Thay đổi tư duy về xây dựng thương hiệu
Đội ngũ DNNVV còn hạn chế trong việc xây dựng thương hiệu riêng. Hiện số lượng DN có thương hiệu ở Việt Nam chưa nhiều. Các cơ quan chức năng cũng đã có những chính sách hỗ trợ giúp các DN xây dựng và phát triển thương hiệu để sẵn sàng hội nhập...
Thực tế, đã có khá nhiều DN tập trung vào vấn đề này để sẵn sàng cạnh tranh sòng phẳng với các DN ngoại. Song đây là bài toán cần khá nhiều thời gian để giải quyết nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh.
Nhiều làng nghề truyền thống đã xây dựng được thương hiệu xứng tầm |
Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI cho biết, mặc dù các DN đều hiểu rõ vai trò của xây dựng thương hiệu nhưng thực tế, đây vẫn là điểm yếu của các DN Việt với số lượng các DNNVV chiếm đa số và phần lớn vẫn chưa quan tâm đến vấn đề này. Nguyên nhân được cho là do hạn chế về nguồn lực tài chính. Mặt khác, các DNNVV cũng thường ít coi trọng tự xây dựng thương hiệu và coi đó chỉ là chuyện dành cho những DN lớn.
Có thể thấy để phát triển hội nhập và cạnh tranh trong sân chơi toàn cầu thì buộc các DN phải có những thay đổi về phát triển thương hiệu. Rất nhiều các hiệp định thương mại song phương và đa phương Việt Nam tham gia, gần đây nhất là Hiệp định CPTPP, đã mở ra cơ hội lớn cho DN Việt cạnh tranh trên trường quốc tế.
Bởi vậy DN càng có thương hiệu mạnh thì càng có nhiều cơ hội thành công hơn. Việt Nam đã có một số DN lớn tạo dựng được thương hiệu mang tầm quốc tế và đã hội nhập tốt khẳng định được vị thế của mình, có thể kể đến như Vietjet, Vingroup, Hòa Phát, Tân Hiệp Phát…
Tuy nhiên, nhiều DN lại chưa thực sự quan tâm đến vấn đề này, hoặc một số chỉ chú trọng đăng ký thương hiệu tại thị trường trong nước chứ chưa đăng ký tại thị trường nước ngoài. Điều này khiến DN chịu nhiều bất lợi khi tham gia xuất khẩu hoặc cạnh tranh với nhiều thương hiệu nước ngoài ngay trên sân nhà.
Hà Nội đang là thành phố có số lượng DN phát triển nhanh và mạnh. Trong năm 2018, Hà Nội đã có 25 nghìn DN được thành lập mới, nâng tổng số DN trên địa bàn lên gần 252 nghìn DN. Để phấn đấu đến năm 2020 Hà Nội sẽ đạt 400 nghìn DN, thành phố đã có nhiều giải pháp hỗ trợ DN, trong đó có việc thúc đẩy, hỗ trợ DN xây dựng thương hiệu.
Cụ thể, thông qua chương trình Hỗ trợ các DN trên địa bàn Hà Nội xây dựng và phát triển thương hiệu đã giúp nhiều DN có ý thức và bắt đầu quan tâm đến thương hiệu, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Theo UBND TP. Hà Nội, năm 2018, thành phố đã thực hiện hỗ trợ DN đào tạo, tập huấn kiến thức về xây dựng và quảng bá thương hiệu. Hỗ trợ đặt tên thương hiệu, thiết kế biểu tượng (logo) hoặc hệ thống các dấu hiệu nhận diện thương hiệu tương ứng cho các thương hiệu DN hoặc thương hiệu sản phẩm; Hỗ trợ tư vấn chiến lược xây dựng và phát triển các thương hiệu DN hoặc thương hiệu sản phẩm…
Chính vì vậy nhiều DN trên địa bàn đã quan tâm và có những đầu tư trong việc phát triển thương hiệu, nhất là các DN xuất khẩu. Từ đó, tạo sự chuyển biến từ nhận thức tới hành động của DN và phát triển, xây dựng thương hiệu mạnh.
Ông Vũ Thanh Sơn, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội cho biết, muốn đẩy mạnh xuất khẩu buộc DN phải có thương hiệu. Hàng Việt hiện đang chiếm được lòng tin của người tiêu dùng, minh chứng là hàng Việt có mặt ở hầu hết các siêu thị, trung tâm thương mại trong nước với tỷ lệ khá cao.
Nhiều thương hiệu được bình chọn là hàng Việt Nam chất lượng cao. Nhưng nhiều thương hiệu mới chỉ ở tầm trong nước chứ chưa thể khẳng định được thương hiệu trên quy mô toàn cầu. Hạn chế của các DN khi xây dựng thương hiệu hiện nay là vấn đề tài chính và tầm nhìn.
Vì vậy, các DN và nhất là các DNNVV rất cần sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý trong quá trình xây dựng thương hiệu. Đồng thời, cần có hệ thống văn bản pháp luật hoàn thiện hơn, nhằm giúp DN có môi trường kinh doanh bình đẳng với hàng nhập khẩu.
Bên cạnh đó, DN cũng cần nâng cao năng lực cạnh tranh, đầu tư nâng cấp đổi mới công nghệ, tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, mẫu mã đẹp. Đặc biệt có chiến lược rõ ràng về việc xây dựng và phát triển thương hiệu tạo vị thế vững chắc trên thị trường.