Doanh nhân đau đáu với nông nghiệp tuần hoàn

Ở độ tuổi ngoài thất thập, nhiều người dành thời gian an lạc, nhưng doanh nhân Nguyễn Hồng Lam - Chủ tịch Tập đoàn Quế Lâm, vẫn đau đáu với con đường nông nghiệp tuần hoàn mà mình đã lựa chọn. "Với tôi, tiền bạc không quan trọng bằng sức khỏe của người tiêu dùng, tác động tới môi trường...", ông nói.

Trò chuyện với VnBusiness, Chủ tịch Tập đoàn Quế Lâm chia sẻ về quãng đường 40 năm gắn với những thăng trầm trong câu chuyện đồng hành với nhà nông, với ngành nông nghiệp để có sản phẩm hữu cơ, tuần hoàn.

Chu-tich-Tap-Doan-Que-Lam-1114-163921471

Ông Nguyễn Hồng Lam - Chủ tịch Tập đoàn Quế Lâm.

"Đại gia" phân bón đi… chăn lợn

Vốn được biết đến là một "đại gia" ngành phân bón, lý do gì thôi thúc ông mở rộng sang chăn nuôi lợn, trồng lúa...?

-Nhiều nông dân Việt Nam rất khổ. Chi phí sản xuất cao, trong khi giá bán trồi sụt, mạnh ai nấy làm. Do không làm bài bản nên người nông dân không thể giàu có được.

Tôi nhìn thấy điều này và quyết tâm đi vào lĩnh vực chăn nuôi theo cách làm mới, hướng mới. Đó là xây dựng chuỗi từ thức ăn, giống, quy trình chăn nuôi an toàn sinh học bằng công nghệ vi sinh, không bỏ đi thứ gì, tiết kiệm tối đa.

Ví dụ chăn nuôi không mùi hôi, không nước thải, không có dịch bệnh. Đây là chăn nuôi an toàn sinh học bằng công nghệ vi sinh, bảo vệ sức khoẻ, người nông dân cũng không còn tâm lý hoang mang lo sợ về dịch bệnh, rủi ro.

Trong chuỗi này, doanh nghiệp đóng vai trò dẫn dắt 100%, đầu tư đầu vào, cung cấp quy trình, thu mua đầu ra. Hộ nông dân chăn nuôi với Quế Lâm không lo lắng gì cả, tuyệt đối an toàn về thị trường, dịch bệnh.

Tất cả bài toán này đều được doanh nghiệp tính toán rõ ràng với nông dân. Nếu nông dân thỏa mãn với điều khoản mà chúng tôi đưa ra, sẵn sàng ký với hợp đồng kinh tế với doanh nghiệp. Đây là mối quan hệ thuận mua, vừa bán để người nông dân có lãi. Tôi khẳng định có lãi thì người ta mới làm.

Đợt khủng hoảng giá lợn hơi trong năm nay có ảnh hưởng tới doanh nghiệp không, thưa ông?

-Tất nhiên là cũng có, bởi giá thị trường có lúc xuống thấp 30.000 - 40.000 đồng/kg. Chúng tôi chăn nuôi hữu cơ bán được dao động trong khoảng 60.000 - 70.000 đồng/kg. Song, dù thị trường có biến động thế nào thì chúng tôi vẫn thu mua của nông dân với giá 65.000 đồng/kg. Tôi sẵn sàng lợi nhuận ít đi, thậm chí mất lãi, hoặc lỗ để người chăn nuôi được lãi 1,5 - 2 triệu đồng khi nuôi một con lợn.

Chăn nuôi theo chuỗi, doanh nghiệp muốn được phần hơn nông dân thì không bao giờ bền vững. Hai bên giao thoa nhau xây dựng lòng tin. Doanh nghiệp xây dựng lòng tin với nông dân, làm mô hình lúc đầu 1 hộ, sau đó lên hàng trăm, hàng nghìn hộ thông qua liên kết với hợp tác xã (HTX).

Trang-trai-chan-nuoi-lon-cua-Q-9925-4409

Mô hình chăn nuôi lợn hữu cơ của Tập đoàn Quế Lâm. 

Đồng thời, người nông dân cũng phải chia sẻ với doanh nghiệp, hiểu doanh nghiệp, nếu giá thị trường xuống thấp, có thể chúng tôi thanh toán chậm chút, miễn sao hai bên hiểu nhau.

Vậy đến giờ phút này, ông đã có lãi từ chăn nuôi hay chưa?

-Thú thực là tôi làm 10 năm, 2 năm nay mới hòa vốn, chứ chưa lãi một chút nào. Chúng tôi có mảng phân bón, một năm bán 500.000 - 1 triệu tấn, lấy những thứ bỏ đi như phân trâu, gà, lợn, đưa vi sinh vào hoá giải thành phân bón. Lấy nông dân nuôi doanh nghiệp, doanh nghiệp nuôi nông dân. Có nghĩa lấy ngành phân bón bù lỗ cho ngành chăn nuôi.

