Hai ngân hàng cán đích lợi nhuận tỷ USD

Tính đến thời điểm hiện nay, ngành ngân hàng ghi nhận 2 nhà băng lãi tỷ đô trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tác động lên nhiều mặt của nền kinh tế.

Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) vừa công bố kết quả kinh doanh năm 2021 trong đó hầu hết các mảng kinh doanh của ngân hàng ghi nhận sự tăng trưởng.

Cụ thể, tổng thu nhập hoạt động của Techcombank tăng hơn 35% so với cùng kỳ năm trước, lên 37.100 tỷ đồng nhờ cả thu nhập lãi và thu nhập từ dịch vụ đều đạt mức tăng trưởng 42%. Thu nhập từ lãi tăng mạnh nhờ biên lãi thuần (NIM - tính trên 12 tháng gần nhất) được cải thiện, đạt 5,6%, tăng so với mức 4,9% của năm 2020. Trong mảng dịch vụ, thu từ dịch vụ ngân hàng đầu tư đóng góp lớn nhất (45%) ghi nhận mức tăng trưởng 33% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 3.600 tỷ đồng.

techcombank-4408-1643186018.jpg

Techcombank ghi nhận lãi trước thuế gần 23.240 tỷ đồng (hơn 1 tỷ USD), tăng 47% so với năm ngoái.

Bên cạnh đó, phí dịch vụ bảo hiểm của Techcombank tăng 88% lên 1.600 tỷ đồng, nhờ đẩy mạnh việc bán chéo bảo hiểm với Manulife Việt Nam.

Tại thời điểm cuối năm, tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) của nhà băng đạt 50,5% tại cuối năm với số dư CASA là 158.900 tỷ đồng, chủ yếu do tiền gửi không kỳ hạn từ khách hàng cá nhân tăng 30% so với cuối năm ngoái.

Tính đến cuối 2021, tổng tài sản của Techcombank tăng 29% so với đầu năm lên 568.800 tỷ đồng. Dư nợ tín dụng của khách hàng tăng 22% theo hạn mức được cấp, đạt 388.300 tỷ. Tiền gửi huy động tăng hơn 13% lên 314.800 tỷ.

Về chất lượng tài sản, tỷ lệ nợ xấu của Techcombank nằm trong xu hướng tăng chung của ngành. Tỷ lệ nợ xấu cuối năm 2021 là 0,7%,  tăng so với mức 0,5% hồi đầu năm. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm so với mức 260% vào cuối quý II xuống 163%.

Nhà băng này cũng cho biết đã trích trước đầy đủ dự phòng cho các khoản vay tái cơ cấu vào cuối năm 2021, thay vì phân bổ trong ba năm với mức yêu cầu tối thiểu bắt buộc là 30% cho năm đầu.

Tính chung trong năm 2021, Techcombank ghi nhận lãi trước thuế gần 23.240 tỷ đồng (hơn 1 tỷ USD), tăng 47% so với năm ngoái. Đây cũng chính là mức lợi nhuận kỷ lục của Techcombank trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tác động lên nhiều mặt của nền kinh tế.

Techcombank trở thành ngân hàng tư nhân đầu tiên của Việt Nam cán mốc lợi nhuận trước thuế 1 tỷ USD. Trước đó, chỉ có Vietcombank, ngân hàng quốc doanh Big4 của Việt Nam làm được điều này trong hai năm liên tục 2019, 2020.

Tính tới thời điểm này, Vietcombank chưa công bố báo cáo tài chính năm 2021. Tuy nhiên, tại hội nghị triển khai hoạt động kinh doanh năm 2022, ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Tổng giám đốc phụ trách Ban Điều hành Vietcombank cho biết: "Ngân hàng đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng từ đầu năm; chuyển dịch cơ cấu tín dụng theo hướng an toàn, kiểm soát và nâng cao chất lượng tín dụng. Huy động vốn thị trường I đạt 1.154.000 tỷ đồng, tăng 9,5% so với năm 2020. Dư nợ tín dụng đạt 963.670 tỷ đồng, tăng 14,99% so với cuối năm 2020, góp phần cung ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế, đồng thời tuân thủ giới hạn tăng trưởng tín dụng theo quy định của NHNN".

Tỷ trọng huy động vốn không kỳ hạn (CASA) bình quân đạt 32,2%, tăng 3,3 điểm % so với năm 2020. Chỉ số ROAA và ROAE tăng cao so với 2020, đạt mức 1,6% và 21%. 

Đáng lưu ý, các mảng kinh doanh khác cũng ghi nhận tăng trưởng như: thu nhập thuần từ phí dịch vụ và thanh toán thương mại tăng 12,4% so với năm 2020 và chiếm 17,7% trong tổng thu nhập hoạt động kinh doanh; doanh số thanh toán và sử dụng tăng 19,2% so với năm 2020; thu bancassurance đạt 2.353 tỷ đồng, đóng góp 20% tổng doanh thu ngoài lãi; thu thuần kinh doanh ngoại tệ tăng 12% so với năm 2020 và chiếm 37,4% tổng thu ngoài lãi.

Theo đó, lợi nhuận trước thuế năm 2021 đạt 26.473 tỷ đồng, tăng 17,5% so với năm 2020.

Trong năm qua, dù tác động của dịch bệnh khiến việc trả nợ của khách hàng bị ảnh hưởng nặng nề, nhưng ngân hàng thực hiện kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng. Tỷ lệ nợ nhóm 2 ở mức 0,34%. Tỷ lệ nợ xấu ở mức 0,63%. Trích lập đủ 100% dự phòng cụ thể của dư nợ cơ cấu theo Thông tư 03 - sớm trước 2 năm so với thời hạn quy định của NHNN. Tỷ lệ quỹ dự phòng bao nợ xấu nội bảng đạt mức cao nhất hệ thống ngân hàng là 424%.

Tại Đại hội đồng cổ đông năm 2021, lãnh đạo Vietcombank cho biết, sẽ hướng tới mục tiêu 2 tỷ USD lợi nhuận vào năm 2025, duy trì vị thế số 1 trong hệ thống.

Lượt xem: 402
Tác giả: Thanh Hoa
Tin liên quan