo các quy tắc kỹ thuật khác nhau, không thống nhất đến ngân hàng để cung cấp các sản phẩm dịch vụ tài chính. Chính điều này tạo ra rào cản cho sự phát triển của các tổ chức cung cấp dịch vụ tài chính không phải là ngân hàng. Việc thiết kế và kiến trúc dữ liệu khác nhau khiến việc kết nối khó khăn, tốn thời gian, công sức để tích hợp, chỉnh sửa phần mềm; một số ngân hàng không mở giao diện lập trình ứng dụng cho bên thứ ba kết nối…
Chính bởi vậy, để giải quyết các vướng mắc trên, về phía Cục Công nghệ thông tin cũng như đại diện các ngân hàng đề nghị cần có một chuẩn kết nối chung để chia sẻ dữ liệu thuận tiện và an toàn. Tuy nhiên, phải đưa ra lộ trình triển khai từng giai đoạn phù hợp để các ngân hàng có thời gian, nguồn lực để triển khai.
Ghi nhận những góp ý, đề xuất của các ngân hàng, tuy nhiên Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh lưu ý việc nghiên cứu, ban hành các quy định về cơ chế chia sẻ phí cho các giao dịch thanh toán thẻ nội địa cần được rà soát, đảm bảo phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành.
Theo đó, Vụ Thanh toán cần nghiên cứu, đề xuất việc sửa đổi, bổ sung quy định về cơ chế chia sẻ phí cho các giao dịch thanh toán thẻ nội địa vào Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 35/2012/TT-NHNN ngày 28/12/2012 quy định về phí dịch vụ thẻ ghi nợ nội địa.
Lãnh đạo NHNN cũng giao Hội Thẻ ngân hàng làm đầu mối phối hợp với Napas nghiên cứu, đề xuất việc tăng phí trao đổi cho các giao dịch rút tiền ATM ngoại mạng để giảm bớt áp lực mất cân đối thu-chi trong vận hành ATM đối với một số NH có lượng máy lớn, mạng lưới trải rộng, tạo điều kiện nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng và thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh.
Đánh giá sự cần thiết xây dựng một bộ tiêu chuẩn dữ liệu mở (Open API) đảm bảo chia sẻ dữ liệu thuận tiện và an toàn, Phó Thống đốc giao Cục Công nghệ thông tin làm đầu mối phối hợp với đối tác và một số TCTD, công ty công nghệ tài chính triển khai thử nghiệm Open API (POC)...