Nhiều “nút thắt” về cổ phần hóa, thoái vốn sẽ được tháo gỡ trong năm 2022

Để tiếp tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong quá trình cổ phần hóa (CPH), thoái vốn, Bộ Tài chính đang rà soát, xây dựng báo cáo để trình cấp có thẩm quyền về việc sửa đổi các Nghị định, trong đó nhiều “nút thắt” sẽ được tháo gỡ.

Không đạt kế hoạch…

Công ty TNHH MTV NXB Giáo dục Việt Nam thoái vốn không thành công tại CTCP Sách & TBTH Ninh Thuận và CTCP Sách & TBTH Điện Biên

Báo cáo mới đây của Bộ Tài chính cho biết, trong 9 tháng năm 2022, các đơn vị tiếp tục triển khai công tác CPH theo kế hoạch đã được phê duyệt, ngoài ra ghi nhận bổ sung 1 DN CPH là Công ty TNHH MTV Phà An Giang (đã chính thức chuyển thành công ty cổ phần năm 2021) thuộc danh mục CPH giai đoạn 2017-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với tổng giá trị DN là 309 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước là 278 tỷ đồng.

Cũng trong tháng 9/2022, ghi nhận các Tập đoàn, Tổng công ty, DN nhà nước (DNNN) thoái vốn tại DN với giá trị 48,3 tỷ đồng thu về 109,1 tỷ đồng và có 01 đơn vị thoái vốn không thành công (Công ty TNHH MTV NXB Giáo dục Việt Nam thoái vốn không thành công tại CTCP Sách & TBTH Ninh Thuận và CTCP Sách & TBTH Điện Biên). Lũy kế 9 tháng năm 2022, ghi nhận các Tập đoàn, Tổng công ty, DNNN thoái vốn tại DN với giá trị là 466 tỷ đồng, thu về 2.289,5 tỷ đồng.

Theo đanh giá của Bộ Tài chính, thời gian gần đây, tiến độ CPH, thoái vốn có dấu hiệu chậm lại, không đạt kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Một trong các nguyên nhân đầu tiên được nhắc đến là DN CPH, thoái vốn có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, đa ngành, đa lĩnh vực, nhiều tài sản chuyên ngành, khó xác định giá trị nên việc xử lý tài chính tài sản, nợ, xác định giá trị DN, giá trị phần vốn nhà nước và công tác chuẩn bị hồ sơ, phương án cần nhiều thời gian; một số DN còn tồn tại nhiều vấn đề phải xử lý về tài chính; một số đơn vị vi phạm quy định về quản lý vốn, tài sản đang thực hiện thanh tra, kiểm tra, điều tra.

Tại Hội thảo “Giải pháp thúc đẩy quá trình CPH DN, đơn vị sự nghiệp công lập và thoái vốn nhà nước tại DN” do Bộ Tài chính tổ chức mới đây, các ý kiến đánh giá tiến độ CPH, thoái vốn chưa đạt được như kế hoạch xuất phát từ nhiều nguyên nhân, bao gồm cả nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan. Trong đó, nhiều ý kiến nhận định hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về CPH, thoái vốn mặc dù đã được sửa đổi, bổ sung nhưng vẫn chưa đáp ứng được kịp thời yêu cầu của thực tiễn.

Thực hiện chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc kịp thời khắc phục vướng mắc, khó khăn cho DNNN, trong đó CPH, thoái vốn, hiện Bộ Tài chính đang rà soát, xây dựng báo cáo để trình cấp có thẩm quyền về việc sửa đổi các Nghị định 126/2017/NĐ-CP, Nghị định 91/2015/NĐ-CP , Nghị định  32/2018/NĐ-CP , và Nghị định 140/2020/NĐ-CP trong năm 2022.

Tách quá trình sắp xếp, xử lý nhà đất ra khỏi quá trình cổ phần hóa

Liên quan đến việc tách quá trình sắp xếp, xử lý nhà đất ra khỏi quá trình CPH, Bộ Tài chính cho biết, theo quy định của Nghị định 126/2017/NĐ-CP, Nghị định 140/2020/NĐ-CP, căn cứ phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, phương án sử dụng đất (SDĐ) theo quy định đối với các công ty nông, lâm nghiệp, các DNNN phải lập phương án SDĐ để báo cáo Cơ quan đại diện chủ sở hữu gửi lấy ý kiến UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc TW trước khi quyết định phê duyệt phương án SDĐ khi CPH.

Tuy nhiên, việc phê duyệt phương án sắp xếp, xử lý nhà đất thời gian qua rất chậm. Nguyên nhân do nguồn gốc hình thành và việc sử dụng nhà, đất của các DNNN phức tạp; công tác quản lý nhà, đất chưa chặt chẽ. Bên cạnh đó, nguyên nhân chính là do có cơ quan, đơn vị, địa phương, DN chưa nhận thức đầy đủ về yêu cầu của công tác thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất là công việc thường xuyên, liên tục theo quy định của pháp luật đất đai, pháp luật quản lý tài sản công, không phải chỉ diễn ra khi thực hiện CPH, chỉ phục vụ cho công tác chuyển đổi loại hình DN;

Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đang nghiên cứu sửa đổi quy định này theo hướng tách quá trình sắp xếp, xử lý nhà đất ra khỏi quá trình CPH, bỏ quy định về điều kiện CPH là DN CPH phải có phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc phạm vi sắp xếp lại, xử lý nhà, đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.

Chỉ tính giá trị quyền sử dụng đất khi đất được giao vào trúng đấu giá

Việc tính giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị DN khi CPH, Bộ Tài chính cho biết, Bộ đang nghiên cứu sửa đổi quy định này theo hướng chỉ xác định giá trị quyền SDĐ vào giá trị DN khi CPH đối với diện tích đất được giao hoặc đất đã trúng đấu giá để thực hiện kinh doanh bất động sản của các DNNN có ngành nghề kinh doanh chính là bất động sản và một số trường hợp đặc biệt theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Giá đất để xác định giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị DN CPH là giá đất cụ thể tại vị trí DN có diện tích đất được giao do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc TW (nơi DN có diện tích đất được giao) quyết định theo quy định tại khoản 3 và điểm d khoản 4 Điều 114 của Luật Đất đai.

Đối với DNNN còn lại, khi CPH thực hiện chuyển sang hình thức thuê đất trả tiền hàng năm và không tính giá trị quyền SDĐ vào giá trị DN.

Công ty cổ phần phải cam kết thực hiện quản lý và sử dụng đất theo đúng  mục đích, đúng phương án sử dụng của toàn bộ diện tích đất đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Trường hợp DN muốn chuyển đổi mục đích sử dụng đất thì thực hiện trả lại đất để tham gia đấu giá chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai. Trường hợp quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, kế hoạch sử dụng đất  thay đổi  (nếu có) phải thu hồi đất thì Nhà nước thực hiện bồi thường cho DN theo quy định của pháp luật về đất đai. DN lập phương án sử dụng đất theo hiện trạng trình cơ quan đại diện chủ sở hữu phê duyệt, công bố công khai đầy đủ thông tin về đất và nội dung nêu trên khi khi bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO)

Ngoài ra, bổ sung trách nhiệm cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền trong việc kiểm tra, giám sát mục đích sử dụng đất sau CPH theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 và Nghị quyết số 62/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội

Đổi mới phương pháp xác định giá trị doanh nghiệp

Về phương pháp xác định giá trị DN khi CPH, Nghị định 126/2017/NĐ-CP, Nghị định 140/2020/NĐ-CP quy định Tổ chức tư vấn xác định giá trị DN lựa chọn phương pháp tài sản và tối thiểu một phương pháp xác định giá trị DN khác theo quy định của pháp luật giá và thẩm định giá và giá trị vốn nhà nước tại DN được xác định và công bố không được thấp hơn giá trị DN và giá trị vốn nhà nước tại DN theo phương pháp tài sản quy định theo pháp luật về CPH.

Bộ Tài chính cho biết, Bộ đang rà soát, hiệu chỉnh lại theo hướng tổ chức tư vấn được lựa chọn các phương pháp xác định giá trị DN, trong đó có phương pháp tài sản và tối thiểu một phương pháp khác theo quy định của pháp luật giá và thẩm định giá để trình cơ quan đại diện chủ sở hữu xem xét, quyết định. Giá trị DN và giá trị vốn nhà nước tại DN được xác định và công bố không được thấp hơn giá trị DN và giá trị vốn nhà nước tại DN được xác định theo phương pháp tài sản theo quy định của pháp luật thẩm định giá và Nghị định này. Tổ chức tư vấn chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật về thẩm định giá.

Riêng đối với một số vấn đề đã được pháp luật hiện hành quy định cụ thể, khác với quy định tại Thông tư 28/2021/TT-BTC, thì Nghị định cần tiếp tục hướng dẫn như giá trị quyền SDĐ khi xác định giá trị DN là giá đất cụ thể tại vị trí DN có diện tích đất được giao do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc TW (nơi DN có diện tích đất được giao) quyết định theo quy định tại khoản 3 và điểm d khoản 4 Điều 114 của Luật Đất đai.

 

Một số nội dung nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách về cổ phần hóa, thoái vốn

 - Tách quá trình sắp xếp, xử lý nhà đất ra khỏi quá trình CPH

 - Việc tính giá trị quyền SDĐ vào giá trị DN khi CPH, xác định giá trị DN

  -  Quy định phương pháp xác định giá trị DN khi CPH.

  - Hoàn thiện quy định về phân phối lợi nhuận của DN gắn với việc bổ sung vốn điều lệ từ nguồn cổ tức, lợi nhuận sau thuế của DN

 - Hoàn thiện các quy định về điều chỉnh vốn điều lệ tại DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ

 -  Các vấn đề về kỹ thuật khác như: Sửa đổi quy định về việc xác định giá trị văn hóa lịch sử trong giá khởi điểm để chuyển nhượng vốn, trách nhiệm của Ban chỉ đạo CPH…

Lượt xem: 149
Nguồn:thitruongtaichinhtiente.vn Sao chép liên kết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật