Nông dân, doanh nghiệp cùng khổ trước biến động giá 'đầu ra và đầu vào'
Giá tôm nguyên liệu sụt giảm đang gây nhiều áp lực cho người nuôi tôm lẫn doanh nghiệp (DN) trong khi tất cả họ ngóng chờ sự chia sẻ về giá từ mảng thức ăn, con giống, chế phẩm đầu vào cho nuôi tôm… Liên hệ thêm đến mảng sản xuất thịt và phân bón cũng sẽ thấy việc biến động giá đầu ra, đầu vào đều làm cho DN và nông dân cùng khổ.
Ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ, khó khăn dễ nhận thấy nhất thuộc về người nuôi tôm khi giá tôm cứ giảm dần trong hơn 1 tháng trở lại đây. Chưa hết khó vì giá tôm giảm, giá vật tư đầu vào tăng, vụ tôm năm nay với nhiều nông dân được cho là tiếp tục gặp khó do giá thành nuôi cao.
Giá tôm nguyên liệu giảm gây nhiều áp lực
Theo nhận định mới đây từ chuyên gia phân tích của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (Vasep), giá tôm nguyên liệu tại Việt Nam từ khoảng giữa tháng 4/2023 ghi nhận giảm, gây nhiều áp lực cho người nuôi lẫn DN. Giá tôm nguyên liệu tại một số nước sản xuất tôm chính như Thái Lan, Ecuador, Ấn Độ cũng có xu hướng tương tự.
Những biến động về giá đầu ra, đầu vào đang gây nhiều áp lực cho người chăn nuôi và các nhà sản xuất thịt. |
Như nhận định của chuyên gia Vasep, tồn kho cao, nguồn cung tôm nguyên liệu tăng từ Ấn Độ, Ecuador trong khi tiêu thụ chậm là một trong những nguyên nhân khiến giá tôm nguyên liệu và giá xuất khẩu (XK) trên thế giới giảm. Tình hình này không chỉ gây ra khó khăn cho các nhà sản xuất tôm mà cả nhà nhập khẩu, phân phối trên thế giới.
Chuyên gia phân tích của Vasep cho rằng, DN và bà con nuôi tôm cần có sự chia sẻ về giá cả từ mảng thức ăn, con giống, chế phẩm đầu vào cho nuôi tôm. Bên cạnh đó, nhiều DN và bà con trong ngành nuôi tôm vẫn đang rất chờ đợi sự tiếp sức từ gói tín dụng 10.000 tỷ đồng mà Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu trong tháng 5/2023.
Nếu có được gói vay với lãi suất thấp, sẽ có tác dụng kích cầu để DN thu mua tôm nguyên liệu cho bà con nông dân. Từ đó, giúp DN chuẩn bị trước để đón đầu thị trường phục hồi trong thời gian tới.
Thực ra, không chỉ với ngành tôm, XK thủy sản nói chung hồi phục như thế nào trong thời gian tới còn phụ thuộc vào nhu cầu thị trường và sự ổn định sản xuất của ngành này ở trong nước. Trong khi đó, diễn biến XK sản phẩm cá khô của Việt Nam đã cho thấy, rõ ràng là trong môi trường lạm phát, người tiêu dùng đã thay đổi thói quen, khi mà giá cả chi phối hành vi mua bán của họ.
Như lưu ý của chuyên gia Vasep, các nhà cung cấp thủy sản bây giờ ngoài áp lực phải điều chỉnh giá sao cho hấp dẫn, còn phải quan tâm đến gia tăng dịch vụ cho sản phẩm để kích thích nhu cầu.
Hoặc như với mảng sản xuất thịt. Theo nhận định mới đây từ Bộ phận phân tích thuộc Công ty chứng khoán VnDirect, giá lợn hơi tăng 10,9% so với tháng trước trong tháng 5/2023, chạm mức cao nhất kể từ đầu năm.
Tuy nhiên, dù giá lợn tăng nhưng nhiều chủ trang trại cho biết họ vẫn chưa có lời hoặc chỉ hòa vốn khi mà chi phí thức ăn chăn nuôi vẫn còn ở mức cao. Riêng với các công ty 3F (chuỗi cung ứng thực phẩm khép kín từ trang trại đến bàn ăn) vẫn phải đối mặt với nhiều trở ngại do giá thức ăn chăn nuôi neo ở mức cao và nhu cầu tiêu thụ trong nước yếu.
Không những vậy, với các DN kinh doanh, chế biến sản phẩm từ thịt, việc giá lợn hơi tăng cao sẽ là điều không vui bởi điều này đồng nghĩa chi phí đầu vào tăng cao hơn. Chưa kể, sức mua trên thị trường giảm trong khi giá lợn hơi dù đi xuống nhưng vẫn cao hơn cùng kỳ năm ngoái. Hai yếu tố này đã khiến cả doanh thu và lợi nhuận của DN bị ảnh hưởng.
Hoặc như ở lĩnh vực phân bón. Qua trao đổi với VnBusiness, nhiều nông dân cho biết tuy giá phân bón đã giảm so với năm trước nhưng giá bán ở các đại lý vẫn còn neo giữ ở mức cao.
Còn một số đại lý cho biết giá phân bón năm nay có giảm, nhưng thời gian tới có lên nữa hay không thì chưa biết, còn phụ thuộc nhà máy nhập nguyên liệu đầu vào ảnh hưởng rất lớn đến giá thành sản xuất phân bón.
Tác động tiêu cực từ diễn biến khó lường
Theo đánh giá mới nhất vào cuối tháng 5/2023 từ Bộ phận phân tích thuộc Công ty chứng khoán VCBS, phân bón không được khấu trừ, hoàn thuế Giá trị gia tăng (GTGT) của hàng hóa, dịch vụ mua vào, toàn bộ chi phí này phải tính vào chi phí sản xuất, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của nông dân khiến người nông dân vẫn phải mua phân bón nội địa với giá cao.
Trong khi đó, giá phân bón trên thị trường thế giới liên tục giảm khiến việc XK không còn thuận lợi như trước nên áp lực tiêu thụ trong nước lại càng cao, cạnh tranh khốc liệt trong thời điểm thấp vụ, nguồn cung vượt xa cầu.
Điều đáng nói, sức mua thị trường nội địa và thế giới đều chịu tác động tiêu cực từ diễn biến khó lường của giá nguyên liệu đầu vào, giá nông sản bấp bênh, sự đứt gãy chuỗi cung ứng.
Riêng về vấn đề hoàn thuế GTGT với mảng phân bón, trong luật sửa đổi, bổ sung một số điều các luật về thuế (luật số 71/2014/QH13 ngày 26/11/2014 của Quốc hội) quy định, phân bón là mặt hàng thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT kể từ ngày 1/1/2015.
Do đó, DN sản xuất phân bón không được khấu trừ, hoàn thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ mua vào, toàn bộ chi phí này phải tính vào chi phí sản xuất, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của nông dân khiến người nông dân vẫn phải mua phân bón nội địa với giá cao. Do đó người nông dân có xu hướng chuyển qua dùng phân bón nhập khẩu do giá cả cạnh tranh hơn.
Thời gian qua Bộ Công Thương đã đề nghị Chính phủ, Quốc hội sớm xem xét, sửa đổi Luật Thuế 71/2014/QH13 ngày 26/11/2014, bổ sung một số điều luật về thuế theo hướng đưa phân bón là mặt hàng chịu thuế GTGT ở mức 0 - 5% để giảm khó khăn cho các DN sản xuất phân bón trong nước, đồng thời gia tăng tính cạnh tranh cho phân bón trong nước so với phân bón nhập khẩu. Thế nhưng đề nghị này vẫn còn phải chờ xem xét.
Riêng với mảng phân Urê, giới phân tích lựu ý giá khí nguyên liệu biến động mạnh làm gia tăng chi phí sản xuất phân bón, kéo theo giá thành bị đội lên trong bối cảnh giá nông sản không tăng tương ứng, tiêu thụ khó khăn sẽ khiến nông dân cắt giảm đầu tư cho sản xuất, từ đó khiến sức mua giảm, tồn kho tăng cao.
Mặt khác, nhu cầu tiêu thụ nội địa gặp nhiều khó khăn, lượng tiêu thụ nội địa thấp hơn nhiều so với cùng kỳ các năm trước sẽ khiến các DN sản xuất phân Urê sẽ phải thu hẹp hoặc thậm chí ngưng sản xuất.
Trước biến động về giá đầu ra, đầu vào như nêu trên không chỉ nông dân mà cả DN đều cùng khổ. Trong chuyện này, ngoài chuyện linh động của nông dân và DN để giảm thiểu các chi phí thì rất cần động thái từ khâu hoạch định chính sách để vừa nhằm khơi thông đầu ra nông sản vừa gỡ khó cho nông dân và DN.
Thế Vinh