Ngân hàng Nhà nước Khu vực 8: Chủ động triển khai các biện pháp huy động và tăng trưởng tín dụng
Ngày 3/4, tại Hà Tĩnh, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã tổ chức Lễ công bố Quyết định thành lập NHNN Khu vực 8 và Hội nghị đẩy mạnh tín dụng ngân hàng, góp phần tăng trưởng kinh tế Khu vực 8. Phó Thống đốc NHNN Phạm Quang Dũng và ông Trần Báu Hà - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đồng chủ trì Hội nghị.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Quang Dũng phát biểu
Đây là Hội nghị thứ 12 trong chuỗi 15 Hội nghị được Ngân hàng Nhà nước tổ chức tại Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các khu vực nhằm trao đổi, thảo luận các giải pháp để thực hiện mục tiêu tăng trưởng tín dụng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
NHNN Khu vực 8 được thành lập trên cơ sở hợp nhất NHNN chi nhánh 3 tỉnh: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình. Trụ chính NHNN Khu vực 8 đặt tại Hà Tĩnh.
Thống đốc NHNN đã ban hành các Quyết định điều động, bổ nhiệm nhân sự Khu vực 8, cụ thể: bà Nguyễn Thị Thu Thu, Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh Nghệ An giữ chức vụ Phó Giám đốc NHNN chi nhánh Khu vực 8 và giao Quyền Giám đốc NHNN chi nhánh Khu vực 8; các Phó Giám đốc NHNN khu vực 8 bao gồm: Ông Lương Hải Lưu, ông Nguyễn Văn Trung, bà Hoàng Thị Minh Thu. Sau khi sắp xếp, tổng số công chức, người lao động Khu vực 8 là 134 người. Cơ cấu tổ chức của NHNN Khu vực 8 sau sắp xếp gồm 7 phòng.
Tại Hội nghị, Phó Thống đốc NHNN Phạm Quang Dũng đã trao các quyết định điều động, bổ nhiệm nhân sự cho Ban lãnh đạo NHNN Khu vực 8 cùng các trưởng, phó phòng.
Ban Lãnh đạo, cán bộ chủ chốt của NHNN Khu vực 8 chụp ảnh lưu niệm cùng Phó Thống đốc, Lãnh đạo các tỉnh trong khu vực. Ảnh: Báo Hà Tĩnh
Phát biểu khai mạc Hội nghị đẩy mạnh tín dụng ngân hàng góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Khu vực 8, Phó Thống đốc NHNN Phạm Quang Dũng cho biết, Hội nghị nhằm trao đổi, thảo luận các giải pháp để thực hiện mục tiêu tăng trưởng tín dụng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Tại Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 8/1/2025 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2025, Chính phủ đã đặt mục tiêu tăng trưởng GDP cả nước đạt 8% trở lên, tạo nền tảng vững chắc để đạt tốc độ tăng trưởng hai con số giai đoạn 2026 - 2030. Tại Nghị quyết 25/NQ-CP ngày 5/2/2025, Chính phủ đã giao chỉ tiêu tăng trưởng GRDP cụ thể cho từng tỉnh tại Khu vực 8 đạt từ 8 - 10,5%.
Các mục tiêu kinh tế nêu trên thực hiện trong bối cảnh tình hình thế giới dự báo diễn biến phức tạp, khó lường, đặt ra không ít khó khăn, thách thức đối với hoạt động ngân hàng cũng như điều hành của NHNN để thực hiện đa mục tiêu, vừa kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo sự an toàn hệ thống ngân hàng, vừa hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Báo cáo tại Hội nghị, bà Nguyễn Thị Thu Thu - Quyền Giám đốc NHNN Khu vực 8 nhấn mạnh 3 tỉnh thuộc Khu vực 8 (Hà Tĩnh, Nghệ An và Quảng Bình) thuộc vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ, trong hành lang kinh tế Đông Tây; với đường bờ biển dài và đẹp thuận lợi cho phát triển du lịch; có các cảng biển nước sâu thuận lợi giao thương hàng hóa xuất, nhập khẩu, công nghiệp ven biển; nuôi trồng, khai thác hải sản và các ngành kinh tế biển mới.
Thời gian qua, ngành Ngân hàng đã tích cực thúc đẩy tăng trưởng tín dụng đáp ứng nhu cầu vốn sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp tại khu vực và đã đạt kết quả khá tích cực. Khu vực 8 có 253 tổ chức tín dụng, chi nhánh tổ chức tín dụng với đa dạng các loại hình tổ chức tín dụng.
Đến cuối tháng 2/2025, dư nợ của các tổ chức tín dụng tại Khu vực 8 đạt 535.688 tỷ đồng, tăng 7.957 tỷ đồng, bằng 1,5% so với cuối năm 2024 (bao gồm cả dư nợ của Ngân hàng Phát triển), chiếm khoảng 33% tổng dư nợ của vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ.
