Giảm tỷ lệ cấp tín dụng cho khách hàng lớn để giảm thiểu rủi ro

Việc một số ngân hàng lớn đang tập trung tín dụng hay trái phiếu vào một vài tập đoàn lớn là một thực trạng đáng lo ngại với nền kinh tế. Vì vậy, Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) điều chỉnh giảm dần tỷ lệ giới hạn cấp tín dụng cho nhóm khách hàng này nhằm giảm rủi ro.

Kể từ khi thị trường trái phiếu “lao dốc”, bất động sản trầm lắng, một lượng lớn tín dụng có nguy cơ trở thành nợ xấu đang lớn dần. Nguyên nhân do nhiều nhà băng có xu thế tập trung tín dụng vào một số tập đoàn tư nhân, thậm chí là các sân sau của ngân hàng mà phần lớn dính đến thị trường bất động sản.

Cảnh báo rủi ro tiềm ẩn từ tín dụng đối với khách hàng lớn

Những năm gần đâu, hệ thống ngân hàng Việt Nam được các tổ chức quốc tế xếp hạng vị trí ngày càng cao, tăng trưởng vốn và tài sản mạnh mẽ, tỉ lệ nợ xấu được kiểm soát và hệ số an toàn rủi ro cải thiện đáng kể.

-6013-1685960731.jpg

Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) quy định, giảm dần tỷ lệ giới hạn cấp tín dụng từ mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng và người có liên quan tương ứng không được vượt quá 15% và 25% xuống còn 10% và 15% vốn tự có.

Theo số liệu thống kê từ báo cáo tài chính của 27 ngân hàng, chiếm quy mô khoảng 67% tài sản của toàn hệ thống, đến cuối năm 2022, tổng tài sản của các ngân hàng tăng 17% đạt hơn 12,7 triệu tỷ đồng. Trong đó có 17 ngân hàng ghi nhận quy mô tài sản tăng trên 10%. Vốn tự có tăng đồng nghĩa với giới hạn cấp tín dụng tuyệt đối cho một khách hàng hoặc khách hàng và người có liên quan cũng tăng rất nhiều.

Tuy nhiên, điều này cũng có thể khiến cho ngân hàng gặp phải khó khăn trong quá trình tăng trưởng về dư nợ cũng như ảnh hưởng đến chất lượng tài sản nếu như có xảy ra sự gián đoạn trong hoạt động của các khách hàng lớn. Dù NHNN đã đưa ra các quy định để giám sát dòng vốn từ ngân hàng chảy vào các quan hệ sở hữu nhưng vẫn cần đề phòng các hành vi "lách luật".

Các chuyên gia nhận định, việc dồn quá nhiều vốn cho một số doanh nghiệp lớn (doanh nghiệp có tổng mức cấp tín dụng từ 500 tỷ đồng trở lên) có thể khiến ngân hàng khó khăn trong thanh khoản, nếu doanh nghiệp này gặp sự cố. Minh chứng cho lo ngại này là tại đại hội cổ đông thường niên năm 2023 vừa qua, hàng loạt cổ đông của nhiều ngân hàng đã chất vấn lãnh đạo liên quan đến các khoản nợ cho doanh nghiệp lớn vay.

Điển hình, tại đại hội cổ đông thường niên năm 2023 của MB mới đây, các cổ đông yêu cầu HĐQT ngân hàng chỉ rõ quy mô cho vay và trái phiếu của Novaland, Hưng Thịnh, Trung Nam là bao nhiêu trong bối cảnh các nhà phát hành này đang có vấn đề về năng lực trả nợ.

Đại diện MB cho biết, với Hưng Thịnh, MB không cho vay dự án không sở hữu trái phiếu, có dư nợ về lĩnh vực xây lắp nhưng không nhiều; Về phía Trung Nam, dư nợ của doanh nghiệp này đang được trả nợ đầy đủ. Do đó, sẽ không có nợ xấu trong thời gian tiếp theo.

Riêng với Novaland, tổng quy mô cho vay và đầu tư trái phiếu của MB cho doanh nghiệp này không đến con số 10.000 tỷ đồng.

Đồng thời, vị này khẳng định, riêng với Novaland là đối tác bất động sản lớn của ngân hàng. Hiện tại, MB có cho vay và phát hành trái phiếu cho Novaland. Tuy nhiên, MB quản lý đánh giá dự án cụ thể, tính đến hiện tại số dư trái phiếu doanh nghiệp của Novaland đã giảm khá lớn, không còn nhiều như số đầu năm. Mặc dù vậy, MB vẫn là một trong 4 chủ nợ lớn nhất của Novaland. "Chúng tôi đang phối hợp để thu nợ đủ thời gian sắp tới", lãnh đạo MB thông tin.