Thậm chí, tôi còn hay nói vui: "Bán phân còn rủi ro, khi nọ khi kia, chứ bán con lợn hay hạt gạo thì thu tiền về luôn à!". Tất nhiên, về thị trường thì ngày nào chúng tôi cũng phải lo. Khi thị trường có chuyện gì phải có chính sách cổ vũ, động viên đại lý, người tiêu dùng, khuyến mại cho người ta.

Ví dụ, giá thịt lợn xuống, ngồi im sao được, mà phải có chính sách gì cổ vũ động viên người tiêu dùng vào cửa hàng mình. Đừng bao giờ nghĩ rằng thị trường lúc nào cũng tốt cả, nên phải thường xuyên củng cố.

Làm kinh tế nông nghiệp thì không thể thiếu HTX

Được biết, Tập đoàn Quế Lâm đang liên kết với nhiều HTX xây dựng chuỗi giá trị ở hàng chục tỉnh, thành phố trên cả nước để phát triển trồng trọt và chăn nuôi. Ông đánh giá thế nào về vai trò của mô hình HTX?

-Vai trò của HTX cực kỳ quan trọng, đây là một mắt xích không thể thiếu của ngành nông nghiệp. HTX sẽ giúp cung ứng vật tư đầu vào, quản lý sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng và kết nối đầu ra thị trường cho người nông dân. Do vậy, các địa phương cần quan tâm nhiều hơn tới khu vực HTX. Tôi cho rằng chính sách hỗ trợ phát triển HTX trong giai đoạn hiện nay là rất cần thiết.

Th-Truong-Tran-Thanh-Nam-tham-5847-7513-

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho rằng cần đẩy mạnh mô hình của Tập đoàn Quế Lâm đến các HTX. 

Thực tế, thời gian qua, có HTX làm với chúng tôi rất tốt, rất thành công. Doanh nghiệp rất muốn nhân rộng các mô hình liên kết với HTX hiệu quả, có thể ban đầu chỉ một vài HTX nhưng sau này con số có thể lên tới hàng trăm, hàng nghìn HTX tham gia.  

Do vậy, tôi xin nhấn mạnh chúng ta cần đẩy mạnh sự quan tâm của chính quyền địa phương tới HTX: vai trò của HTX thế nào, chính sách luật pháp rõ ràng, minh bạch, ưu tiên hỗ trợ ra sao để HTX phát triển.

Tổ chức HTX không có thì kinh tế nông nghiệp không thể phát triển. Hơn nữa, doanh nghiệp cũng không thể tổ chức liên kết một cách manh mún, làm việc với từng hộ nông dân.

Hiện nay, Tập đoàn Quế Lâm đang liên kết với bao nhiêu HTX? Làm thế nào để mối quan hệ này trở nên khăng khít?

-Chúng tôi đang liên kết với 11 HTX ở TP.Huế, còn trên cả nước là hơn 30 HTX. Liên kết với HTX cũng công phu lắm, bắt đầu từ việc "cầm tay" để dạy cho HTX về sản xuất thế nào cho đúng cách.

Để nâng cao hiệu quả hợp tác, Tập đoàn Quế Lâm tham gia hỗ trợ HTX từ việc đào tạo nâng cao kỹ thuật canh tác, chăn nuôi gắn với ứng dụng khoa học kỹ thuật 4.0, kiến thức về thị trường, về kinh tế nông nghiệp. Từ đó, mỗi HTX đã có thể tính toán xem nếu liên kết với doanh nghiệp thì sẽ đem lại hiệu quả ra sao, làm thế nào để sản xuất sạch hơn gắn với bảo vệ môi trường.

Cùng với đó, doanh nghiệp cũng đào tạo nhân lực của HTX về thị trường, marketing, khi thị trường có biến động thì HTX cũng có thể chia sẻ với chúng tôi chút ít để cùng vượt qua giai đoạn khó khăn. Còn nếu hai bên không có sự chia sẻ thì rõ ràng bên này được thì bên kia thiệt và ngược lại. Trong nông nghiệp, các mắt xích được ví là thành viên trong đại gia đình nên phải biết chia sẻ quyền lợi với nhau.

Không chạy theo số lượng để hủy hoại môi trường

que-lam-4399-1639272014.jpg

Các mô hình trồng trọt theo hướng hữu cơ đang được Tập đoàn Quế Lâm triển khai. 

Thời gian gần đây, ngành nông nghiệp Việt Nam đang đẩy mạnh phát triển nông nghiệp tuần hoàn. Là một trong những người đi đầu trong lĩnh vực này, ông có chia sẻ gì?

-Tôi đã gắn bó với ngành nông nghiệp gần 40 năm, chọn hướng nông nghiệp hữu cơ ngay từ đầu. Tôi cũng là người đầu tiên của Việt Nam đi vận động nông dân làm nông nghiệp hữu cơ.

