Vinhomes lãi kỷ lục 39.000 tỷ, người mua trả tiền trước chỉ còn 8.900 tỷ

Vinhomes (HoSE: VHM) có lãi sau thuế quý IV/2021 đạt gần 12.000 tỷ đồng, đưa tổng lãi sau thuế cả năm vượt ngưỡng 39.000 tỷ đồng, cao nhất kể từ khi niêm yết tới nay.

Kinh doanh tươi sáng

Báo cáo hợp nhất quý IV/2021 của VHM cho thấy trong quý này, doanh thu thuần đạt 23.413 tỷ đồng, tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước. Nhờ giá vốn thấp, lợi nhuận gộp đạt tới 14.098 tỷ đồng, tăng 89%.

Trong quý, doanh thu tài chính của VHM giảm 62% so với cùng kỳ, chỉ đạt 3.731 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu là giảm lãi từ chuyển nhượng khoản đầu tư vào các công ty con đang sở hữu một phần các dự án bất động sản.

Về chi phí, ngoại trừ chi phí tài chính giảm 28% (đạt 1.087 tỷ đồng), các chi phí còn lại đều tăng: chi phí bán hàng tăng 34% (đạt 1.014 tỷ đồng), chi phí quản lý tăng gấp 3 lần (đạt 1.938 tỷ đồng).

Kết quả là VHM có lãi trước thuế quý IV/2021 đạt 14.126 tỷ đồng, gần như đi ngang so với cùng kỳ năm trước (giảm 1,3%). Tuy nhiên, lãi sau thuế lại tăng 9%, đạt 11.986 tỷ đồng (riêng lãi sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ là 11.932 tỷ đồng).

Lũy kế cả năm 2021, doanh thu thuần của VHM đạt 85.094 tỷ đồng, tăng 19% so với năm trước. Lợi nhuận gộp đạt 48.407 tỷ đồng, tăng tới 86%.

Nhờ vậy, VHM có lãi trước thuế đạt 48.468 tỷ đồng, tăng 33%; lãi sau thuế đạt 39.231 tỷ đồng, tăng 39%; riêng lãi sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ là 39.016 tỷ đồng, tăng 42% so với năm trước đó. EPS đạt 9.060 đồng.

Người mua trả tiền trước sụt giảm mạnh, dòng tiền thuần âm gần 9.000 tỷ

Về tài sản, tại ngày kết thúc năm 2021, tổng tài sản của VHM là 230.417 tỷ đồng, tăng 6,7% so với đầu kỳ. Trong đó, tài sản ngắn hạn là 91.216 tỷ đồng, tài sản dài hạn 139.201 tỷ đồng

Cơ cấu tài sản có điểm đáng chú ý là sự sụt giảm của hàng tồn kho, giảm 33% so với cùng kỳ, còn 28.542 tỷ đồng. Trong khi đó, các khoản phải thu ngắn hạn tăng 9% lên 37.929 tỷ đồng, các khoản phải thu dài hạn tăng 35% lên 14.955 tỷ đồng. Nhìn chung, tỷ trọng của hàng tồn kho và các khoản phải thu trong tổng tài sản ở mức thấp, cho thấy chất lượng tài sản khá tốt.

Nợ phải trả của VHM tại ngày 31/12/2021 là 98.718 tỷ đồng, giảm 22% so với đầu kỳ, chủ yếu do giảm nợ ngắn hạn (đạt 75.081 tỷ đồng).

Điểm nổi bật của cơ cấu nợ phải trả là sự sụt giảm của khoản người mua trả tiền trước ngắn hạn, giảm tới 67% so với đầu kỳ, chỉ còn 8.916 tỷ đồng.

Nợ vay ngắn hạn cũng giảm rất mạnh, giảm 98%, chỉ còn 251 tỷ đồng; trong khi đó nợ vay dài hạn tăng 41% lên 19.668 tỷ đồng.

Do vốn chủ sở hữu của VHM rất dày dặn, đạt 131.699 tỷ đồng, tăng 47%, nên các khoản nợ phải trả nói chung, nợ vay nói riêng, không gây ra bất cứ sự lo ngại nào.

Về dòng tiền, năm 2021, dòng tiền kinh doanh của VHM dương 13.278 tỷ đồng, kém hơn năm trước đó do tăng các khoản phải thu và giảm các khoản phải trả.

Dòng tiền đầu tư âm hơn 18.000 tỷ đồng, chủ yếu do công ty tăng cường chi tiêu mua sắm tài sản, tăng cho vay, mua công cụ nợ của đơn vị khác và tăng chi góp vốn vào đơn vị khác.

Dòng tiền tài chính cho thấy diễn biến ngược với năm trước khi công ty giảm tiền thu từ đi vay và tăng trả nợ gốc vay, nhờ vào hơn 6.500 tỷ đồng thu từ phát hành cổ phiếu và dòng tiền kinh doanh dương.

Dù vậy, tính chung cả năm, lưu chuyển tiền thuần vẫn âm 8.890 tỷ đồng. Điều này khiến lượng tiền và tương đương tiền của VHM sụt giảm rất mạnh, xuống chỉ còn 4.823 tỷ đồng, tương đương giảm 65% so với đầu kỳ.

Lượt xem: 244
Tác giả: Ái Châu Tử
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật