Doanh nghiệp thực phẩm Việt đón Tết

Thị trường hàng hóa Tết đang vào đỉnh điểm sôi động, nhất là đối với nhóm hàng thực phẩm chế biến, bánh kẹo, nước giải khát… Đây là lúc doanh nghiệp Việt làm chủ thị trường với hàng hóa đa dạng, có thương hiệu và chất lượng cao.

Điểm nổi bật của doanh nghiệp Việt ở thị trường Tết là sự hiện diện tại tất cả các kênh mua sắm, từ cửa hàng bán lẻ, cửa hàng tiện lợi, siêu thị đến chợ bình dân… Hàng hóa cũng rất đa dạng từ hàng tươi sống đến thực phẩm chế biến, đóng hộp, hàng đông lạnh, bánh kẹo nước giải khát…

Nếu những năm trước, người tiêu dùng Việt thường săn lùng thực phẩm ngoại để “ăn cho biết” và làm quà biếu độc lạ, sang trọng, thì năm nay đã có sự thay đổi, thể hiện rõ nhất trong những phần quà biếu Tết. Cụ thể, ở phân khúc bình dân (trị giá từ 250.000 đồng – 550.000 đồng/phần) thì 100% sản phẩm bánh kẹo, trà, cà phê là hàng Việt Nam. Nhóm trung cấp (dưới 1,5 triệu đồng/phần) thì có đến 60% là hàng Việt, còn lại hàng ngoại, chủ yếu là sô cô la và rượu. Hay ngay trong phần quà cao cấp cũng có gần 40% hàng Việt Nam gồm bánh kẹo, cà phê.

Theo chị Nguyễn Ngọc Thủy, tiểu thương ở chợ Tôn Thất Đạm (quận 1, TP. Hồ Chí Minh), chọn bán hàng Việt có một số lợi thế như có thể việc gối đầu vốn, hàng được giao tận nơi, sản phẩm không đạt chất lượng được đổi trả và bù lại tiền hoặc sản phẩm.

Đặc biệt, hàng của doanh nghiệp Việt hiện nay lại được người tiêu dùng ưa chuộng nhiều hơn trong các dịp lễ, tết để làm quà biếu, hay sử dụng trong gia đình, vì có thể đổi trả, rất ít hàng cận hạn sử dụng và luôn có khuyến mãi tặng thêm quanh năm.

Theo Bộ Công thương, trong những khảo sát mới nhất, có đến 92% người tiêu dùng Việt Nam khẳng định quan tâm đến hàng sản xuất trong nước, 63% người cho biết sẽ ưu tiên sử dụng hàng Việt… Đặc biệt, hàng Việt Nam hiện có hơn 9.000 điểm bán bình ổn thị trường. Tại các trung tâm thương mại, các siêu thị lớn, tỷ lệ hàng Việt luôn chiếm trên 70%.

Bà Nguyễn Huỳnh Trang - Phó giám đốc Sở Công thương TP. Hồ Chí Minh cho biết, ngành lương thực, thực phẩm TP. Hồ Chí Minh hiện có trên 5.500 cơ sở sản xuất, trong đó có gần 2.000 doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn thành phố. Các doanh nghiệp trong ngành đã có sự chuyển đổi chiến lược kinh doanh sản xuất theo hướng đầu tư phát triển thị trường trong nước.

Doanh thu bán lẻ các mặt hàng thực phẩm và đồ uống chiếm 17% tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa trên địa bàn và đạt mức tăng trưởng ngày càng cao trong năm 2018, ước cả năm tăng 13,7%. Và nhóm hàng này cũng đang chiếm tỷ lệ cao nhất trong cơ cấu chi tiêu hàng tháng của người tiêu dùng Việt (khoảng 35% mức chi tiêu).

Vì vậy, các doanh nghiệp đang đẩy mạnh đầu tư dây chuyền sản xuất, trang thiết bị hiện đại để nâng cao chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, thành phố đã đưa nhóm sản phẩm thực phẩm và đồ uống vào danh mục nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực của thành phố giai đoạn 2018 – 2020 và đang triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển.

Ghi nhận thị trường sản phẩm thực phẩm Tết Kỷ Hợi 2019, doanh nghiệp Việt không chỉ sản xuất nhóm sản phẩm phổ thông, mà còn đầu tư vào dòng sản phẩm cao cấp nên hàng Việt đã  có mặt nhiều hơn trong sự chọn lựa của người tiêu dùng.

Ông Phan Văn Thiện, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Bibica cho biết, Bibica đã đầu tư dây chuyền Hifat chuyên sản xuất kẹo của châu Âu đến 100 tỷ đồng. Đây là dây chuyền khép kín đạt chuẩn quốc tế, tự động hóa, tăng năng lực sản xuất nhóm kẹo của Bibica lên 40%. Doanh nghiệp không chỉ đầu tư thiết bị hiện đại, nâng cao chất lượng sản phẩm, mà còn tổ chức nhiều chương trình bán hàng hấp dẫn để đưa thương hiệu bánh kẹo Bibica đến mọi gia đình Việt.

Lượt xem: 1.302
Tác giả: THANH THANH
Nguồn:thoibaonganhang.vn Sao chép liên kết
Tin liên quan