Bị động dòng vốn làm doanh nghiệp Việt khó cạnh tranh

Các động thái kéo giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp (DN) trong nước tháo gỡ khó khăn chưa thể mang lại ngay tác động tích cực, vẫn cần chờ thêm thời gian. Còn hiện tại, các DN vẫn than phiền mặt bằng lãi suất quá cao nên khó giảm giá thành sản xuất, lại bị động dòng vốn giữa lúc tình hình tài chính kém sáng sủa nên càng khó nâng cao sức cạnh tranh.

Chia sẻ về vấn đề vốn vay, ông Trần Chí Tâm, Giám đốc kinh doanh CTCP Dầu thực vật Tân Bình (Nakydaco) ở Tp.HCM, cho biết hiện tại các ngân hàng thương mại vẫn đang siết room tín dụng nên khó khăn về dòng vốn không chỉ riêng phía Nakydaco mà các DN khác cũng đang gặp phải.

Vừa rủi ro trả nợ, vừa khó cạnh tranh

Theo ông Tâm, phía công ty đã phải có nhiều “kênh”, nhiều hướng giải pháp để có được nguồn vốn đủ nhằm phục vụ sản xuất kinh doanh và bình ổn được thị trường, bình ổn được sản xuất của công ty.

Trong khi đó, hồi đầu năm nay Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính phạt tiền 100 triệu đồng với Nakydaco vì không công bố thông tin theo quy định pháp luật.

-2118-1679652168.jpg

Khoảng 62% tổng nhu cầu vốn của DN nhỏ và vừa chưa được đáp ứng, gây khó cho việc nâng cao sức cạnh tranh.

Cần nhắc lại, báo cáo tài chính hợp nhất của DN này từ cách đây 2 năm cho thấy tổng nợ phải trả là hơn 685,8 tỷ đồng, tức là gấp 3 lần vốn chủ sở hữu (hơn 220 triệu đồng). 

Theo giới phân tích, việc DN có nợ phải trả cao hơn nhiều lần so với vốn chủ sở hữu tức là đi vay mượn nhiều hơn số vốn hiện có, có thể gặp rủi ro khi trả nợ. Về phía ngân hàng sẽ đánh giá kỹ càng tỷ tỉ lệ nợ và một số chỉ số tài chính khác để quyết định có nên cho DN vay vốn tiếp hay không.

Như vậy, dòng vốn để phục vụ sản xuất kinh doanh của DN có khối nợ lớn sẽ càng trở nên khó khăn, bị động. Nhất là đối với với các DN xuất khẩu một số thị trường khó tính đang đòi hỏi phải cải tiến về quy mô, cam kết môi trường và chất lượng sản phẩm nên cần đầu tư máy móc, công nghệ mới. Nhưng do bản thân tình hình tài chính của DN không sáng sủa, ngân hàng cân nhắc không cho vay nên DN sẽ khó đáp ứng yêu cầu này, dẫn tới nguy cơ khó duy trì vị trí trong chuỗi cung ứng.

Hoặc trường hợp cần thu mua, nhập khẩu nguyên liệu khi đến kỳ thu mua tập trung với thời gian gấp, lượng vốn cần lớn, tuy nhiên vì đã nợ trước đó khá nhiều, DN không thể tiếp cận được vốn vay nên sẽ càng khó cạnh tranh được với các đối thủ khác, nhất các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vốn có tiềm lực tài chính mạnh.

Bên cạnh đó, nói về bất lợi của DN, ông Nguyễn Khánh Toàn, Giám đốc Công ty điện Hoàng Ngân Phát (Bình Dương) lưu ý mặt bằng lãi suất hiện nay quá cao khiến DN khó giảm giá thành sản xuất, khó nâng cao năng lực cạnh tranh.

Chờ ngân hàng chủ động hơn

Ông Toàn cho rằng, để hỗ trợ DN tháo gỡ khó khăn, Ngân hàng Nhà nước mới đây đã có những nỗ lực nhất định. Tuy nhiên, các động thái kéo giảm lãi suất vẫn chưa mang lại ngay tác động tích cực. 

Giữa bối cảnh các DN sản xuất đang bị động về dòng vốn, bất lợi cạnh tranh thì theo dự báo mới đây từ Bộ phận phân tích của Công ty chứng khoán VnDirect, xuất khẩu của Việt Nam trong năm nay có thể tăng trưởng chỉ 5% so với năm rồi, thấp hơn mức trung bình 15% so với cùng kỳ của giai đoạn 2021-2022.

Chuyên gia phân tích của VnDirect nhận định, Ngân hàng Nhà nước đã giảm một số lãi suất điều hành chủ chốt từ giữa tháng 3/2023 nhằm hỗ trợ nền kinh tế. Cụ thể là Quyết định số 313/QD-NHNN giữ nguyên lãi suất tái cấp vốn, nhưng điều chỉnh lãi suất tái chiết khấu 1% về 3,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm của Ngân hàng Nhà nước đối với các tổ chức tín dụng cũng giảm về mức 6%. 

Cùng với đó là Quyết định số 314/QĐ-NHNN, quyết định giảm lãi suất 0,5% các khoản cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của tổ chức tín dụng với nhóm khách hàng thuộc lĩnh vực ưu tiên bao gồm: Nông nghiệp, xuất khẩu, kinh doanh ứng dụng công nghệ cao, DN vừa và nhỏ về mức 5%/năm. 

Tuy nhiên, vẫn cần chờ thêm thời gian để xem hiệu ứng của các quyết định nêu trên sẽ như thế nào. Nhất là các DN vẫn khó tiếp cận vốn ngân hàng vì phải có tài sản thế chấp, trong khi đó DN vừa và nhỏ hoạt động phải đi thuê nhà xưởng thì không thể có tài sản thế chấp, chỉ có hình thức tín chấp mới có thể giải quyết được nguồn vốn cho họ. Thế nhưng, để vay được tín chấp là một vấn đề nan giải.

Đối với dòng vốn vay của các DN vừa và nhỏ, theo đánh giá của IFC (thành viên Nhóm Ngân hàng Thế giới), tại Việt Nam, mặc dù DN vừa và nhỏ đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế, tạo ra 40% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và 50% việc làm, các DN này còn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận tài chính, với khoảng 62% tổng nhu cầu vốn của DN vừa và nhỏ chưa được đáp ứng.

Đó cũng lý do mà thời gian qua, tổ chức tài chính này có nhiều hoạt động để hỗ trợ vốn vay cho các DN nhỏ và vừa ở Việt Nam nhằm nâng cao sức cạnh tranh. Trong hạ tuần tháng 3 này, IFC thông qua thỏa thuận hợp tác cùng với một ngân hàng thương mại sẽ cung cấp một khoản vay trị giá 40 triệu USD (khoản đầu tiên của tổng gói vay dự kiến 120 triệu USD) nhằm hỗ trợ các DN trong nước nhiều hơn và thúc đẩy các DN tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ông Thomas Jacobs, Giám đốc Quốc gia IFC tại Việt Nam, Campuchia và Lào, nhấn mạnh điều quan trọng là các DN phải được hỗ trợ và có thể tiếp cận nguồn vốn cần thiết để phát triển và mở rộng hoạt động kinh doanh của mình. Quan trọng là cần giúp các DN đó được hưởng lợi từ nguồn vốn vay này cũng như liên kết với các chuỗi cung ứng toàn cầu, từ đó đóng góp vào tăng trưởng kinh tế.

Nói chung, ngoài sự quan tâm hỗ trợ của tổ chức tài chính quốc tế như nêu trên, điều mong mỏi của DN trong nước là các tổ chức tín dụng cần chủ động làm việc với từng DN để giúp họ chủ động được dòng tiền và cơ cấu vốn kịp thời.

Một khi cả ngân hàng và DN cùng nhau chủ động khơi thông dòng vốn thì DN sẽ có sức cạnh tranh tốt, hoạt động hiệu quả hơn, còn ngân hàng cũng có lợi hơn khi giảm nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng.

                                                                                 Thế Vinh

Lượt xem: 17
Tác giả: Vừa
Tin liên quan