Thấy gì từ những doanh nghiệp có EPS cao nhất?

Cho đến thời điểm này, nhiều DN đã công bố kết quả kinh doanh cho năm tài chính 2018. Bên cạnh một số gương mặt bất ngờ giảm mạnh lợi nhuận như ở ngành tôn, lọc hóa dầu… vẫn có khá nhiều DN kinh doanh hiệu quả, thể hiện rõ qua chỉ số thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS) đạt mức cao ngất ngưởng.

Điển hình là Khu công nghiệp Nam Tân Uyên ghi nhận lợi nhuận ròng lên đến 469,7 tỷ đồng – tăng gấp 3,3 lần so với năm trước. Kết quả này là nhờ nỗ lực thu hút các DN đầu tư nước ngoài đến mở bản doanh tại Bình Dương. EPS của Khu công nghiệp Nam Tân Uyên trong 2018 đạt mức kỷ lục gần 30.000 đồng. Chỉ tính trong năm qua, DN này cũng hào phóng khi chi trả cổ tức bằng tiền cho các cổ đông với tổng tỷ lệ 160%.

Là đầu mối chủ lực trong vận chuyển hành khách - hàng hóa từ TP.HCM đến các tỉnh Miền Tây, bến xe Miền Tây tiếp tục có một năm kinh doanh khá hiệu quả khi tính trong 9 tháng đầu năm, EPS của công ty đạt tổng giá trị 16.900 đồng, dự kiến sẽ đạt hơn 25.000 đồng khi kết quả quý IV được công bố.

Là DN đứng đầu ngành xây dựng, tuy gặp khó khăn so với 2018 khi không nhiều dự án mới được khởi công, nhưng nhờ khối lượng công việc các năm trước còn khá lớn nên Coteccons vẫn kịp hoàn thành được kế hoạch kinh doanh năm. Với lợi nhuận ròng 1.400 tỷ đồng, EPS của DN này tiếp tục duy trì ở mức đáng mơ ước 18.357 đồng.

Mặc dù sức ép cạnh tranh trên thị trường nội địa ngày càng khốc liệt khi đón nhận thêm một số hãng hàng không mới, đi kèm với chi phí xăng dầu đội lên trong 2018, nhưng nhờ chiến lược tiếp tục mở rộng các tuyến bay quốc tế, Vietjet ghi nhận lợi nhuận trước thuế  ở mức khá cao: 5.830 tỷ đồng, tương ứng với EPS đạt khoảng 10.000 đồng. Đối với một ngành chịu chi phí đầu tư cố định rất cao như hàng không, việc duy trì được EPS như trên là một nỗ lực cực lớn của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo và đội ngũ lãnh đạo công ty.

Thủy sản năm qua chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ, giúp lợi nhuận của Vĩnh Hoàn đạt mức khá cao. Trong 9 tháng đầu năm Vĩnh Hoàn ghi nhận lợi nhuận sau thuế 1.036 tỷ đồng (tăng 73,8% so với cùng kỳ năm trước) - mức lợi nhuận cao nhất từ trước tới nay. EPS trong 9 tháng đầu đã lên tới 11.200 đồng, đồng thời là DN có giá trị vốn hóa cao nhất trong ngành thủy sản.

Ở mảng dịch vụ tài chính, bên cạnh những thương hiệu vốn đã quen thuộc như SSI, Chứng khoán HSC hay Bản Việt, trong năm qua, thị trường bất chợt chứng kiến sự trỗi dậy của cái tên: Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS).

Là cái tên dẫn đầu thị trường kinh doanh trái phiếu với nhiều khách hàng là các tập đoàn lớn như Vingroup, Masan... TCBS đã ghi nhận doanh thu trong năm qua lên đến 1.872 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 1.532 tỷ đồng, tức lợi nhuận không kém cạnh gì mấy với ông lớn môi giới SSI. Kết quả đó giúp TCBS đạt EPS ở mức cao ngất ngưởng là 12.000 đồng và trở thành một trong những công ty cung cấp dịch vụ tài chính hoạt động hiệu quả nhất Việt Nam hiện nay.

Có thể thấy những DN ăn nên làm ra trong năm 2018 nằm trong xu thế phát triển của ngành như bất động sản khu công nghiệp, giao thông vận tải hay dịch vụ tài chính. Một số ngành có xu thế chững lại như xây dựng nhưng vẫn có một số gương mặt dẫn đầu biết cách mở rộng thị trường tiêu thụ, tiết giảm chi phí hay tăng cường sử dụng công cụ M&A để gia tăng lợi nhuận.

Trong 2019, bên cạnh rủi ro kinh tế toàn cầu chậm lại và cuộc chiến Mỹ - Trung có thể leo thang, Việt Nam vẫn được xem là điểm sáng ở Đông Nam Á nhờ nội lực tốt, đồng thời nhận được cú hích từ CPTPP. Theo Công ty Chứng khoán TP. HCM (HSC), nền kinh tế trong 2019 được kỳ vọng giữ được nhịp độ tăng trưởng khả quan. Trong đó một số ngành có tiềm năng cất cánh trong năm nay là: bán lẻ, điện, ngân hàng, thủy sản và công nghệ thông tin.

Lượt xem: 1.114
Tác giả: Sơn Nguyễn
Nguồn:thoibaonganhang.vn Sao chép liên kết
Tin liên quan