Những Doanh nhân tuổi Nhâm Dần nổi tiếng trên thương trường

Khi nói về người tuổi Dần hay còn gọi là tuổi “Hổ”, người ta thường được nhắc tới với tính cách hào phóng, thẳng thắn, nóng nảy... nhưng trong công việc họ luôn nỗ lực hết mình để đạt được những thành công. Với những người làm ăn, kinh doanh, tuổi Dần thường nặng chữ "tín" và thành công trong sự nghiệp. Nhân dịp đầu Xuân Nhâm Dần, VnBusiness xin gửi tới bạn đọc những thông tin thú vị về bốn gương mặt doanh nhân Việt Nam nổi tiếng tuổi Nhâm Dần (1962).

1. Ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL- Mã: HAG)

Ông Đoàn Nguyên Đức sinh năm Nhâm Dần 1962, quê tại Bình Định và có biệt danh là "Bầu Đức". Được biết đến là một doanh nhân có tình yêu mãnh liệt với trái bóng tròn. Năm 2007, ông Đoàn Nguyên Đức thành lập Học viện Bóng đá Hoàng Anh gia Lai - JMG. Đây là nơi đã sản sinh ra nhiều tài năng cho bóng đá Việt Nam như: Công Phượng, Xuân Trường, Văn Toàn, Tuấn Anh, Hồng Duy... 

bai-duc-7972-1641263507.jpg

Ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL- Mã: HAG

Bản thân ông Đức cũng là một trong những doanh nhân nổi tiếng, giàu có nhất Việt Nam. Khởi nghiệp với một phân xưởng mộc. Ban đầu, phân xưởng chuyên đóng bàn ghế học sinh sau dần mở rộng sang sản xuất mặt hàng nội thất cùng nhiều lĩnh vực khác.

Năm 1993, ông Đức thành lập Xí nghiệp tư doanh Hoàng Anh Pleiku. Đến năm 2006, xí nghiệp được đổi tên thành Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai, hoạt động trong nhiều lĩnh vực như: Khai thác khoáng sản, gỗ, cao su; kinh doanh bất động sản... Năm 2008 và 2009, ông Đức liên tiếp xếp ở vị trí thứ nhất trong danh sách những người giàu nhất Việt Nam. Năm 2012, ông xếp ở vị trí thứ hai sau ông Phạm Nhật Vượng với tổng tài sản 5.600 tỷ đồng.

Tuy nhiên, khi đang ở thời hoàng kim của ngành gỗ, bất động sản và thủy điện, Bầu Đức gây sốc giới đầu tư khi bỏ đỉnh cao rẽ sang làm nông nghiệp quy mô đại công trường. Hướng đi mới "nắn" Công ty Hoàng Anh Gia Lai rời khỏi các ngành được cho là có hệ số rủi ro cao khi đó để mở ra hệ sinh thái nông nghiệp tỷ USD dựa trên cây cao su. Song bước ngoặt này xảy ra đúng giai đoạn cao su rớt giá triền miên, khiến doanh nghiệp đối mặt với một thập kỷ thua lỗ, nhiều năm gồng mình trả nợ.

Bầu Đức cũng không ngại thừa nhận chiến lược sai lầm khi đặt cược "tất tay" vào cây cao su. Dù đây là diễn biến khách quan, song với tư cách là người đứng đầu ông cam kết gánh vác. Nhưng với ông không khó để nhận sai, điều khó nhất là chấp nhận thay đổi, sửa sai và ông Đức tin mình đã làm được.

Người đứng đầu HAGL khẳng định, luôn quyết liệt đưa doanh nghiệp vượt khó và chưa từng lùi bước trước bất kỳ thách thức nào cho đến khi con đường tươi sáng dần hé lộ 1-2 năm gần đây. Ông thận trọng đánh giá vẫn còn một số thách thức phải vượt qua nhưng những ngọn núi trắc trở nhất đều đã chinh phục được. " Ngày hôm nay đã tiến những bước dài qua thời kỳ khốn khó. Nếu tôi không quyết liệt chắc chắn sẽ không có Hoàng Anh Gia Lai hôm nay và tính quyết liệt của tôi còn nhiều lắm", ông Đức nói.

2. Ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Tập đoàn T&T Group

Sinh năm 1962 tại Hà Nội, ông Đỗ Quang Hiển là Kỹ sư Vật lý vô tuyến. Sau nhiều công việc liên quan đến kỹ sư, ông chuyển sang Viện nghiên cứu Công nghệ Quốc gia, làm ở đây đến năm 31 tuổi rồi trở thành Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn T&T, một công ty hoạt động đa ngành, từ tài chính, bất động sản, thể thao, tài chính tới công nghiệp.

Bau-Hien-9449-1641263507.jpg

Ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn T&T Group

Ngoài cương vị là Chủ tịch T&T, ông Hiển từng là Chủ tịch HĐQT của rất nhiều công ty khác như Ngân hàng TMCP Sài Gòn Hà Nội (SHB), Chứng khoán Sài gòn Hà Nội (SHS), Quản lý quỹ Đầu tư Sài Gòn Hà Nội (SHF), Thủy sản Bình An (Bianfishco), Bảo hiểm SHB - Vinacomin (SVIC), Phát triển Đô thị và Khu công nghiệp SHB, Khai thác chế biến khoáng sản T&T Hà Giang.

Gần 30 năm lăn lộn trên thương trường, bầu Hiển vẫn luôn là điều bí ẩn với giới truyền thông khi ông tuân thủ gần như tuyệt đối nguyên tắc “nói ít, làm nhiều”.

Cũng giống như ông Đức, bên cạnh cương vị là một doanh nhân nổi tiếng, ông Hiển cũng có niềm đam mê mãnh liệt với trái bóng tròn và trở thành “ông bầu” bóng đá nổi tiếng trong hơn 10 năm qua. Thế nhưng khác với số đông giới chủ CLB thường thích xuất hiện trên báo giới với những phát ngôn gây sốc, ông Hiển chọn cách tận hưởng niềm vui bóng đá theo cách âm thầm. Chỉ có bóng đá, người ta mới thấy hiếm hoi có lần ông tâm sự với báo giới. Ông tự nhận "nồng độ" bóng đá trong máu của mình còn cao hơn các cầu thủ.

Dưới sự dẫn dắt của doanh nhân Đỗ Quang Hiển, T&T Group đang ngày càng phát triển vượt bậc và mang đậm dấu ấn của ông Đỗ Quang Hiển. Tuy nhiên, sự lớn mạnh về quy mô tập đoàn cũng như hiệu quả kinh tế không phải là tất cả những gì mà vị doanh nhân này đang hướng tới.

Trong một lần hiếm hoi trả lời báo chí sau khi nhận Huân chương Lao động hạng Nhất năm 2020, ông Hiển chia sẻ: "Đã là doanh nhân thì phải luôn có tư tưởng làm giàu, nhưng không phải làm giàu bằng mọi giá, phải có trách nhiệm với xã hội, với cộng đồng. Doanh nghiệp cũng như bóng đá, chúng ta phải luôn đưa ra mục tiêu để chinh phục, hướng đến những đỉnh cao là khát vọng của cá nhân, doanh nghiệp và của cả một dân tộc”.

3. Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI (HoSE: SSI)

Sinh năm 1962 tại Thanh Hóa, ông Nguyễn Duy Hưng được biết đến với biệt danh “ông trùm” chứng khoán bởi ông giữ chức Chủ tịch HĐQT công ty CP Chứng khoán SSI – Công ty chứng khoán lớn nhất, ra đời sớm nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam (30/12/1999).

Ong-Hung-SSI-3837-1641263507.jpg

Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI (HoSE: SSI)

Bên cạnh đó, ông còn giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn PAN (PAN), đồng thời là Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Đầu tư NDH (NDHINVEST) và Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Quản lý quỹ SSI (SSIAM).

Trước khi trở thành doanh nhân nổi tiếng trong giới đầu tư, tài chính, ông Nguyễn Duy Hưng khởi đầu với một công ty về cung cấp dịch vụ làm sạch cao ốc và công trình công cộng, tạo ra công ăn việc làm cho nhiều người. "Những người từng làm tư vấn đầu tư như tôi vẫn chưa cảm thấy phù hợp. Tôi luôn ấp ủ việc tổ chức một kênh huy động vốn cho các doanh nghiệp trong nước. Thị trường chứng khoán ra đời chính là một cơ hội để ông hiện thực hóa ý tưởng nào", ông nói.

Nghiệp kinh doanh không bao giờ luôn bằng phẳng. Sau 3 năm thành công với những dự án lớn: (Metropole Hà Nội, Nhà máy ô tô Hòa Bình), ông thu được một khoản tiền lớn. Nhưng đấy cũng là lúc khủng hoảng tài chính Châu Á 1997 ập đến, ông cùng cộng sự buộc phải thay đổi để thích ứng.

Năm 1999, ông Hưng cùng nhóm cán bộ tư vấn đầu tư bắt đầu nghiên cứu thị trường chứng khoán Việt Nam, cũng như công ty chứng khoán cho riêng mình và Công ty Chứng khoán SSI ra đời cuối năm 1999.

Từ một công ty rất nhỏ, vốn điều lệ chỉ 6 tỷ đồng, trải qua hành trình dài 20 năm với nhiều thăng trầm, tính đến thời điểm ngày 30/9/2021, “đế chế” SSI đã kiểm soát gần 1/5 ngành dịch vụ tài chính tại Việt Nam. Công ty có tổng tài sản đạt 47.223,6 tỷ đồng, trở thành công ty chứng khoán có quy mô lớn nhất thị trường với vốn chủ sở hữu đạt 11.763,5 tỷ đồng.

Trong một lần chia sẻ với bạn bè, ông từng nói: Tôi là người chỉ thích làm những gì mình thích, và thích tạo dựng ra những giá trị, nhiều hơn là quan tâm đến cái mà mọi doanh nhân đều muốn, đó là tiền. Khi đầu tư vào SSI, tôi chỉ tâm huyết làm sao để cho công ty này tốt, tập đoàn này tốt và có thể đóng góp được cho thị trường vốn. Tôi muốn khi người ta nhắc đến chứng khoán thì nhắc đến SSI như khi nói đến xe máy thì nhắc đến Honda”.

4. Bà Hà Thị  Thu Thanh, Chủ tịch Deloitte Việt Nam 

Bà Hà Thị  Thu Thanh được mệnh danh là “nữ tướng ngành kiểm toán”, sinh năm 1962 tại Hà Nội, tốt nghiệp đại học Tài chính – Kế toán (nay là Học viện Tài chính Hà Nội). Sau khi ra trường, bà Thanh được phân công về thẳng Bộ tài chính công tác rồi điều chuyển sang làm việc tại Công ty Kiểm toán Việt Nam, lần đầu tiên được thành lập tại Việt Nam.

thanh-deloi-7030-1641263507.jpg

Bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch Deloitte Việt Nam.

Không nhiều người biết, nữ tướng Hà Thị Thu Thanh chính là người Việt Nam đầu tiên trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán được cử sang Mỹ du học. Đó là những ngày tháng, mà theo lời bà chia sẻ, là một hành trình “đầy nước mắt”, vì nhớ nhà, nhớ con và chưa thể hòa nhập với văn hóa và phong cách làm việc của người Mỹ, nhưng lại góp phần quan trọng làm nên một Hà Thị Thu Thanh đầy bản lĩnh, giỏi giang và quyết đoán ngày nay.

Đúng là nếu không sang học ở Mỹ, cá nhân bà và sau này là cả Deloitte Việt Nam không thể có cơ hội để thực hiện các dịch vụ tư vấn và kiểm toán theo chuẩn quốc tế cho các khách hàng, càng không thể “chơi ngang ngửa” với các thành viên khác của Deloitte toàn cầu.

Bởi thế, sau này, khi ở vị trí lãnh đạo Deloitte Việt Nam, bà quyết định đưa lãnh đạo và nhân viên Công ty ra nước ngoài học tập, đặc biệt là Mỹ, để “quốc tế hóa” đội ngũ nhân viên, dù lúc đó chi phí đưa một người đi học nước ngoài không hề nhỏ, lại có người bàn tán ra - vào chẳng thà là thuê chuyên gia nước ngoài…

Bà bộc bạch, cũng có lúc nhận được những lời mời hấp dẫn, nhưng bà vẫn ở lại. Gắn bó cả đời với một nghề, một công ty. Gắn bó để tiếp tục truyền cảm hứng, chia sẻ đam mê với những nhân viên của mình, để tất cả cùng đồng lòng làm nên một Deloitte số 1 trong “Big4” hiện nay ở Việt Nam.

“Đó là giá trị của sự kiên định. Kiên định để vượt qua khó khăn. Kiên định giúp mọi người đi mà không ngã, đi đúng con đường mình đã chọn. Kiên định giúp Deloitte tiếp tục con đường tiên phong của mình”, bà Hà Thị Thu Thanh đã nói như vậy.

Vì nhiều đam mê và đầy nhiệt huyết nên bây giờ, nhìn vào “list” chức danh nghề nghiệp của bà, nhiều người bất ngờ. Không chỉ giữ trọng trách Chủ tịch HĐTV Deloitte Việt Nam hay Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam, rồi Hội Tư vấn thuế Việt Nam, bà còn làm Chủ tịch HĐQT Viện Thành viên Hội đồng Quản trị Việt Nam (VIOD), Chủ tịch HĐQT Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phục vụ cộng đồng, rồi Chủ tịch Hội đồng sáng lập Mạng lưới doanh nghiệp Việt Nam hỗ trợ phát triển quyền năng phụ nữ (VBCWE), Phó chủ tịch Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam (VAWE)…

Hỏi làm nhiều “chức” thế có mệt không, bà chỉ cười một cách hào sảng và vui vẻ. Bà thấy mình may mắn vì được yêu mến và tin tưởng, được thỏa sức truyền lửa đam mê và giúp doanh nghiệp Việt cùng phát triển.

Đấy mới là điều đáng quý nhất ở nữ tướng Hà Thị Thu Thanh. Và đó cũng chính là điều khiến nhiều người tin tưởng rằng, cá nhân bà và Deloitte Việt Nam sẽ bước tiếp con đường thành công của mình…

Vật phẩm phong thuỷ cho người tuổi Dần

Các vật phẩm phong thuỷ phù hợp sẽ giúp cuộc sống chúng ta trở nên tốt đẹp, gặp nhiều may mắn và tài lộc dồi dào. Vậy người tuổi Dần phù hợp với vật phẩm phong thuỷ nào? Nên mua quà Tết nào để tặng người tuổi Dần năm 2022?

Người tuổi Dần là người mệnh Kim nên chọn những cây có lá, thân, hoa màu trắng như Cây Bạch Mã Hoàng Tử, Cây Lan Chi (Cây Dây Nhện), Cây Ngọc Ngân (Cây Cung Điện Vàng), Cây Lan Ý…

Ngoài cây phong thuỷ cho người tuổi Dần thì linh vật phù hợp với người tuổi Dần cũng rất quan trọng. Những linh vật đó phải kể đến như: Tượng Hổ mạ vàng, tượng ngựa phong thuỷ, kỳ lân, tỳ hưu, cóc ngậm tiền, tượng Ông tam đa..

Hoàng Hà

Lượt xem: 624
Tác giả: 2. Ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Tập đoàn T&T Group
Tin liên quan