Bộ Tài chính đề xuất không đánh thuế thu nhập cá nhân đối với lãi tiền gửi tiết kiệm ngân hàng
Tại Hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật thuế thu nhập cá nhân (thay thế) đã gửi xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương và người dân, Bộ Tài chính đề nghị tiếp tục giữ nguyên quy định về miễn thuế thu nhập cá nhân đối với lãi tiền gửi tiết kiệm như quy định hiện hành.
Gửi tiền tiết kiệm qua ngân hàng - là kênh huy động vốn quan trọng cho nền kinh tế.
Tiết kiệm qua ngân hàng - là kênh huy động vốn quan trọng cho nền kinh tế
Theo Cổng thông tin Bộ Tài chính, ngày 22/11/2024, Bộ Tài chính đã có công văn số 12738/BTC-CST lấy ý kiến rộng rãi tổ chức, cá nhân có liên quan về việc xây dựng dự án Luật thuế thu nhập cá nhân (thay thế) trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ và Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính. Sau đó, Bộ Tài chính đã tổng hợp, giải trình đầy đủ các ý kiến tham gia.
Ngày 22/1/2025, Bộ Tài chính đã có công văn số 930/BTC-CST gửi xin ý kiến thẩm định Bộ Tư pháp. Ngày 12/2/2025, Bộ Tư pháp đã tổ chức họp thẩm định đề nghị xây dựng Luật thuế thu nhập cá nhân (thay thế). Sau khi có ý kiến thẩm định bằng văn bản của Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính sẽ hoàn thiện Hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật thuế thu nhập cá nhân (thay thế) để trình Chính phủ xem xét quyết định trước khi trình Quốc hội cho ý kiến vào Kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025), thông qua tại Kỳ họp thứ 11 (tháng 5/2026).
Hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật thuế thu nhập cá nhân (thay thế) dự kiến sẽ báo cáo Chính phủ để báo cáo Quốc hội đề xuất sửa đổi tổng thể các quy định liên quan đến chính sách thuế thu nhập cá nhân hiện hành với 7 nhóm chính sách, nhiều nội dung sau khi được cấp có thẩm quyền thông qua sẽ góp phần giảm nghĩa vụ thuế cho người nộp thuế, đảm bảo phù hợp với định hướng cải cách hệ thống chính sách thuế nói chung, thuế thu nhập cá nhân nói riêng được xác định trong các Văn kiện, Nghị quyết của Đảng và Nhà nước.
Cụ thể như: điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh đối với người nộp thuế phù hợp với sự thay đổi về mức sống, chỉ số giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô trong giai đoạn vừa qua và dự báo cho giai đoạn tới đây; sửa đổi, bổ sung về các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo được giảm trừ cũng như các khoản giảm trừ đặc thù khác khi xác định thu nhập tính thuế để thể chế hóa các chủ trương của Đảng và Nhà nước trong việc thúc đẩy sự phát triển các lĩnh vực như y tế, giáo dục; điều chỉnh các mức thuế suất cũng như khoảng cách thu nhập trong các bậc thuế của Biểu thuế lũy tiến từng phần; bổ sung các quy định về miễn, giảm thuế nhằm thực hiện chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước đối với một số lĩnh vực ưu tiên, về thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho phát triển kinh tế - xã hội…
Đối với lãi tiền gửi tiết kiệm, Luật thuế thu nhập cá nhân hiện hành quy định miễn thuế đối với thu nhập từ lãi tiền gửi tại tổ chức tín dụng, lãi từ hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, lãi trái phiếu Chính phủ, tiền lương hưu,...
Tại Hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật thuế thu nhập cá nhân (thay thế) đã gửi xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương và người dân, Bộ Tài chính đã đề nghị tiếp tục giữ nguyên quy định về miễn thuế thuế thu nhập cá nhân đối với lãi tiền gửi tiết kiệm như quy định hiện hành.
Quy định về miễn thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ lãi tiền gửi tại các tổ chức tín dụng nhằm khuyến khích cá nhân không có nhu cầu đầu tư trực tiếp vào sản xuất, kinh doanh gửi tiền tiết kiệm qua ngân hàng - là kênh huy động vốn quan trọng cho nền kinh tế, đây cũng là chính sách phúc lợi đối với các đối tượng không có khả năng lao động (người về hưu, người tàn tật...) có nguồn tiền nhàn rỗi gửi vào ngân hàng để nhận lãi.
Đã nộp thuế thu nhập cá nhân, sao còn đề xuất tính thuế tiền lãi tiết kiệm?
Một trong những vấn đề được dư luận quan tâm và tranh luận những ngày gần đây là đề xuất của UBND TP. Cần Thơ về việc đề nghị đơn vị soạn thảo Luật thuế thu nhập cá nhân (thay thế) nghiên cứu mở rộng tính thuế đối với lãi tiền tiết kiệm và chỉ miễn thuế với các khoản gửi quy mô nhỏ. Lý do UBND TP. Cần Thơ đưa ra đề xuất này là nhằm mở rộng cơ sở thuế, đảm bảo nguồn thu ngân sách.
Về vấn đề này, ở góc độ là người có tiền gửi tiết kiệm ngân hàng, anh Minh Thanh (Nam Từ Liêm, Hà Nội) bày tỏ lo lắng: "Tôi đang không hiểu "quy mô nhỏ" mà UBND TP. Cần Thơ đề xuất sẽ là bao nhiêu. Như tôi mới được hưởng một khoản thừa kế của bố mẹ, hiện tôi chưa có nhu cầu kinh doanh nên đang gửi ngân hàng tiết kiệm vì an toàn thì liệu có bị đánh thuế không?”.
Chị Ngọc Anh (Đống Đa, Hà Nội) thì chia sẻ: "Gia đình tôi kinh doanh hộ gia đình, đã đóng 3 loại thuế là thuế môn bài, thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân đầy đủ. Sau khi đã chịu thuế, gia đình tôi vẫn phải đầu tư vào kinh doanh hộ gia đình, chỉ để được chút ít để gửi tiết kiệm phòng khi tuổi già, phòng lúc ốm đau, bệnh tật. Nếu đánh thuế lãi tiền gửi nữa là chúng tôi nộp thuế đến 4 lần, như vậy là không hợp lý với người lao động như chúng tôi".
Trên các trang mạng xã hội những ngày gần đây, rất nhiều những bình luận bày tỏ băn khoăn về đề xuất này. Rất nhiều tài khoản lo ngại nếu đề xuất này được áp dụng sẽ dẫn đến tình trạng ngân hàng khó huy động vốn nhàn rỗi trong dân, tiền sẽ chảy vào vàng, ngoại tệ dẫn đến nhiều hệ lụy cho nền kinh tế.
Tài khoản Gia Nguyễn bình luận: "Nếu thu thuế trên tiền lãi sẽ kéo theo hệ lụy ngân hàng không hút được vốn vì tiền sẽ chạy vào vàng. Cùng với đó, lãi suất của ngân hàng phải tăng lên cao để hút dòng tiền, gây sức ép lên doanh nghiệp...".
Trên trang cá nhân của mình, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho rằng, chính sách thu thuế trên khoản lãi tiền gửi ở thời điểm hiện tại là chưa hợp lý bởi tiền gửi vào ngân hàng không phải là mức độ sinh lời để xem là một khoản thu nhập thu thuế. Gửi tiền ngân hàng mang tính chất bảo vệ sự mất giá của đồng tiền, chống lại lạm phát hơn là đầu tư. Mặt khác, việc người dân gửi tiền sẽ là kênh để ngân hàng có nguồn tiền lãi suất thấp để cho vay, từ đó, mới bơm vốn ra các hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư khác.