Bamboo Airways và AirAsia liệu có vẽ lại bản đồ ngành hàng không Việt?
Sự tham gia của Bamboo Airways và AirAsia sẽ bổ sung một lượng công suất ghế nhất định cho thị trường. Tuy nhiên, liệu hai hãng hàng không này có tác động đáng kể lên thị phần của Vietnam Airlines và Vietjet?
Vietnam Airlines và Vietjet tăng mạnh công suất trong năm 2019
Theo báo cáo ngành hàng không vừa được Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam công bối, các hãng hàng không lớn của Việt Nam (Vietnam Airlines và Vietjet Air) đang chờ đợt giao lượng lớn máy bay tiếp theo vào năm 2019.
Cụ thể, sau khi các máy bay A321neo bị hoãn giao vào năm 2018 do một số trục trặc trong việc vận chuyển động cơ Whiney, Vietnam Airlines sẽ nhận được tổng cộng khoảng 20 máy bay vào năm 2019. Cũng trong năm này, một lượng máy bay tương tự cũng sẽ được giao cho Vietjet.
Nếu việc giao nhận máy bay được thực hiện theo kế hoạch, KIS ước tính rằng công suất ghế cung ứng của các hãng hàng không địa phương sẽ tăng tốc đáng kể, lên tới 21% so với năm 2018 và đạt 47.868 ghế vào năm 2019.
Theo KIS, thiết lập các tuyến bay khu vực/quốc tế mới, thực hiện các chuyến bay thuê (charter), các chương trình liên danh với các hãng hàng không khác cũng như tìm kiếm những thị trường tiềm năng là chiến lược hiện tại của cả Vietnam Airlines và Vietjet để triển khai hết máy bay mới trong đội tàu bay của họ.
Tuy nhiên, vì tốc độ tăng trưởng dự kiến của số lượng hành khách cho năm 2019 là khoảng 15%, KIS ước tính rằng hệ số tải của các hãng hàng không có thể sẽ giảm trong năm 2019 với việc gia tăng mạnh công suất đội tàu.
"Về mặt tích cực, tăng trưởng công suất ghế sẽ chậm lại vào năm 2020; với sự phát triển mạnh mẽ về nhu cầu di chuyển hàng không, công suất ghế tăng thêm sẽ có thể được hấp thụ, giúp các hãng hàng không duy trì hệ số tải tốt hơn từ 2020; kết hợp với tăng trưởng về lượt khách sẽ giúp các hãng hàng không dự kiến sẽ có được mức tăng trưởng tốt về doanh thu vào năm 2020", các chuyên gia của KIS nhận định.
Bamboo Airways và AirAsia liệu có vẽ lại bản đồ ngành hàng không Việt?
Bên cạnh những “ông lớn” Vietjet, Vietnam Airlines và các công ty con Jetstar, VASCO (SkyViet), thị trường hàng không Việt Nam sẽ có hai đối thủ cạnh tranh mới từ năm 2019. Thứ nhất là Bamboo Airways - một hãng bay được hỗ trợ bởi tập đoàn FLC, thành lập vào giữa năm 2017 với số vốn điều lệ là 700 tỷ đồng. Thứ hai là liên doanh của AirAsia (30% cổ phần) và Tập đoàn Thiên Minh (70%).
Theo ước tính của KIS, những hãng hàng không mới sẽ bổ sung một lượng công suất ghế nhất định cho thị trường. Tuy nhiên, KIS cho rằng thị phần hàng không nội địa năm 2019 có thể không thay đổi đáng kể.
Với trường hợp Bamboo Airways, KIS cho hay mục đích ban đầu của hãng này là tập trung vào các tuyến cấp 2, không có nhu cầu đi lại không cao và ổn định như những tuyến “vàng” (ví dụ Hà Nội, TP. HCM). Hơn nữa, hiện tại, cả Vietjet và hai công ty con của Vietnam Airlines - VASCO và Jetstar - đều đang khai thác các chuyến bay trên các tuyến này với một tần suất chuyến bay nhất định, đủ để phục vụ nhu cầu hiện tại.
Do đó, theo KIS, hãng hàng không mới với đội tàu nhỏ có thể gặp khó khăn khi cạnh tranh với các đối thủ hiện tại để giành được một thị phần đáng kể cũng như duy trì hệ số tải và khả năng sinh lợi. Mặt khác, Bamboo Airways tham gia thị trường có thể giúp nâng cao tiếng nói của các hãng hàng không giá rẻ (LCC) tại Việt Nam trong các vấn đề về chính sách giữa các hãng hàng không truyền thống (FSC) và LCC trong khi hiện tại chỉ có Vietjet.
Với Liên doanh của AirAsia, KIS cho rằng tình hình có thể hơi khác vì AirAsia có thể được coi là LCC lớn nhất ở Đông Nam Á với mạng lưới liên doanh, danh tiếng và cơ sở khách hàng rộng ở các nước trong khu vực để hỗ trợ các tuyến bay quốc tế mới đến và đi từ Việt Nam.
Tuy nhiên, rào cản đầu tiên đối với liên doanh này tại Việt Nam là quy trình pháp lý. Vẫn chưa thể xác định rõ ràng về ngày hoạt động chính thức của liên doanh này (dự kiến là vào tháng 8/2019) khi phải mất một khoảng thời gian khá dài để liên doanh có được giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cũng như AOC và các giấy phép khác từ Bộ Giao thông Vận tải và Cục Hàng không Việt Nam (CAAV).
Hơn nữa, theo KIS, giả sử rằng liên doanh có thể nhận được các giấy phép cần thiết đúng hạn, họ vẫn cần tìm/đấu thầu cho slot bay tại các sân bay nội địa. Do vấn đề quá tại hiện nay ở các sân bay lớn như Tân Sơn Nhất (TP. HCM) hay Nội Bài (Hà Nội), việc có được tần suất chuyến bay cao sẽ là một thách thức đáng kể đối với các hãng hàng không mới.
"Do đó, trong kịch bản này, chúng tôi tin rằng Liên doanh có khả năng gây áp lực cho các hãng hàng không hiện tại trên các tuyến quốc tế, chứ không phải các tuyến nội địa", KIS đánh giá.
Có phần trái quan điểm với KIS, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) thì cho rằng sự xuất hiện của Bamboo Airways là diễn biến ảnh hưởng kém tích cực cho Vietjet và Vietnam Airlines khi Bamboo Airways nhiều khả năng sẽ tạo ra áp lực lên lợi suất hành khách và làm giảm biên lợi nhuận trong ngành.
"Dù là một hãng hàng không cung cấp cấp đầy đủ dịch vụ (FSC), Bamboo có thể thực hiện các chương trình khuyến mãi và giảm giá tại các tuyến bay tương tự của Vietjet và Vietnam Airlines. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng các hãng hàng không hiện đang hoạt động sẽ được bảo vệ ở một mức độ nào đó do quy mô đội bay lớn hơn, giả định của chúng tôi cho rằng BA sẽ có cơ cấu phí ban đầu cao hơn, cũng như hạ tầng sân bay hạn chế sẽ hạn chế suất bay của các hãng hàng không mới", VCSC nêu quan điểm.