Kỳ vọng ngành thuế không... ‘chơi khó’ doanh nghiệp

Những quy định chi tiết về nộp thuế bằng đồng tiền tự do chuyển đổi; xử lý số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa; hồ sơ hoàn ...

Mới đây, khi góp ý vào dự thảo Thông tư hướng dẫn một số điều của Luật Quản lý thuế và Nghị định 126/2020/NĐ-CP (quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có lưu ý một số quy định chưa phù hợp, có thể gây phiền phức cho doanh nghiệp (DN).

Còn lấn cấn ở khâu hoàn thuế

Đơn cử như tại Điều 32.2 của dự thảo quy định một số loại tài liệu trong hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) gồm: Bản sao chứng từ góp vốn điều lệ với trường hợp hoàn thuế dự án đầu tư; bản sao hợp đồng xuất khẩu trong trường hợp hoàn thuế hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu. 

HINH-1322-1617182551.jpg

Chính sách quản lý thuế cần tạo thuận lợi, tránh gây phiền phức cho DN.

Dẫn lại phản ánh của các DN, VCCI cho rằng “quy định như vậy là chưa phù hợp và gây khó khăn cho DN do số lượng hồ sơ, chứng từ của các tài liệu này trong nhiều trường hợp thường tương đối nhiều đến rất nhiều, dẫn đến việc phát sinh thêm thời gian và khó khăn để tập hợp các tài liệu này”.

Để tạo thuận lợi cho DN, VCCI đề nghị cần bỏ các quy định trên. Thay vào đó, nếu có nghi vấn về gian lận thuế, cơ quan nhà nước có thể thực hiện theo thủ tục thanh kiểm tra hồ sơ hoàn thuế.

Trong khi đó, liên quan đến quy định một số tài liệu về hoàn thuế GTGT, trao đổi với VnBusiness, luật gia kinh tế Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ tịch sáng lập Công ty tư vấn BeBoss Consulting Corp (Đồng Nai), cho rằng, để tránh các nghi vấn về gian lận thuế thì cần thiết có quy định DN phải báo cáo Bảng kê hàng hoá mua vào. Bởi vì, khi hoàn thuế thì cán bộ thuế sẽ đỡ mất thời gian gặp gỡ chủ DN hay kế toán do chưa có thông tin trước đó.

Theo ông Tuấn, để giảm hiểu lầm của chủ DN liên quan đến cán bộ thuế thường hỏi nội dung hàng hoá bán ra, mua vào, trong luật định hiện nay không có yêu cầu DN phải báo cáo Bảng kê hàng hoá bán ra, mua vào. Tuy nhiên, dưới góc độ quản lý thuế cho phù hợp hơn thì nên chăng lập lại như trước đây là DN phải báo cáo hàng hoá mua vào bán ra. 

Ngoài ra, Điều 4.1 của dự thảo cũng đang gây tranh cãi với quy định về việc khai thuế, nộp thuế được thực hiện bằng đồng tiền tự do chuyển đổi với trường hợp sau: Hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí; hoạt động thương mại điện tử (TMĐT), kinh doanh dựa trên nền tảng số của nhà cung cấp ở nước ngoài. 

Theo phản ánh của các DN, quy định như vậy là chưa phù hợp do đồng tiền thu được từ việc bán hàng hóa, dịch vụ có thể khác so với đồng tiền kê khai, nộp thuế. Việc này dẫn đến các DN phải thực hiện mua ngoại tệ để nộp thuế, từ đó phát sinh các chi phí về tài chính. 

Tránh quy định không phù hợp

Ngoài ra, quy định này cũng chưa thống nhất với Điều 90.1 Dự thảo do Điều 90.1 cho phép nhà cung cấp nước ngoài được nộp thuế bằng đồng ngoại tệ hoặc đồng Việt Nam. Vì vậy, VCCI đề nghị sửa đổi quy định theo hướng cho phép DN được lựa chọn nộp thuế hoặc bằng đồng tiền tự do chuyển đổi hoặc bằng đồng Việt Nam.

Một số chuyên gia khác lại cho rằng, việc nộp thuế bằng ngoại tệ sẽ giúp “rộng cửa” thu thuế TMĐT. Bên cạnh các điều khoản hướng dẫn không nên gây khó cho DN, theo PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), quy định cụ thể về quản lý thuế đối với TMĐT và cho phép đối tượng này nộp thuế bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi sẽ góp phần tăng thu ngân sách nhà nước. Đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay, việc thất thoát thuế từ hoạt động TMĐT còn rất lớn. 

Bên cạnh đó, những quy định về xử lý số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa trong dự thảo cũng là điều mà các DN còn băn khoăn. 

Theo đó, ở Điều 29.1 của dự thảo quy định các trường hợp xử lý số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa theo hướng xác định thứ tự ưu tiên áp dụng từng trường hợp xử lý. Cụ thể, người nộp thuế phải thực hiện bù trừ, nếu không hết thì mới thực hiện phương án hoàn trả.

VCCI nhấn mạnh, cần xem xét lại quy định này là không phù hợp với Luật Quản lý thuế. Điều 60.1 Luật Quản lý thuế quy định: “Người nộp thuế có số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đã nộp lớn hơn số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt phải nộp thì được bù trừ số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa với số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt còn nợ hoặc trừ vào số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt phải nộp của lần nộp thuế tiếp theo hoặc được hoàn trả số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa khi người nộp thuế không còn nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt”.

Mặt khác, theo VCCI, nội dung quy định này không được giao quy định chi tiết bởi Luật hoặc Nghị định. Điều 60.5 Luật Quản lý thuế quy định: “Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định thẩm quyền, thủ tục xử lý tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa”, tức là không giao Thông tư quy định chi tiết các trường hợp xử lý tiền thuế. Vì vậy, VCCI đề nghị cần bỏ quy định nêu trên.

Phân tích về chính sách quản lý thuế hiện nay, luật gia kinh tế Nguyễn Ngọc Tuấn cho rằng, điều quan trọng là vừa tránh thất thu thuế vừa cần làm sao tạo thuận lợi cho hoạt động của DN, để DN siêu nhỏ tiến lên DN nhỏ, còn DN nhỏ thì tiến lên DN vừa trong 5 năm tới. 

“Do đó, việc đưa ra các quy định chi tiết trong dự thảo Thông tư hướng dẫn một số điều của Luật Quản lý thuế và Nghị định 126/2020/NĐ-CP cần lưu tâm vấn đề này”, ông Tuấn nói.

      Thế Vinh

Lượt xem: 289
Tác giả: Ý kiến bạn đọc
Tin liên quan