Người tiên phong đưa gốm Bát Tràng lên sóng Tik Tok
Ở gốm Bát Tràng có nét mộc mạc và trang trọng, thanh tao rất mực Á Đông nên khi được anh Nguyễn Văn Duy, founder của thương hiệu gốm sứ Luxury (Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội) “lăng xê” bằng cách bán hàng trên Tik Tok đã giúp những sản phẩm này tiếp cận được các thị trường ngách, phục vụ cho những gu thẩm mỹ khác nhau.
Giáp Tết Ất Tỵ 2025, anh Nguyễn Văn Duy vẫn tất bật ngày đêm để kịp đưa những sản phẩm gốm sứ mới, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong dịp năm mới. Anh cũng là người trực tiếp thực hiện các phiên livestream bán hàng với những 'deal hời' nhằm tặng khách hàng gần xa. Tuy có những phiên livestream hàng tiếng đồng hồ nhưng ai cũng dễ dàng nhận thấy sự gần gũi, thân thiết của một founder trẻ với nụ cười luôn nở trên môi.
Bật điện thoại là có thể kiếm tiền
Lần dở lại những năm tháng tuổi trẻ, anh Duy cho biết trước đây anh từng là giáo viên nhưng do cuộc sống và áp lực kinh tế nên anh rẽ lối, chuyển hướng sang kinh doanh nhiều loại hàng hóa khác nhau nhưng hầu hết những hàng hóa anh lựa chọn lúc bấy giờ đều bị lệ thuộc rất lớn vào nguồn hàng từ Trung Quốc. Suy đi tính lại hiệu quả kinh tế từ những ngành nghề này không cao.
Nhìn lại anh thấy, gốm sứ chính là sản phẩm truyền thống Việt Nam. Người Việt Nam có thể chủ động sản xuất tất cả các công đoạn ở trong nước, tại địa phương mà không phải nhập khẩu nguyên liệu đầu vào. Đây chính là thế mạnh của nghề gốm sứ.
Tuy nhiên, điều anh Duy quan tâm lúc này không dừng ở việc làm sao để tạo ra những sản phẩm đẹp, chất lượng vì tay nghề những nghệ nhân ở làng gốm đã đạt đến mức điêu luyện, có hồn và tạo ra nét đặc trưng cho sản phẩm. Thay vào đó, điều anh băn khoăn chính là làm sản phẩm gốm quê anh đã có tiếng, không thiếu những sản phẩm đạt đến mức độc đáo của nghệ thuật nhưng sao vẫn khó bán và thậm chí một thời, nghề làm gốm rơi vào cảnh lao đao vì khó đầu ra, nhiều người không mặn mà với những thớ đất Cao Lanh, Trúc Thôn.
Anh Nguyễn Văn Duy giới thiệu sản phẩm đến khách hàng trong một phiên livestream |
Bắt tay vào nghiên cứu và tìm hiểu, anh mới thấy việc bán những sản phẩm gốm sứ của cha ông vẫn đi theo lối mòn truyền thống. Đây chính là nguyên nhân khiến ngành hàng gốm sứ bị tê liệt, bóp nghẹt đầu ra và phải cạnh tranh với những sản phẩm giá rẻ tràn lan trên thị trường.
“Tại sao không ứng dụng công nghệ, bán hàng trên các sàn thương mại điện tử… để tiếp cận với nhiều khách hàng?”, ý nghĩ này lóe lên trong đầu Nguyễn Văn Duy. Anh cho rằng bán hàng online sẽ không chỉ giúp gốm tiếp cận được với những khách hàng lớn tuổi, truyền thống mà còn tăng khả năng tiếp cận với những khách hàng trẻ, có tiềm năng, có gu.
Đặc biệt, việc bán hàng online thông qua hình thức livestream sẽ giúp người bán hàng không phải thuyết trình, kể câu chuyện sản phẩm nhiều lần nhưng lại tạo ra cảm xúc, thu hút người mua, tạo ra những nhu cầu thị trường mới.
“Nếu bán hàng trực tiếp, người bán phải kể lại câu chuyện sản phẩm nhiều lần phục vụ nhiều lượt khách khác nhau nhưng bán hàng bằng mạng xã hội, chủ thể chỉ cần kể một lần thông qua kế hoạch cụ thể, được chỉnh sửa bằng phần mềm”, founder của thương hiệu gốm sứ Luxury cho biết.
Nghĩ là làm, tháng 10/2022 anh đã lựa chọn bán hàng trên Tik Tok bởi tuy đây là một nền tảng giải trí nhưng đang thu hút rất nhiều người mua bán online. Khi tham gia bán hàng trên đây anh mới biết mình là một trong những người đầu tiên đưa gốm sứ bán trên trang Tik Tok vì gốm sứ dễ vỡ nên nhiều người e ngại phương thức bán hàng này.
Cũng chính vì dễ vỡ trong quá trình đóng gói, vận chuyển nên 2 tháng đầu tiên, đơn vị của anh bị thiệt hại gần 200 triệu đồng. Trước vấn đề này, anh đã phải thay đổi cách đóng gói hàng hóa và trực tiếp làm việc với các đơn vị giao hàng để quá trình vận hành hàng hóa được thực hiện theo hệ thống, đảm bảo gốm sứ đến tay khách hàng được hoàn hảo nhất có thể.
Một điểm đặc biệt khi bán mặt hàng thủ công trên trang thương mại điện tử đó là gốm sứ là sản phẩm khó bán vì cần tư vấn, trao đổi nhiều với khách hàng do giá trị sản phẩm cao. Trong khi các sản phẩm mà anh hướng đến chủ yếu là sản phẩm cao cấp, ít sản phẩm có giá dưới 1 triệu đồng.
Tuy nhiên, bằng cách xây dựng kịch bản bán hàng cụ thể, kiên định với mục tiêu bán hàng chất lượng và hoàn thiện ở tất cả mọi khâu cung cấp dịch vụ, những sản phẩm gốm với đầy đủ kích thước, hình dáng, màu sắc khác nhau đã đến với rất nhiều khách hàng ở trong và ngoài nước. Đến nay, sau 2 năm, trang Tik Tok Gốm sứ Luxury do anh lập ra đã thu hút hơn 100 nghìn lượt bán.
“Dù gốm sứ rất kén người và không phải ai cũng có thể mua nhưng một điều có thể thấy đó chính là thương mại điện tử chính là cần câu cơm cho người bán hàng, chỉ cần bật điện thoại lên có thể kiếm tiền”, anh Duy chia sẻ.
Người bán được khách hàng yêu thích
Sau hơn hai năm gắn bó với hình thức bán hàng trên TikTok, lượng khách hàng thân thiết mà anh Duy nhẩm tính đã bằng lượng khách hàng mà 6 năm anh từng làm việc, bán hàng theo cách truyền thống. Đến nay, những phiên livestream của anh tuy diễn ra hàng giờ nhưng có những khách hàng một tháng đã bỏ ra gần 100 tiếng đồng hồ để xem.
Một bộ ấm chén hình bí ngô cẩm lai tím. |
Ngoài ra, cũng có khách hàng chỉ trong hơn một tháng nhưng đã mua hơn 100 bộ ấm chén và thiết kế riêng các giá kệ để trưng bày các sản phẩm đã mua. Điều này theo vị giám đốc trẻ, họ mua hàng không chỉ vì mục đích cá nhân mà là sự yêu thích của khách hàng đối với người bán.
Do đó, theo anh Duy, để thu hút được sự yêu mến của khách hàng, người bán hàng cần hiểu rõ rằng, Tik Tok hiện đã tích hợp hình thức mua sắm trên livestream, tức là từ một hình thức giải trí, khách hàng có thể chuyển sang mua hàng bằng cách nhấn link. Do đó, chỉ bằng cách quay video là có thể bán hàng và bán nhiều hàng.
Bên cạnh đó, nếu như cửa hàng truyền thống có đông cũng chỉ có thể lên đến vài chục khách hàng. Nhưng trên livestream có thể lên đến hàng nghìn, hàng triệu lượt khách. Họ mua hàng chưa chắc đã từ nhu cầu của chính mình mà có khi mua là do nhu cầu của người khác. Tức là họ nhìn thấy người khác mua nhiều thì cũng sẽ mua. Điều này thúc đẩy hoạt động mua hàng và bán hàng rất tốt.
