Ngân hàng 'trúng đậm' từ dịch vụ bảo hiểm

Nhiều ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính năm 2021, trong đó mảng kinh doanh bảo hiểm tiếp tục là “trụ cột” mang lại lợi nhuận lớn cho các nhà băng trong bối cảnh dịch bệnh.

Có thể thấy hoạt động ngân hàng liên kết kinh doanh đại lý bảo hiểm (bancassurance) là mảng mới nở rộ trong vài năm gần đây nhưng đã mang lại hiệu quả rất lớn cho các ngân hàng, đặc biệt với những tổ chức tín dụng (TCTD) đã bắt tay ký kết hợp tác độc quyền với hãng bảo hiểm và nhận phí upfront (phí trả trước) cộng hoa hồng bảo hiểm – mang đến giá trị hợp đồng khủng hàng trăm triệu USD.

Đua bán chéo bảo hiểm mùa dịch

Theo Cục Quản lý, Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), năm 2021, mặc dù có khó khăn do COVID-19, tổng doanh thu phí bảo hiểm vẫn ước đạt 214.958 tỷ đồng, tăng 15,59% so với cùng kỳ năm 2020. Chi trả quyền lợi bảo hiểm ước đạt 49.561 tỷ đồng, tăng 1,68% so với cùng kỳ năm 2020.

bao-hiem-6173-1643246566.jpg

Dự báo thu nhập từ bán chéo bảo hiểm trong năm nay sẽ mang lại lợi nhuận bứt phá cho nhiều ngân hàng.

Có thể thấy là hoạt động bancassurance không ngừng phát triển và mang lại những lợi ích nhất định cho các doanh nghiệp bảo hiểm, ngân hàng thương mại và khách hàng mua bảo hiểm, khiến bancassurance đang là một trong những kênh phát triển nhanh nhất và là kênh phân phối đứng thứ hai ở Việt Nam.

Cho đến nay, hai nhà băng vừa ghi nhận kết quả lợi nhuận năm 2021 đạt 1 tỷ USD là Techcombank và Vietcombank cũng là những ngân hàng có doanh thu từ phí dịch vụ bảo bảo hiểm tăng gần 90%, đóng góp lớn cho “bức tranh”lợi nhuận.

Cụ thể, phí dịch vụ bảo hiểm của Techcombank tăng 88% lên 1.600 tỷ đồng, nhờ đẩy mạnh việc bán chéo bảo hiểm với Manulife Việt Nam. Con số này ở Vietcombank đạt 2.353 tỷ đồng, đóng góp 20% tổng doanh thu ngoài lãi.

Tính trên thị trường hợp đồng độc quyền của Vietcombank với hãng bảo hiểm nhân thọ FWD vẫn đang là giao dịch bảo hiểm nhân thọ lớn nhất từ trước đến nay, với giá trị ước khoảng trên 450 triệu USD.

Không chỉ có ngân hàng tỷ USD, nhiều nhà băng như TPBank, MSB, VPBank, VietBank, HDBank... cũng ghi nhận doanh thu từ phí dịch vụ bảo hiểm tăng mạnh trong năm qua. Điển hình, lãi từ dịch vụ của TPBank tăng 65%, đạt hơn 1.542 tỷ đồng chủ yếu nhờ phí từ hoạt động thanh toán và dịch vụ bảo hiểm. Còn với HDBank, mảng bancassurance đã đưa ngân hàng này vươn lên vị trí thứ 6-7 về thị phần phí bảo hiểm, VPBank có thể thu 8.000 tỷ đồng phí trả trước từ bancassurance …

Tại Chỉ thị 01/2022/CT-NHNN về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng trong năm 2022, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng yêu cầu: Các TCTD có hoạt động đại lý bảo hiểm phải chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm; tăng cường kiểm tra, kiểm soát nội bộ đối với hoạt động đại lý bảo hiểm trên toàn hệ thống và xử lý nghiêm những trường hợp yêu cầu khách hàng phải mua các loại bảo hiểm khi cấp tín dụng cho khách hàng.

Lợi nhuận thu về từ mảng bancassurance là động lực để các nhà băng đẩy mạnh mảng hợp tác với các công ty bảo hiểm nhân thọ. Điều này càng được chứng minh trong năm qua khi hàng loạt thương vụ được “chốt sổ” trong năm qua như: Manulife trở thành nhà phân phối độc quyền bảo hiểm nhân thọ cho khách hàng của VietinBank trong 16 năm. Tương tự là hợp đồng 15 năm của ACB ký với SunLife cũng vào cuối tháng 12/2021, khai thác chính thức bắt đầu từ 1/1/2022 và ước mang về cho ACB khoảng 370 triệu USD (hơn 8.500 tỷ đồng)…

Tăng trưởng mạnh trong năm nay

Giới chuyên môn cũng cho rằng, dịch bệnh đã làm tăng số người tham gia bảo hiểm và gia tăng tiếp cận qua kênh phân phối lồng ghép vào các sản phẩm dịch vụ tài chính số do niềm tin vào ngân hàng. Điều này sẽ thúc đẩy các hợp tác độc quyền, toàn diện giữa các ngân hàng và các công ty bảo hiểm để khai thác hệ sinh thái khách hàng khép kín.

Đại diện VietinBank cho hay, ngân hàng đang tiến hành các thủ tục hoàn tất hợp đồng bancassurance với Manulife, dự kiến ghi nhận thu nhập trong quý I/2022. BVSC nhận định, nhiều khả năng thương vụ Manulife mua lại Aviva sẽ được phê duyệt trong năm 2022 và VietinBank ghi nhận khoảng 1.400 tỷ đồng từ phí trả trước vào lợi nhuận.

Theo đánh giá của FiinGroup, hàng loạt các ngân hàng sẽ tái đàm phán các thương vụ phân phối bảo hiểm độc quyền trong các tháng tới, từ đó sẽ xuất hiện nhiều hơn các ngân hàng có thu nhập cao từ dịch vụ bảo hiểm như các khoản phí ứng trước góp thêm vào cải thiện lợi nhuận ngân hàng. Trong số các ngân hàng có thu nhập từ bán chéo bảo hiểm chiếm tỷ trọng cao, FiinGroup đánh giá sẽ có những ngân hàng bứt phá.

Năm 2022, các thương vụ mới được kỳ vọng là việc ký kết giữa VietinBank và Manulife; Techcombank và VPBank tiếp tục đàm phán lại với Manulife và AIA; HDBank và LienVietPostBank có thể ký kết hợp đồng bancassurance độc quyền mới.

Về triển vọng thị trường, ông Gaurav Sharma, Tổng giám đốc BIDV MetLife dự đoán rất tích cực khi Việt Nam vẫn là thị trường không dễ thâm nhập và tỷ lệ những người được bảo hiểm vẫn chưa cao, chỉ khoảng 11%. Nhờ tác động của đại dịch, thị trường tiếp tục có đà tốt để tăng trưởng mạnh mẽ trong năm nay.

Theo ông, một số hợp đồng bancassurance được ký kết gần đây giúp các công ty bảo hiểm có thể tiếp cận nhóm khách hàng tiềm năng lớn hơn. Trong bối cảnh bình thường mới, các hoạt động tương tác với khách hàng có thể phục hồi về mức trước Covid-19, thúc đẩy hoạt động bán hàng mạnh mẽ.

"Các cơ quan chức năng cũng đang đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến về vai trò, ý nghĩa, sự cần thiết của bảo hiểm cũng như pháp luật về kinh doanh bảo hiểm để đến năm 2025, Việt Nam đạt mục tiêu 15% dân số tham gia bảo hiểm nhân thọ", ông Sharma nói thêm.

Huyền Anh

Lượt xem: 434
Tác giả: Đua bán chéo bảo hiểm mùa dịch
Tin liên quan