Lộ diện 6 ngân hàng trong danh sách Top 50 công ty niêm yết tốt nhất năm 2023 của Forbes Việt Nam

Theo Forbes Việt Nam, ngân hàng là lĩnh vực có nhiều đại diện nhất trong danh sách 50 doanh nghiệp niêm yết tốt nhất với vị trí quán quân lợi nhuận thuộc về Vietcombank.

Tạp chí Forbes Việt Nam số mới nhất đã đưa ra danh sách những doanh nghiệp niêm yết tốt nhất năm 2023. Đáng chú ý, tổng lợi nhuận sau thuế của 50 công ty trong danh sách đạt 228.096 tỉ đồng, tăng 18% so với danh sách năm 2022. Tổng doanh thu đạt 1.490.453 tỉ đồng, tăng 24,9%.

Để thực hiện Danh sách 50 công ty niêm yết tốt nhất 2023, các công ty niêm yết trên HSX và HNX được đánh giá qua nhiều bước. Ở vòng sơ loại, các công ty cần đáp ứng các điều kiện: có lãi trong năm 2022, doanh thu và vốn hóa tối thiểu 500 tỉ đồng. Ở vòng kế tiếp, các công ty được chấm điểm định lượng trên năm tiêu chí: tỉ lệ tăng trưởng kép về doanh thu, lợi nhuận, tỉ lệ ROE, ROC và tăng trưởng EPS giai đoạn 2018—2022.

-9032-1686021767.jpg

Top 6 ngân hàng trong danh sách của Forbes (doanh thu - lợi nhuận - vốn hóa theo đơn vị tỉ đồng).

Tiếp theo, Forbes Việt Nam thực hiện điều tra định tính để đánh giá mức phát triển bền vững của doanh nghiệp: vị thế công ty trong ngành, nguồn gốc lợi nhuận, chất lượng quản trị doanh nghiệp, triển vọng ngành… Danh sách có sự hỗ trợ tính toán định lượng của công ty Chứng khoán SSI. Vốn hóa được chốt vào ngày 30.5.2023. Số liệu sử dụng tính toán là báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2022.

Ngân hàng là lĩnh vực có nhiều đại diện nhất với 6 cái tên bao gồm Vietcombank, BIDV, Vietinbank, ACB, MB,và VIB. Danh sách này ít hơn 7 ngân hàng trong năm 2022 và 8 ngân hàng của năm 2021. Đặc biệt, đây là lần thứ 11 Vietcombank góp mặt trong danh sách này.

Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB)

ACB nằm trong nhóm rất ít ngân hàng có mô hình kinh doanh thận trọng, danh mục tài sản lành mạnh không sở hữu nhiều trái phiếu doanh nghiệp, tỉ trọng cho vay bất động sản chủ yếu đến từ cho vay cá nhân mua nhà, không tập trung nhiều vào cho vay dự án bất động sản.

Năm 2022, ACB đạt 13.688 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 42,5%. Nền kinh tế suy yếu đã làm giảm nhu cầu chi tiêu và khả năng trả nợ của các cá nhân, theo đó giảm nhu cầu vay vốn nhưng lợi nhuận ròng của ACB trong quý 1.2023 tăng mạnh 25,8% so với cùng kỳ, lên 4.135 tỉ đồng. ACB vào danh sách 50 công ty niêm yết tốt nhất của Forbes Việt Nam liên tục 8 lần kể từ năm 2016.

Ngân hàng TMCP đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV)

Với tổng tài sản 2,08 triệu tỉ đồng và dư nợ tín dụng 1,57 triệu tỉ đồng vào cuối quý 1/2023, BIDV là ngân hàng dẫn đầu hệ thống về quy mô. Năm 2022, tổng tài sản của BIDV tăng 20,4%, vốn chủ sở hữu tăng 20,7%. Lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt 23.009 tỉ đồng, tăng 69,8%, cao nhất trong lịch sử.

Bước sang quý 1/2023, do nền kinh tế hấp thụ vốn yếu, tăng trưởng tín dụng đạt 2,08% nhưng đến ngày 30/4/2023 ngân hàng tăng trưởng tín dụng 5% và dự kiến 7-8% trong nửa đầu năm 2023. Tỉ lệ nợ xấu của BIDV ở 1,5%, trong tầm kiểm soát. Ba năm liên tiếp BIDV nằm trong danh sách 50 công ty niêm yết tốt nhất của Forbes Việt Nam.

Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (Vietinbank)

Năm 2022, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của Vietinbank đạt 20.946 tỉ đồng, tăng trưởng 19%. Xuất phát điểm là ngân hàng bán buôn có thế mạnh trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại, những năm gần đây VietinBank đang chuyển dịch cơ cấu tín dụng theo hướng đẩy mạnh phân khúc bán lẻ và khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ, tỉ trọng dư nợ bình quân hai phân khúc này tăng từ 58,6% năm 2021 lên 63,1% tổng dư nợ vào cuối năm 2022. VietinBank đã sáu lần vào danh sách 50 công ty niêm yết tốt nhất của Forbes Việt Nam.

Cuối quý 1/2023, tổng tài sản VietinBank đạt hơn 1,82 triệu tỉ đồng, tăng 0,9% so với đầu năm. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 4,6%, lên hơn 1,33 triệu tỉ đồng. Tiền gửi khách hàng tăng 1,9%, lên 1,27 triệu tỉ đồng. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay khách hàng là 1,28%. Quý 1.2023, dư nợ tín dụng của ngân hàng tăng 4,6%, gần gấp đôi tăng trưởng chung toàn ngành.

Ngân hàng quân đội (MB)

Trong ba năm qua, MB là một trong các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân có mức tăng trưởng ấn tượng nhất. Trong năm 2022, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt 22.729 tỉ đồng, tăng 37,5%, cao nhất trong lịch sử hoạt động của nhà băng này. Hoạt động chuyển đổi số của ngân hàng đạt kết quả tích cực, tăng thêm hơn 7 triệu khách hàng trong năm 2022, nâng tổng khách hàng cá nhân lên hơn 20 triệu. Cuối năm 2022, tổng tài sản của ngân hàng đạt 728.532 tỉ đồng, tăng 20% so với đầu năm.

Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank)

Vietcombank là ngân hàng duy nhất 11 lần có mặt liên tục trong danh sách 50 công ty niêm yết tốt nhất của Forbes Việt Nam. Trong năm 2022, lợi nhuận sau thuế của nhà băng này đạt 29.899 tỉ đồng, dẫn đầu hệ thống và dẫn đầu danh sách 50 công ty niêm yết tốt nhất về con số lợi nhuận tuyệt đối.

Trong giai đoạn 2022-2028, Vietcombank định hướng tăng trưởng tổng tài sản 9-10%/năm, tăng trưởng tín dụng đối với nền kinh tế 12-14%/năm, huy động vốn tăng 10-11%/năm. Về tỉ lệ nợ xấu, ngân hàng đặt mục tiêu kiểm soát dưới 1,5%, tỉ lệ ạn toàn vốn ở mức 10-11%. Theo kế hoạch, ngân hàng sẽ nhận chuyển giao tái cơ cấu một tổ chức tín dụng yếu kém.

Ngân hàng quốc tế (VIB)

Trong hệ thống ngân hàng quy mô hạng trung, VIB có thế mạnh về gói sản phẩm cho vay mua ô tô, sửa chữa nhà cửa. Năm 2022, VIB đạt lợi nhuận trước thuế đạt 10.581 tỉ đồng, tăng 32,1%; tổng tài sản đạt hơn 342.799 tỉ đồng, tăng 10,8% so với cuối năm 2021. Tổng dư nợ tín dụng đạt 239.920 tỉ đồng, tăng 14,5% so với năm 2021; nợ xấu khống chế ở mức 1,79%. Đây là lần thứ ba VIB có mặt trong danh sách.

Kết thúc quý 1, VIB ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt xấp xỉ 2.700 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ. Trong đó, tổng thu nhập hoạt động đạt hơn 4.900 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 19%. Ngân hàng duy trì biên lãi ròng (NIM) hiệu quả cao ở mức 4,6% trong bối cảnh cả lãi suất huy động và lãi suất cho vay có nhiều biến động.

Nga Anh

Lượt xem: 4
Tác giả: Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB)
Tin liên quan