Để đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 16% (dư nợ tăng thêm 2,5 triệu tỷ đồng so với năm 2024) góp phần đạt được các mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả nước (tối thiểu 8%) và 3 tỉnh của Khu vực (8% - 10,5%) trong năm 2025 đòi hỏi toàn ngành Ngân hàng nói chung và tại Khu vực 8 nói riêng cần quyết liệt triển khai nhiều giải pháp; trong đó, ngoài việc cân đối, đảm bảo “cung” tín dụng, cần phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp, người dân để góp phần thúc đẩy yếu tố “cầu” và đẩy mạnh kết nối cung - cầu tín dụng, kết nối ngân hàng - doanh nghiệp để kịp thời nắm bắt khó khăn, vướng mắc và có giải pháp xử lý phù hợp.
Tại Hội nghị, đại diện các doanh nghiệp, tổ chức Hội doanh nghiệp trên địa bàn như: CTCP Đầu tư xây dựng Quốc Việt, Công ty TNHH Thương mại Tổng hợp Đông Anh, CTCP Cảng quốc tế Lào - Việt… đều khẳng định đang có nhu cầu vay lớn và mong muốn tiếp cận được các gói tín dụng với lãi suất ưu đãi và thời hạn vay dài để phát triển sản xuất kinh doanh. Một số doanh nghiệp cũng cho biết liên quan đến tài sản bảo đảm, tài sản của doanh nghiệp hiện chỉ đáp ứng đủ một phần nhu cầu vốn cần thiết để hoạt động, do đó đề xuất các ngân hàng có thêm những cơ chế cấp tín dụng dựa vào dòng tiền để hỗ trợ thêm.
Đại diện các doanh nghiệp cũng cho rằng, cần tăng cường các hoạt động kết nối giữa ngân hàng và doanh nghiệp cũng như đưa ra các đề xuất tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi, các chương trình tín dụng trong lĩnh vực ưu tiên…
Quang cảnh Hội nghị
Để hỗ trợ đẩy mạnh tín dụng ngân hàng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ông Hoàng Minh Ngọc, Phó Tổng Giám đốc Agribank đề xuất chính quyền các địa phương cần quan tâm chỉ đạo cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư tại khu vực. Bên cạnh đó, đề nghị các sở, ngành, hiệp hội có định hướng và giải pháp cụ thể nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong việc quy hoạch vùng sản xuất, có hệ thống dự báo, định hướng đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp.
Phó Tổng Giám đốc Agribank cũng đề xuất sớm trình ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định số 116/2018/NĐ-CP để nâng mức cho vay tối đa không có tài sản bảo đảm đối với các khách hàng thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn...
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Trần Báu Hà khẳng định những kết quả tỉnh nhà đã đạt được có sự đóng góp quan trọng của ngành Ngân hàng với vai trò huyết mạch của nền kinh tế, cung ứng vốn kịp thời, định hướng tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng của địa phương.
Về hoạt động thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đề nghị NHNN Khu vực 8 theo dõi sát tình hình kinh tế - xã hội và hoạt động ngân hàng để kịp thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong triển khai các chính sách tín dụng phù hợp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh trong khu vực; thúc đẩy tăng trưởng tín dụng theo định hướng phát triển của địa phương, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên, đẩy mạnh tín dụng ưu đãi hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Cùng với đó, NHNN Khu vực 8 tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn ngân hàng, nhưng vẫn phải đảm bảo chất lượng tín dụng, hạn chế nợ xấu phát sinh; phối hợp đẩy mạnh chuyển đổi số, triển khai Đề án 06 và phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, góp phần xây dựng chính quyền điện tử và đô thị thông minh.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thống đốc Phạm Quang Dũng cho biết, trong thời gian tới, để kịp thời tháo gỡ các khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy tín dụng trên địa bàn, NHNN chỉ đạo NHNN Khu vực 8 tiếp tục đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ, giải pháp Chỉ thị số 01, 02 và các văn bản chỉ đạo khác của Ngân hàng Nhà nước; tiếp tục theo dõi, chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn duy trì ổn định lãi suất tiền gửi và triển khai quyết liệt các biện pháp để phấn đấu giảm lãi suất cho vay.
Cùng với đó, các tổ chức tín dụng Hội sở chính và các chi nhánh trên địa bàn tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, các cơ quan Nhà nước tại địa phương về các giải pháp tiền tệ, tín dụng ngân hàng; Hội sở các tổ chức tín dụng cần sớm hoàn thành việc phân bổ chỉ tiêu kinh doanh để chi nhánh chủ động triển khai các biện pháp huy động và tăng trưởng tín dụng đạt kế hoạch; đơn giản hóa quy trình, thủ tục cấp tín dụng, tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay,...
Phó Thống đốc Phạm Quang Dũng cũng nhấn mạnh cần có sự phối hợp của các Sở, Ban, Ngành, hiệp hội liên quan trên địa bàn khu vực để triển khai các giải pháp, chính sách hiệu quả, đồng bộ để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phát triển thị trường, kích cầu tiêu dùng nội địa. Đồng thời, xem xét, đánh giá những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp để kịp thời có các giải pháp tháo gỡ nhằm khơi thông nguồn lực, tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp.