Doanh nghiệp ngưng trệ, ngân hàng gặp khó
Lãi suất liên tục giảm nhưng tín dụng tăng trưởng thấp. Khu vực sản xuất kinh doanh suy giảm đã khiến ngân hàng gặp khó. Kết quả kinh doanh quý I đã cho thấy triển vọng 2023 còn nhiều thách thức với các tổ chức tín dụng.
Những biểu hiện khó khăn
Trong một diễn đàn mới đây, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV kiêm giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, đã nêu ra những chỉ số cảnh báo: xuất khẩu của Việt Nam lần đầu tiên giảm 12%, chỉ số công nghiệp và xây dựng chưa bao giờ tăng trưởng âm thì nay đã âm, đầu tư tăng rất thấp chỉ 3%, tiêu dùng nội địa suy giảm đáng kể. Đây là những động lực tăng trưởng lớn của nền kinh tế nhưng nay đều ở trong tình trạng rất khó khăn.
Lãnh đạo môt tập đoàn chế biến và xuất khẩu lớn ở phía Nam cho rằng lãi suất giảm là một tín hiệu tốt cho nền kinh tế. Tuy nhiên, vị này thẳng thắn, dù lãi suất có giảm nhưng không có đơn hàng thì doanh nghiệp cũng không có nhu cầu vay. Nói cho cùng, với khối sản xuất, khi doanh nghiệp suy giảm và ngưng trệ thì lãi suất thấp cũng khó phát huy tác dụng.
Trong khi đó, khảo sát mới nhất của VNDirect cũng cho thấy tín dụng tại các ngân hàng cho vay cá nhân ghi nhận giảm hoặc chậm lại so với đầu năm như: Á Châu (HoSE: ACB), Quốc tế Việt Nam (HoSE: VIB), Sacombank (HoSE: STB). Nền kinh tế suy yếu đã ảnh hưởng lên thu nhập cũng như khả năng trả nợ của khách hàng cá nhân, làm giảm nhu cầu vay và các ngân hàng sẽ thận trọng hơn khi giải ngân cho nhóm này.
Ông Lê Thanh Tùng, thành viên HĐQT VietinBank (HoSE: CTG) cho biết tín dụng những tháng đầu năm tăng chậm chứng tỏ sức hấp thụ của nền kinh tế đang chững lại, doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, thiếu vắng đơn hàng, thu nhập người dân sụt giảm… “Tất cả đang tác động trực tiếp đến sức khỏe các ngân hàng, bởi ngân hàng là ‘hàn thử biểu’ của nền kinh tế nên khi doanh nghiệp khó khăn thì ngân hàng không thể khỏe được”, ông Tùng nhấn mạnh.
Cập nhật tăng trưởng tín dụng trong mấy tháng qua từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, đến cuối quý I/2023,, tăng trưởng tín dụng toàn ngành chỉ tăng 2,1% so với đầu năm thấp hơn đáng kể so với mức 5% - 6% các quý cùng kỳ trước. Đến 28/4, chỉ số có dấu hiệu tăng lên nhưng cũng chỉ ở mức tăng 3,05% so với cuối năm 2022 và tăng 9,78% so với cùng kỳ. Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú đánh giá điều này xuất phát từ tình hình khó khăn tại nhiều lĩnh vực khiến nhu cầu vốn của doanh nghiệp chững lại.
Ông Lê Thanh Tùng cho biết: “Báo cáo tài chính quý I/2023 của 27 ngân hàng niêm yết cho thấy lợi nhuận giảm 4,4% so với cùng kỳ năm trước. Từ năm ngoái tới nay, các ngân hàng thương mại đối mặt với nhiều rủi ro. Nếu năm 2022, rủi ro lớn nhất của hệ thống ngân hàng là thanh khoản, lãi suất và cả rủi ro danh tiếng do liên quan tới trái phiếu doanh nghiệp, bảo hiểm nhân thọ thì năm 2023, rủi ro lớn nhất của các ngân hàng là rủi ro tín dụng. Khi doanh nghiệp khó khăn, các ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng, thoái lãi dự thu…”.
Thực tế đó đã phản ánh vào NIM trung bình của 25 ngân hàng niêm yết giảm 18 điểm cơ bản trong quý I/2023 do các ngân hàng đã phải hi sinh một phần lợi nhuận để hỗ trợ khách hàng. Hơn nữa, NIM của một số ngân hàng thương mại như Techcombank (HoSE: TCB), Tiên Phong (HoSE: TPB), VPBank (HoSE: VPB), MB (HoSE: MBB)… giảm đáng kể do trái phiếu doanh nghiệp và cho vay tiêu dùng, vốn là 2 lĩnh vực có lợi suất cao hơn các khoản vay thông thường, đang khó khăn.
Nỗi lo chất lượng tài sản
Cập nhật báo cáo quý I/2023, các ngân hàng đều báo lãi cao so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, cùng với đó, nợ xấu cũng gia tăng. Cụ thể, tại Vietcombank (HoSE: VCB), nợ xấu của tính đến ngày 31/3/2023 tăng hơn 27% so với hồi cuối năm 2022, lên 9.942 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay tăng từ 0,68% hồi đầu năm lên 0,85%. Tại BIDV (HoSE: BID) số nợ xấu cũng tăng hơn 40% so với cuối năm 2022, lên 24.728 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay của ngân hàng tăng từ 1,19% lên 1,59%. Tại VietinBank (HoSE: CTG) nợ xấu tăng 7,8% so với cuối năm vừa qua, vượt 17.000 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu theo đó tăng từ 1,24% lên gần 1,28%.
Tại ACB, tính đến 31/3, số dư tín dụng giảm 0,6%, đạt 411.289 tỷ đồng; số dư nợ xấu tăng 31,5% lên 4.000 tỷ đồng, đưa tỷ lệ nợ xấu tăng từ 0,74% cuối năm 2022 lên 0,97% vào cuối quý I/2023. Trong khi đó, tại TPB, nợ xấu nội bảng 3 tháng đầu năm tăng đến 84%, lên mức 2.497 tỷ đồng. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) tăng hơn 3,1 lần lên mức 1.199 tỷ đồng; nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) tăng gấp rưỡi lên 764 tỷ đồng; nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tăng nhẹ 5,5% lên hơn 533 tỷ đồng.
Tại MBB, số dư nợ xấu tăng 68% so với năm 2022 lên gần 8.453 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ nợ xấu tăng lên gần 1,76% so với mức chỉ hơn 1% của cuối năm vừa qua. Trong quý I/2023, Eximbank (HoSE: EIB) đối mặt với chất lượng tín dụng đã suy giảm. Tính đến 31/3, ngân hàng cho vay khách hàng giảm 0,3%, xuống còn 130.074 tỷ đồng; dự phòng rủi ro cho vay khách hàng tăng 7%. Số dư nợ xấu của ngân hàng tăng gần 30% so với đầu năm, lên 3.047 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu của EIB tăng từ 1,8% lên 2,3%.
Tại Ngân hàng TMCP Phương Đông (HoSE: OCB), số dư nợ xấu tăng gần 50% so với cuối năm 2022, lên trên 4.000 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu tăng từ 2,2% lên 3,3%. Còn tại VPB, nợ xấu của trong quý I/2023 cũng tăng lên 2,6%.
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ nợ xấu nội bảng toàn ngành đã tăng lên mức 2,9% cuối quý I/2023 (so với 2% cuối 2022). Đa số các ngân hàng đều ghi nhận tỷ lệ NPL tăng và LLR giảm so với quý trước. Ngân hàng Nhà nước xác định tổng nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng đến cuối tháng 2/2023 ước chiếm tỷ lệ 5% so với tổng dư nợ. Trong đó, nợ xấu liên quan đến bất động sản chiếm xấp xỉ 20% tổng quy mô nợ xấu trên bảng cân đối kế toán của các tổ chức tín dụng. Do đó, sự suy yếu của thị trường bất động sản sẽ gây áp lực lên chất lượng tài sản của ngân hàng trong năm 2023.
Theo giới phân tích, năm 2023, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn trong chu kỳ bất động sản đi xuống cùng với triển vọng kém tích cực của xuất nhập khẩu. Khả năng chống chịu của từng ngân hàng sẽ tùy thuộc vào chất lượng tài sản và mức độ thận trọng của ngân hàng trong những năm qua.
Theo SSI, các ngân hàng sẽ phải đối mặt với bài toán chất lượng tài sản trong thời gian tới, trong đó áp lực nợ xấu tăng và tăng trích lập dự phòng sẽ tương đối lớn, nhất là tại các ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu thấp. Các ngân hàng có chất lượng tín dụng tốt, lợi nhuận cao thường có nhiều dư địa để trích lập dự phòng, giữ tỷ lệ bao phủ nợ xấu ở mức cao. Còn lợi nhuận của các ngân hàng có mức điểm xếp hạng tín nhiệm sơ bộ thấp sẽ bị ăn mòn gần hết bởi các chi phí dự phòng.