Ra chợ thế giới bằng... Amazon
Việc chuyển từ hình thức mua bán truyền thống sang sử dụng các nền tảng kỹ thuật số, thương mại điện tử không còn là sự lựa chọn mà là xu thế bắt buộc giúp các doanh nghiệp tồn tại và phát triển.
Thương mại điện tử Việt Nam tăng nóng
Thương mại điện tử xuyên biên giới được phát triển dựa trên nền tảng thương mại quốc tế truyền thống kết hợp với thương mại điện tử. Trong thời đại 4.0, thương mại điện tử xuyên biên giới được xem là nhân tố cốt lõi của nền kinh tế toàn cầu và là xu hướng tất yếu mà không một quốc gia nào có thể đứng ngoài cuộc.
Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương, Việt Nam hiện là quốc gia có tốc độ phát triển thương mại điện tử khá nhanh trong khu vực. Với doanh thu thương mại điện tử kinh doanh trực tiếp đến người tiêu dùng toàn cầu năm 2023 dự kiến đạt 2.883 tỷ USD, thương mại điện tử xuyên biên giới sẽ là kênh vô cùng hiệu quả cho doanh nghiệp mở rộng thị trường, nhất là với hàng Việt.
Ông Gijae Seong, Giám đốc điều hành Amazon Global Selling Việt Nam, cho biết trong 2-3 năm vừa qua, trong khu vực Đông Nam Á, tỷ lệ tăng trưởng thương mại điện tử xuyên biên giới của Amazon tại Việt Nam đạt mức tăng trưởng cao nhất so với 4 nước Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines.
Theo thống kê của Amazon Global Selling, tính từ ngày 1/9/2020 đến ngày 31/8/2021, gần 7,2 triệu sản phẩm của các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam được bán cho các khách hàng Amazon trên khắp thế giới (trung bình 14 sản phẩm mỗi phút); số lượng sản phẩm được bán thông qua Amazon tăng 34% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cùng giai đoạn kể trên, số lượng các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam bán hàng qua các cửa hàng Amazon trên toàn thế giới vượt mốc doanh số 100.000 USD, 500.000 USD và 1 triệu USD cũng đã tăng lần lượt hơn 18%, 53% và 40% chỉ sau 1 năm.
Doanh nghiệp Việt chọn Amazon
Trao đổi với Tạp chí Đầu tư Tài chính, ông Lý Huy Sáng, Phó tổng giám đốc Công ty Minh Long I, cho biết tại Việt Nam, khi nhắc đến gốm sứ, người tiêu dùng sẽ ngay lập tức nhắc đến Minh Long, thương hiệu có truyền thống lâu đời. Tầm nhìn của Minh Long là trở thành thương hiệu gốm sứ hàng đầu, vươn ra phạm vi toàn cầu.
“Để đạt được điều đó, các sản phẩm của chúng tôi phải tiếp cận được với khách hàng trên khắp thế giới. Chúng tôi lựa chọn Amazon là đối tác để cùng hiện thực hóa mục tiêu sau khi nghiên cứu nhiều khía cạnh từ công nghệ kỹ thuật, nền tảng, cơ sở hạ tầng, kênh tiếp cận khách hàng, kinh nghiệm quốc tế”, ông Sáng cho hay.
Theo ông Sáng, trước đây, Minh Long tập trung nhiều vào các kênh phân phối truyền thống như cửa hàng, showroom nhưng qua thời gian vừa qua, công ty tin rằng việc mở rộng hướng kinh doanh và tiếp cận khách hàng qua thương mại điện tử là chiến lược cần được chú trọng. Và niềm tin này là có cơ sở.
“Kể từ tháng 9/2021, thời điểm những sản phẩm gốm sứ đầu tiên của Minh Long đã xuất hiện trên gian hàng trực tuyến Amazon, chúng tôi đã chứng kiến sự gia tăng dần về doanh số và phản hồi tích cực từ người tiêu dùng toàn cầu. Chúng tôi thật vui khi thấy có khách hàng từ Mỹ bày tỏ sự yêu thích đối với những thiết kế của Minh Long và họ muốn tìm hiểu nhiều hơn về vẻ đẹp văn hóa Việt Nam từ những sản phẩm của Minh Long. Cũng có các khách hàng nhận xét hài lòng với chất lượng và giá thành hợp lý của sản phẩm gốm sứ Minh Long. Những phản hồi này đã thúc đẩy thương hiệu có những bước tiến lớn hơn nữa và đưa nhiều sản phẩm hơn xuất hiện trên Amazon”, ông nói.
Phó tổng giám đốc Công ty Minh Long I chia sẻ rằng, bên cạnh việc tìm được một đối tác phù hợp thì điều kiện tiên quyết để các doanh nghiệp tại Việt Nam thâm nhập thị trường quốc tế thành công là sản phẩm. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần có sự đầu tư về đội ngũ nhân sự chuyên trách cho mảng thương mại điện tử.
“Ví dụ tại Minh Long, chúng tôi đã xem xét kỹ lưỡng các phân khúc thị trường để đưa ra các thiết kế tương ứng, có thể đáp ứng nhu cầu khác biệt của mỗi nhóm khách hàng. Công ty đã cắt cử ra hẳn một đội ngũ nhân sự chuyên trách cho kênh thương mại điện tử xuyên biên giới để quản lý từ sản phẩm, marketing, nghiên cứu thị trường quốc tế để hiểu thị hiếu của khách hàng ở các quốc gia khác và chuẩn bị cho các bước phát triển tiếp theo”.
Ông Trần Văn Tươi, giám đốc điều hành của Rong Nho Trường Thọ, cho rằng bên cạnh nâng cao chất lượng sản phẩm, thương mại điện tử là phương thức tối ưu và việc lựa chọn kênh thương mại điện tử phù hợp được xem là một nửa của sự thành công. “Với tham vọng ‘bán lẻ trực tiếp cho nhiều khách hàng trên khắp thế giới’, chúng tôi chọn Amazon làm bệ phóng”, ông nói và cho biết, trong năm 2020, doanh nghiệp đã ghi nhận doanh số từ Amazon đóng góp gần 35% vào tổng doanh thu. Riêng vào thời gian mùa lễ hội năm 2021 vừa qua, doanh nghiệp đã ghi nhận doanh số tăng 300-500% so với ngày thông thường.
Trong khi đó, ông Mai Văn Thuận, tổng giám đốc Royal Helmet (kinh doanh mũ bảo hiểm), cho biết dịch bệnh Covid-19 bùng phát đã đặt ra những thách thức chưa từng có, làm gián đoạn hoạt động OEM (sản xuất thiết bị gốc) của công ty mẹ - Công ty TNHH sản xuất thương mại MAFA Việt Nam để cung cấp sản phẩm cho các khách hàng nước ngoài ở Ấn Độ, Úc, Mỹ, EU, Philippines và Nepal.
Vì vậy, MAFA đã bắt tay với Amazon Global Selling – đưa sản phẩm mũ bảo hiểm Royal Helmet lên Amazon. Kể từ lúc này, doanh số của Royal Helmet liên tục tăng và nhận được phản hồi tích cực từ khách hàng quốc tế. Để chuẩn bị cho viễn cảnh các kênh thương mại điện tử quốc tế chiếm 90% doanh thu trong tương lai gần, MAFA đã đầu tư vào một nhà máy mới và cũng đang chuẩn bị xây dựng một nhà máy khác với công suất cao hơn.
“Trong thời gian tới, chúng tôi đặt mục tiêu tiếp tục mở rộng kinh doanh sang thị trường EU và Úc thông qua Amazon trong giai đoạn tiếp theo, bên cạnh việc đảm bảo duy trì vị trí dẫn đầu trong ngành mũ bảo hiểm tại Việt Nam”, ông Thuận nói.