Tôi khẳng định, nếu sản phẩm chất lượng thì người tiêu dùng không phải lăn tăn về giá. Thực tế, vừa qua, Quế Lâm có chăn nuôi giống lợn Ngự - giống lợn bản địa của Việt Nam. Lợn nuôi khoảng 8 tháng, xuất chuồng đạt 60 - 70kg/con, giá bán 100.000 đồng/kg lợn hơi. Mỗi tháng, doanh nghiệp cung cấp ra thị trường 300 con lợn Ngự - nhu cầu với loại lợn này rất lớn nhưng không có mà bán. Điều này cho thấy nếu sản phẩm tốt cho sức khoẻ, nhiều người tiêu dùng sẵn sàng chi tiền.

Sản xuất ra miếng thịt thì đích thị phải ngon. Lúc đó, người tiêu dùng sẽ sẵn sàng chi tiền để thưởng thức. Chúng ta phải dùng cái tâm của mình để làm nông nghiệp.

Khi làm nông nghiệp hữu cơ thì có thuận lợi hay khó khăn gì, thưa ông?

-Chúng tôi có thuận lợi là sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh, cung cấp phân bón cho nông dân trồng ngô, đậu tương. Sau đó, chúng tôi lại mua ngô, đậu tương cho nông dân để sản xuất thức ăn chăn nuôi.

Tôi nhận thức được điều này, vì vậy mấy chục năm qua, tôi đều đi tập huấn, dạy nông dân cách làm nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn để bảo vệ sức khỏe của chính mình của người dân, môi trường mà mình đang sống.

Tuy nhiên, khi chúng tôi đi dạy nông dân sản xuất sạch, thì có người lại dạy... nông dân dùng chất kích thích, tăng trưởng, phun thuốc trừ sâu...! Do vậy, hành trình làm nông nghiệp sạch cũng rất khó khăn.

Tôi khẳng định người nông dân Việt Nam rất hiền lành. Nhưng khi họ thua lỗ sẽ thất vọng rồi lại tìm cách lấy lại lãi bằng cách nuôi tăng trọng, đưa chất cấm, thuốc trừ sâu vào...

Đơn cử, nuôi một con lợn ngon phải mất 6 tháng, 1 năm chỉ được 2 lứa. Nếu nuôi tăng trọng, chất kích thích thì 2,5 tháng là lợn được 70kg - 1 tạ. Điều này lại trực tiếp đánh vào sức khỏe người tiêu dùng, rồi bệnh tật, ung thư cũng từ miếng ăn mà ra. Người nông dân hiền hòa lại thành ra độc ác!

Cơ quan nhà nước phát hiện ra, cấm không được nuôi, người nông dân bỏ chuồng... Có thể thấy, con đường này cứ luẩn quẩn, cứ quay đi quay lại, ai làm gì thì làm, không có ai quản lý được.

Về mong muốn để ngành nông nghiệp Việt Nam phát triển, người nông dân bớt khổ, thì chúng ta cần thay đổi điều gì trong bối cảnh mà đại dịch COVID-19 đang xảy ra?

-Tôi năm nay 75 tuổi rồi, tiền bạc đối với tôi không có ý nghĩa. Quan trọng nhất là 100 triệu dân Việt Nam phải được bảo vệ sức khỏe thông qua sử dụng sản phẩm sạch.

Trong lúc dịch bệnh COVID-19 chưa được kiểm soát cũng là cơ hội tốt cho chúng ta nhìn nhận vì sao dịch bệnh phát sinh như vậy trong chăn nuôi, cũng như ở con người? Do môi trường bị huỷ hoại bởi chính chúng ta, tại sao sản xuất nông nghiệp mà sử dụng nhiều phân bón, hóa chất, chất cấm như vậy...

Công nghệ vi sinh giải quyết bài toán không thể thành có thể. Chất thải trong chăn nuôi dùng vi sinh vật hoá giải hoá nó trở thành thơm tho, nguồn phân bón vô tận để giảm nhập khẩu. Chúng ta cũng có thể dùng vi sinh xử lý đất, bón phân hữu cơ vi sinh thì độ phì nhiêu của đất tăng lên, giảm thiểu ô môi trường. 

Nếu làm được thế thì nông nghiệp sẽ phát triển, người tiêu dùng nhận biết được cánh đồng nào là sạch. Chúng tôi có 2 - 3 cánh đồng hữu cơ, không dùng thuốc bảo vệ thực vật hóa học, bón phân vô cơ, môi trường xung quanh hiền hoà.

Mình không chạy theo lợi nhuận, số lượng rồi hủy hoại môi trường. Bảo vệ môi trường là bảo vệ chính mình. Không có con đường nào khác là nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn thì lúc đó mới giải quyết được vấn đề.

Xin cảm ơn ông!

Lê Thúy (thực hiện)

Lượt xem: 576
Tác giả: admin1
Tin liên quan