Giảm dần tỷ lệ giới hạn cấp tín dụng

Ngày 5/6, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng đã trình bày tờ trình về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), trong đó có nội dung về quy định về giới hạn cấp tín dụng hướng tới mục tiêu giảm rủi ro tập trung tín dụng tại các TCTD và đồng thời đảm bảo tăng cường tiếp cận tín dụng cho khách hàng, hạn chế việc chỉ tập trung vốn tín dụng cho các khách hàng, nhóm khách hàng lớn.

Cụ thể, giảm dần tỷ lệ giới hạn cấp tín dụng từ mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng và người có liên quan tương ứng từ không được vượt quá 15% và 25% xuống còn 10% và 15% vốn tự có của tại các TCTD và giảm từ 25% và 50% xuống còn 15% và 25% đối với TCTD phi ngân hàng.

“Việc giảm giới hạn cấp tín dụng thời điểm này được Chính phủ nhận định là không hạn chế nguồn vốn tín dụng cấp cho sản xuất kinh doanh mà ngược lại, giúp cho nhiều khách hàng khác có thể tiếp cận được thêm nguồn vốn tín dụng của ngân hàng”, báo cáo nhận định.

Tuy nhiên, quy định này đang gây nhiều lo ngại khi có thể ảnh hưởng lớn đến tiếp cận vốn của doanh nghiệp, chi phí vốn tăng cao.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng đề nghị cân nhắc kỹ lưỡng việc sửa đổi các giới hạn này. Theo lý giải của cơ quan này, việc giảm tổng mức dư nợ cấp tín dụng sẽ tác động ngay đến nguồn vốn cung ứng cho nền kinh tế, ảnh hưởng lớn đến việc tiếp cận nguồn vốn của doanh nghiệp, chi phí vốn tăng cao, nhất là trong bối cảnh thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp chưa thực sự là kênh huy động vốn ổn định cho nền kinh tế và còn nhiều rủi ro. Hơn nữa, việc này còn có thể tác động tiêu cực đến thu hút FDI của Việt Nam.

Theo các Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam, trường hợp quy định này được áp dụng, các doanh nghiệp FDI đang vay nợ ở Việt Nam ở mức gần với giới hạn tối đa 15% và 25% theo Luật hiện hành sẽ phải tìm kiếm các nguồn vốn mới. Việc giảm khả năng vay trong nước của khối FDI đối với các ngân hàng này sẽ tốn nhiều chi phí hơn và khiến dòng vốn có thể sẽ phải huy động từ nước ngoài, do vậy kém hấp dẫn hơn trong thu hút FDI.

Ngoài ra, định nghĩa về người có liên quan của Luật Các TCTD dự kiến sửa đổi theo hướng rộng hơn, đồng nghĩa với cách tính tổng mức dư nợ tín dụng cho “một khách hàng và người có liên quan” sẽ rộng hơn, dẫn đến tổng dư nợ cấp tín dụng cho nhóm khách hàng sẽ nhỏ hơn trước. Hơn nữa, việc mở rộng định nghĩa về người có liên quan đồng thời với việc thu hẹp tổng mức tín dụng được cấp cho một khách hàng và người có liên quan sẽ gây tác động bất lợi kép cho cả khách hàng và ngân hàng.

Cũng theo Ủy ban Kinh tế, thông lệ quốc tế đều quy định ở mức tỷ lệ cao hơn so với quy định tại dự thảo Luật. Việc giảm tổng mức dư nợ cấp tín dụng thấp hơn so với một số nước láng giềng cũng có thể khiến môi trường đầu tư ở Việt Nam kém cạnh tranh hơn so với các nước trong khu vực.

Tuy vậy, giải pháp căn cơ để gỡ khó cho dòng vốn hiện nay, theo các chuyên gia là phải thúc đẩy đầu tư công và mở van cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Trong khi việc đẩy mạnh đầu tư công đang vướng nhiều luật và không thể đẩy nhanh một sớm một chiều. Do đó, phải có giải pháp cấp bách hơn nữa để lấy lại niềm tin của nhà đầu tư.

Huyền Anh

Lượt xem: 7
Tác giả: Cảnh báo rủi ro tiềm ẩn từ tín dụng đối với khách hàng lớn
Tin liên quan