Nhưng muốn vậy, người bán hàng phải tận dụng được những thuận lợi về hình ảnh, âm thanh trên nền tảng xã hội. Nếu hình ảnh, âm thanh rõ nét sẽ càng thúc đẩy mua hàng nhanh, nhiều hơn và tối ưu hóa trải nghiệm mua hàng của khách. Việc kết hợp với các sàn thường xuyên tổ chức những chương trình khuyến mãi sẽ vừa thuận lợi cho người bán, tiện ích cho người mua.
Anh Duy cho rằng, trong thời đại hiện nay, người bán hàng nên sử dụng đa dạng các hình thức thanh toán từ trực tiếp, ví điện tử, thẻ… để tạo cảm giác thoải mái cho người mua hàng.
Thành công nhờ kiên trì
Với những kinh nghiệm và kỹ năng bán hàng vững chắc sau một thời gian liên tục áp dụng, vị founder của thương hiệu gốm sứ Luxury cho rằng khi bắt đầu tham gia bất kỳ một nền tảng xã hội, sàn thương mại nào, người bán hàng phải hiểu rõ nền tảng đó. Bởi khi hiểu rõ chính sách của sàn, của nền tảng thương mại điện tử mới giúp người bán hàng có những bước đi vững chãi, từ đó mới có thể đặt niềm tin vào hình thức bán hàng này và có những kế hoạch phù hợp.
Song song đó, với các HTX và doanh nghiệp nhỏ thì một điều quan trọng đó chính là phải chú trọng phát triển các nguồn lực như kỹ năng, kiến thức, kinh nghiệm, nhân lực, hoàn thiện sản phẩm... Bởi quỹ thời gian cho những HTX, doanh nghiệp nhỏ phục vụ sản xuất là rất lớn nên thường khiêm tốn về thời gian làm video, bán hàng online, livestream. Nhưng ngược lại, nếu các đơn vị sản xuất có tất cả các nguồn lực sẽ bán hàng rất thuận.
Sản phẩm hũ đựng trà đại cát bằng men sứ ngọc vẽ vàng. |
Ngoài ra, người bán hàng cần tạo ra lợi thế cạnh tranh bằng cách xây dựng hệ giá trị từ lòng tin, giá trị sản phẩm… Ngay như tôn chỉ của thương hiệu gốm sứ Luxury là “không bao giờ phá giá”. Do đó, điều đầu tiên mà công ty anh luôn hướng đến đó là sản phẩm phải luôn có giá trị. Có như vậy thì công sức của người lao động mới được ghi nhận một cách xứng đáng.
Theo anh Duy, người bán hàng bắt buộc phải thấu hiểu khách hàng. Bởi bây giờ không có content thì khó làm video nhưng khi hiểu được khách hàng rồi thì người bán hàng rất dễ làm content, video. Đây cũng chính là điều kiện rút ngắn thành công khi bán hàng online mà anh và các đồng nghiệp đã và đang áp dụng.
Đặc biệt, nhiều người xem tham gia Tiktok, các sàn thương mại điện tử chỉ như 1 cuộc chơi. Điều này cho thấy, nếu không nghiêm túc, các nhà khởi nghiệp sẽ không duy trì, phát triển được mô hình của mình một cách rõ ràng. Và nếu không nghiêm túc, người bán hàng sẽ rất dễ nản lòng.
“Mình có nhiều kinh nghiệm marketing nhưng cũng gặp nhiều khó khăn khi bán hàng online. Nhưng nhờ kiên trì mà đến giờ mình đã thành công”, vị founder này chia sẻ.
Một điều anh Duy khá tâm đắc là việc áp dụng thương mại điện tử của HTX và doanh nghiệp nhỏ, nông dân đang khá thuận lợi vì Nhà nước và các sàn thương mại điện tử đã và đang có nhiều chính sách hỗ trợ nên việc bán hàng online sẽ ít gập ghềnh hơn. Do đó, điều anh mong muốn là nhiều người, nhiều đơn vị sẽ thành công trên con đường bán hàng online để mang lại những giá trị nhất định cho từng ngành nghề mà họ gắn bó.
Huyền Trang