Không ngừng thúc đẩy hiện đại hóa hạ tầng dữ liệu trong ngành Ngân hàng

Chiều ngày 9/7, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phối hợp với Tập đoàn IEC tổ chức "Tọa đàm cấp cao: Chiến lược xây dựng hạ tầng dữ liệu linh hoạt và bền vững cho ngân hàng Việt Nam".

Dữ liệu - yếu tố trung tâm cho mọi hoạt động vận hành, tăng trưởng và đổi mới sáng tạo

Phát biểu khai mạc toạ đàm, TS. Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, ngành Ngân hàng, vốn là một trong những lĩnh vực đi đầu trong ứng dụng công nghệ và số hóa dịch vụ và có đầy đủ điều kiện để chuyển sang một giai đoạn phát triển mới – giai đoạn lấy dữ liệu làm trung tâm cho mọi hoạt động vận hành, ra quyết định và phục vụ khách hàng, cùng với đó là hướng tới một hệ sinh thái ngân hàng số thông minh, linh hoạt, an toàn và mở rộng, nơi mà dữ liệu không chỉ là yếu tố vận hành mà thực sự trở thành tài nguyên cốt lõi cho tăng trưởng và đổi mới sáng tạo.

Theo đó, đến nay, trên 90% giao dịch ngân hàng tại nhiều tổ chức tín dụng được thực hiện qua kênh số, hơn 87% người trưởng thành tại Việt Nam có tài khoản ngân hàng. Thêm vào đó, hàng loạt dịch vụ như tiền gửi, mở tài khoản, phát hành thẻ, chuyển tiền, cho vay… đã được số hóa 100%, giúp rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí và nâng cao sự thuận tiện cho khách hàng...

ts-nguyen-quoc-hung-090725.jpg

TS. Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phát biểu tại toạ đàm

Chia sẻ tại toạ đàm, ông Lê Hoàng Chí Quang, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, dữ liệu trong ngành Ngân hàng hiện nay thực sự đã trở thành một yếu tố hết sức quan trọng, không chỉ trong việc thúc đẩy chuyển đổi số mà còn trong hoạt động điều hành chính sách. Ngân hàng Nhà nước cũng đang đẩy mạnh việc ra quyết định trên cơ sở dữ liệu – thu thập từ các tổ chức tín dụng, bộ ngành liên quan – để hỗ trợ Thống đốc và ban lãnh đạo đưa ra quyết định chính sách sát với thực tiễn hơn.

Một ví dụ cụ thể là việc kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư từ tháng 7/2024, nhằm phục vụ xác thực sinh trắc học theo các quy định của pháp luật. Đến nay, đã có 119 triệu tài khoản cá nhân và 1,1 triệu tài khoản tổ chức được đối chiếu, làm sạch, minh chứng rõ ràng về tầm quan trọng và hiệu quả của việc ứng dụng dữ liệu trong phát triển dịch vụ ngân hàng, cũng như phòng chống lừa đảo, gian lận trên không gian mạng.

Gần đây, Ngân hàng Nhà nước – thông qua Vụ Thanh toán và Cục Công nghệ thông tin – cũng đã phối hợp với một số ngân hàng xây dựng hệ thống SIMO, thu thập dữ liệu liên quan đến các tài khoản, ví điện tử có dấu hiệu giả mạo, gian lận. Hệ thống này hiện đã cung cấp cảnh báo tới các ngân hàng, hỗ trợ khách hàng khi chuyển tiền đến các tài khoản nằm trong danh sách nghi ngờ, giúp người dân cân nhắc trước khi thực hiện giao dịch. Đây tiếp tục là một minh chứng cho vai trò quan trọng của dữ liệu.

img_3785.jpeg

Ông Lê Hoàng Chí Quang, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Ngoài ra, Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC) hiện đang quản lý khoảng 54 triệu hồ sơ khách hàng, là một nguồn dữ liệu quý giá phục vụ quá trình ra quyết định cấp tín dụng và đánh giá khách hàng.

Thúc đẩy hiện đại hoá hạ tầng dữ liệu

Bên cạnh kết quả đạt được, ông Lê Hoàng Chí Quang cũng chỉ ra những thách thức và tồn tại trong quản lý dữ liệu mà ngành Ngân hàng đang phải đối mặt, chẳng hạn: Hệ thống công nghệ tại nhiều ngân hàng còn lỗi thời, thiếu linh hoạt, gây khó khăn trong khai thác dữ liệu; Dữ liệu vẫn còn phân tán, việc liên thông giữa các hệ thống còn nhiều vướng mắc; Thiếu các tiêu chuẩn đồng bộ, gây khó khăn trong tích hợp, chia sẻ dữ liệu; Khả năng khai thác dữ liệu thời gian thực còn hạn chế; Cơ chế chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước và tổ chức tín dụng vẫn đang trong quá trình hình thành, chưa thực sự hoàn thiện.

dsc08837.jpeg

Quang cảnh toạ đàm

Thêm vào đó, Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) và Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân mới được Quốc hội thông qua, trong đó có những quy định chặt chẽ hơn liên quan đến phân loại, quản lý, chia sẻ và bảo vệ dữ liệu. Đây sẽ là những yêu cầu pháp lý mà các ngân hàng cần tuân thủ nghiêm túc, đồng thời cũng đặt ra áp lực không nhỏ đối với việc hoàn thiện hạ tầng dữ liệu của toàn ngành.

Tại toạ đàm, ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cũng nêu rõ, sự bùng nổ của các giao dịch, hành vi khách hàng, thị trường và các kênh tương tác đã tạo ra một khối lượng dữ liệu khổng lồ mà nếu được khai thác hiệu quả, sẽ mang lại giá trị vượt trội. Tuy nhiên, việc "khai thác, tinh chế và đưa vào sử dụng" nguồn dữ liệu này đòi hỏi một nền tảng vững chắc - đó chính là một kiến trúc dữ liệu hiện đại và phù hợp.

img_3784.jpeg

Ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát biểu tại toạ đàm

"Kiến trúc dữ liệu không còn là một lựa chọn mà là một yêu cầu bắt buộc đối với các ngân hàng trong kỷ nguyên số. Việc xây dựng một kiến trúc dữ liệu phù hợp sẽ không chỉ giúp chúng ta giải quyết các thách thức hiện tại mà còn mở ra những cơ hội chưa từng có để đổi mới, nâng cao năng lực cạnh tranh và phục vụ khách hàng tốt hơn", ông Lê Anh Dũng nhận định.

Chia sẻ thực tiễn tại các ngân hàng, ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó Tổng Giám đốc VietinBank chỉ ra một số vấn đề có thể nhìn thấy rất rõ. Thứ nhất, dữ liệu hiện nay bị chậm trễ, tức là phải sau một ngày mới có thể cập nhật và sử dụng được. Thứ hai, phần lớn mới chỉ là dữ liệu có cấu trúc, trong khi dữ liệu phi cấu trúc thì bao giờ cũng nhiều hơn, nhưng lại chưa được khai thác hiệu quả.

"Hiện nay, tôi tin rằng tất cả các ngân hàng đều đang, đã và sẽ tiếp tục đầu tư để đảm bảo nắm được những nguyên tắc cốt lõi. Nguyên tắc đầu tiên là dữ liệu của mình phải giàu – càng giàu càng tốt – về ngữ nghĩa, cấu trúc và phạm vi", ông Trần Công Quỳnh Lân nhấn mạnh.

Cũng theo đại diện VietinBank, ngay cả những câu chuyện, lời nói giữa khách hàng và nhân viên trong quá trình làm việc cũng là dữ liệu, ngân hàng cần phân tích tất cả các tương tác, tất cả các điểm chạm đó.

dsc08952.jpeg

Bà Nguyễn Thuỳ Dương, Chủ tịch CTCP Tư vấn EY Việt Nam chia sẻ tại toạ đàm

Nhấn mạnh đến yếu tố con người trong chiến lược xây dựng hạ tầng dữ liệu, bà Nguyễn Thuỳ Dương, Chủ tịch CTCP Tư vấn EY Việt Nam cho rằng: "Bản thân con người – mỗi cá nhân trong chúng ta – chính là điểm khởi đầu của dữ liệu". Theo đó, ở bất kỳ hành động nào, con người cũng tạo ra dữ liệu. Do đó, có thể nói dữ liệu xuất phát từ con người và vì vậy, nếu lấy con người làm trung tâm thì toàn bộ logic xử lý dữ liệu, từ việc thiết kế hạ tầng dữ liệu, đến việc xây dựng các dòng dữ liệu, hay phân tích phục vụ kinh doanh, cuối cùng đều sẽ quay trở lại yếu tố con người.

"Vì thế, tôi nghĩ rằng khi các luật và quy định mới – đặc biệt là Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân – có hiệu lực và được tất cả chúng ta tuân thủ nghiêm túc, thì chúng ta sẽ có một sân chơi minh bạch và bình đẳng. Chính điều đó sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho sự phát triển của ngành tài chính – ngân hàng trong tương lai.

Từ góc nhìn kinh nghiệm quốc tế, ông Yea Hong – Giám đốc Quan hệ khách hàng khu vực châu Á – Thái Bình Dương của TiDB bởi PingCAP – đã làm rõ hơn về quá trình hiện đại hóa hạ tầng dữ liệu trong ngành Ngân hàng. Hiện nay phần lớn các ngân hàng đã tiến hành chuyển đổi số, trong đó việc áp dụng kiến trúc vi dịch vụ (microservices) ngày càng trở nên phổ biến. Đây cũng là lý do khiến hệ sinh thái ứng dụng ngân hàng phát triển không ngừng theo thời gian.

“Trước đây, khi tôi còn làm việc trong ngân hàng, chúng tôi chỉ có chi nhánh và dịch vụ ngân hàng qua điện thoại và không có gì nhiều hơn thế. Nhưng trong ba thập kỷ vừa qua, chúng ta đã chứng kiến sự xuất hiện và phát triển mạnh mẽ của ngân hàng qua điện thoại, trung tâm cuộc gọi, ngân hàng trực tuyến, ngân hàng di động và giờ là ngân hàng mở (open banking)”, ông Yea Hong chia sẻ.

Theo ông Yea Hong, bối cảnh hiện nay đòi hỏi hạ tầng công nghệ của ngân hàng không chỉ phải đáp ứng yêu cầu nội bộ, mà còn cần thích ứng với nhiều giao thức, phương thức tích hợp khác nhau, đồng thời tận dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để cung cấp các dịch vụ thông minh hơn, cá nhân hóa hơn cho khách hàng.

Bên cạnh đó, đại diện của TiDB nhấn mạnh thêm vai trò ngày càng quan trọng của dịch vụ dữ liệu thời gian thực trong hoạt động ngân hàng, nhất là khi phải đối mặt với các yêu cầu như phát hiện và ngăn chặn rửa tiền.

“Nếu thời gian phản hồi của hệ thống là vài phút thay vì chỉ vài phần nghìn giây, điều này sẽ tạo ra điểm nghẽn lớn cho hạ tầng của ngân hàng,” ông phân tích. Trong bối cảnh ngân hàng cần phê duyệt khoản vay một cách thông minh và nhanh chóng, khách hàng không thể chờ đợi quá lâu. Vì vậy, các tổ chức cần tận dụng sức mạnh của AI, học máy (ML) và hiện nay là Gen AI để tự động hóa và tối ưu hóa nhiều quy trình vận hành.

dsc08893.jpeg

Ông Nguyễn Hưng Nguyên, Phó Tổng Giám đốc NAPAS chia sẻ tại toạ đàm

Trong khi đó, với hệ thống thanh toán tại Việt Nam, ông Nguyễn Hưng Nguyên, Phó Tổng Giám đốc NAPAS cho biết, NAPAS đặt ra một mục tiêu đầy thách thức và mang tính dài hạn là hướng tới việc cung cấp dịch vụ không gián đoạn (zero-downtime) kể cả trong điều kiện bảo trì có kế hoạch hay đột xuất.

"Để đạt được mục tiêu này, chúng tôi đã chuẩn bị từ nhiều năm trước, bao gồm việc hiện đại hóa mạng lưới, nâng cấp máy chủ, hệ thống cơ sở dữ liệu và tái kiến trúc toàn bộ các ứng dụng dịch vụ – chuyển từ mô hình cung cấp truyền thống sang nền tảng API hiện đại. Đến thời điểm hiện tại, chúng tôi có thể khá tự tin rằng mục tiêu này hoàn toàn khả thi vào năm 2030", ông Nguyễn Hưng Nguyên cho biết.

Từ góc độ quản lý nhà nước, thời gian tới, ông Lê Hoàng Chính Quang cho biết, Ngân hàng Nhà nước sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ: Hoàn thiện khung pháp lý và cơ chế chính sách để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động hợp tác, kết nối, chia sẻ dữ liệu, từ đó nâng cao chất lượng dịch vụ; Phối hợp với các ngân hàng triển khai xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung của toàn ngành, hướng tới sự đồng bộ, hiện đại, tăng khả năng chia sẻ và tối ưu hóa khai thác dữ liệu.

Bên cạnh đó, xây dựng, ban hành tiêu chuẩn dữ liệu, đồng thời quy định cụ thể về an toàn, an ninh thông tin và dữ liệu. Đồng thời, khuyến khích các ngân hàng triển khai công nghệ mới như AI, Big Data, Blockchain…phục vụ việc xây dựng hạ tầng dữ liệu linh hoạt và bền vững...

 
Lượt xem: 1
Nguồn:thitruongtaichinhtiente.vn Sao chép liên kết