Ngân hàng sẽ chiếm lĩnh thị trường Trái phiếu năm 2025?

Hầu hết các lô trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong năm 2025 đều đến từ các tổ chức tín dụng. Ngược lại, khu vực phi tài chính có thể gặp khó trong phát hành trái phiếu doanh nghiệp do quy định khắt khe về hệ số nợ.

Trong bối cảnh Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước yêu cầu duy trì lãi suất huy động thấp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thị trường trái phiếu doanh nghiệp được kỳ vọng sẽ phát triển mạnh, đặc biệt là nhóm trái phiếu do ngân hàng phát hành.

Theo dữ liệu tổng hợp của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu doanh nghiệp (VBMA), tính đến ngày 28/03/2025, có 5 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp được ghi nhận trong tháng 3/2025 với tổng giá trị đạt 10.699 tỷ đồng.

Nguồn: VBMA

Nguồn: VBMA

Lũy kế từ đầu năm, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp được ghi nhận là 18.604 tỷ đồng, với 9 đợt phát hành ra công chúng trị giá 18.104 tỷ đồng (chiếm 97,3% tổng giá trị phát hành) và một đợt phát hành riêng lẻ trị giá 500 tỷ đồng (chiếm 2,7% tổng số). Trong đó, Ngân hàng là nhóm ngành có giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp cao nhất, chiếm tỷ trọng 68,8%, tức khoảng 12.799 tỷ đồng.

Báo cáo về thị trường trái phiếu doanh nghiệp tháng 3 mới đây của FiinRatings cho biết, hầu hết các lô trái phiếu doanh nghiệp mới được phát hành đều đến từ các tổ chức tín dụng nhằm bổ sung vốn cấp 2, chiếm 94,6% tổng giá trị phát hành.

Mặt khác, trong giai đoạn đầu năm, thị trường đang thiếu sự tham gia của nhóm doanh nghiệp phi tài chính khi dự thảo sửa đổi Nghị định 155/2020/NĐ-CP đưa ra quy định khắt khe hơn về hệ số nợ đối với doanh nghiệp phát hành có thể khiến hoạt động phát hành ra công chúng phần nào chịu tác động.

Các ngân hàng sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát hành trái phiếu trong năm 2025 nhằm đáp ứng nhu cầu vốn cho tăng trưởng tín dụng và do yêu cầu giảm lãi suất tiết kiệm sẽ làm cho gia tăng khoảng cách giữa tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng huy động tiền gửi.

Lãi suất huy động của các ngân hàng hiện không có sự gia tăng đột biến mà duy trì ở mức ổn định hoặc thay đổi nhẹ. Vào cuối tháng 2, lãi suất huy động bình quân trên 12 tháng của Ngân hàng Nhà nước duy trì ở mức 5,4%, trong đó trung bình của 20 ngân hàng lớn dao động quanh mức 4,95%. Ngày 24/2/2025, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có công điện yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tăng cường các giải pháp giảm lãi suất. 

Theo dữ liệu cập nhật từ ngày 25/2 đến 18/3/2025, đã có tới 23 ngân hàng thương mại điều chỉnh lãi suất huy động với mức giảm từ 0,1% - 1%/năm tùy từng kỳ hạn. Những động thái này phản ánh cam kết của Chính phủ trong việc giữ chi phí vốn ở mức thấp, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn tài chính rẻ hơn. 

Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 16% trong năm nay nhằm đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 8%. Với lãi suất huy động thấp, chi phí vay giảm, kích thích nhu cầu tín dụng gia tăng. Trong bối cảnh này, các ngân hàng dự kiến sẽ phát hành trái phiếu mạnh mẽ, chiếm tỷ trọng lớn trong dư nợ trái phiếu doanh nghiệp. 

FiinRatings dự báo, thị trường trái phiếu có thể tăng 15%-20%, phần lớn nhờ vào các ngân hàng. Kế hoạch phát hành từ nay đến cuối năm 2025 bao gồm 7 doanh nghiệp, với hơn một nửa là từ ngân hàng. Đáng chú ý, vào cuối tháng 3, LPBank và Kienlong Bank dự kiến phát hành lần lượt 7.000 tỷ và 800 tỷ đồng. 

Hội đồng quản trị Vietinbank (CTG) mới đây đã thông qua phương án phát hành trái phiếu ra công chúng đợt 2 trong quý I và II/2025 với tổng giá trị tối đa 4 nghìn tỷ đồng. Đây là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản bảo đảm.

Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) đã được Hội đồng quản trị thông qua phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ được chia làm 10 đợt trong năm 2025 với tổng giá trị tối đa 20 nghìn tỷ đồng.

Lượt xem: 3
Tác giả: Minh Lâm
Nguồn:tapchitaichinh.vn Sao chép liên kết