CFO Gemadept: ‘5 năm tới tiếp tục ưu tiên tập trung hoạt động khai thác cảng và logistics’
Giám đốc tài chính (CFO) Công ty Cổ phần Gemadept, bà Bùi Thị Thu Hương, cho hay trong 5 năm tới, công ty tiếp tục tập trung phát triển các lĩnh vực cốt lõi là cảng và logistics. Đối với dự án cao su, công ty đang tìm kiếm đối tác nâng cao hiệu quả dự án và có thể xem xét đến phương án thoái vốn vào thời điểm phù hợp, còn lĩnh vực bất động sản được để ngỏ nhiều phương án.
Gemadept (HoSE: GMD) là doanh nghiệp hàng đầu về khai thác cảng và logistics tại Việt Nam với chuỗi 8 cảng kéo dài từ Bắc vào Nam. Song song với đó, công ty cũng đầu tư trồng rừng (cao su) và phát triển các dự án bất động sản tại TP. HCM và Viêng Chăn (Lào).
VietnamFinance đã có cuộc phỏng vấn với CFO Bùi Thị Thu Hương về tầm nhìn và kế hoạch 5 năm tới của Gemadept:
- Năm 2020 là một năm đặc biệt khó khăn với nền kinh tế Việt Nam. Là một doanh nghiệp đa ngành, GMD đã vượt qua khó khăn và duy trì doanh thu, lợi nhuận như thế nào?
Bà Bùi Thị Thu Hương: Năm 2020, thế giới và Việt Nam đã chứng kiến những thay đổi và phải đối mặt với những khó khăn chưa từng thấy từ cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19. Khai thác cảng và logistics – ngành nghề kinh doanh cốt lõi của Gemadept, là một trong các ngành nghề bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ cuộc khủng hoảng này. Do đó, ngay từ những ngày đầu của đại dịch, công ty đã đánh giá các tác động của dịch bệnh và nghiêm túc thực hiện các biện pháp, tập trung ở 3 mũi nhọn cụ thể:
Một là chủ động ứng phó với dịch bệnh với mục tiêu đảm bảo duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh an toàn, liên tục. Công ty đã xây dựng các phương án để ứng phó kể cả khi dịch bệnh có thể diễn biến xấu nhất, đặc biệt tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong các phương án làm việc, các cuộc họp online.
Hai là về hoạt động sản xuất kinh doanh, công ty tập trung đẩy mạnh hoạt động ở cả 3 miền đất nước, đặc biệt ưu tiên nguồn lực hoàn thành đại dự án cảng nước sâu Gemalink tại khu vực Cái Mép để kịp thời đưa vào khai thác từ đầu năm 2021
Ba là cắt giảm chi phí và duy trì dòng tiền ổn định. Trong khó khăn, công ty tìm các giải pháp để tối ưu hóa sản xuất, cắt giảm chi phí và ưu tiên phát triển các nguồn năng lượng xanh, sạch như điện mặt trời trên hệ thống mái trung tâm phân phối của nhà ga hàng hóa hàng không SCSC, hệ thống kho lạnh đơn lớn nhất Đông Nam Á Mekong Logistics tại Hậu Giang…
Nhờ các biện pháp trên, Gemadept đã hoàn thành vượt mức kế hoạch được đại hội đồng cổ đông giao cả về doanh thu và lợi nhuận. Đáng nói, Gemadept tiếp tục duy trì vị thế dẫn đầu trong “Top 10 công ty uy tín ngành logistics - nhóm ngành giao nhận vận tải quốc tế, kho bãi, dịch vụ logistics”, doanh nghiệp duy nhất đại diện cho ngành logistics được vinh danh trong “Top 50 công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam năm 2020”.
- Bà nhìn nhận như thế nào về triển vọng năm 2021 ở các lĩnh vực mà Gemadept theo đuổi?
Đối với Việt Nam, xuất nhập khẩu năm 2021 sẽ hưởng lợi từ các yếu tố: thương mại toàn cầu hồi phục sau đại dịch, dòng vốn FDI tăng trưởng, các hiệp định thương mại tự do có tác động rõ rệt hơn, trong đó hiệp định EVFTA sau một năm có hiệu lực được kỳ vọng sẽ thúc đẩy xuất nhập khẩu giữa Việt Nam - EU tăng khoảng 10-15% trong năm 2021… Những yếu tố này chính là động lực, là nền tảng mở ra những vận hội mới cho các doanh nghiệp sở hữu hệ sinh thái cảng và logistics như Gemadept.
Thực tế trong những ngày đầu năm, chúng tôi cũng đã liên tiếp đón nhận các tin vui như: Nam Hải ICD đón nhận lô hàng xe hơi mới, vận tải hàng siêu trường siêu trọng phục vụ cho dự án nhà máy điện gió Bình Đại, Bến Tre; cảng Nam Đình Vũ (Hải Phòng) đón chuyến tàu đầu tiên trên tuyến hàng hải trực tiếp kết nối Ấn Độ - Hải Phòng… Đặc biệt, ngày 19/1, cảng quốc tế Gemalink đã đón đón chuyến tàu thương mại đầu tiên của hãng tàu CMA-CGM, đánh dấu việc hoạt động chính thức theo đúng kế hoạch đề ra.
Tuy nhiên năm 2021 sẽ còn những yếu tố khó đoán định, chẳng hạn như diễn biến đại dịch Covid-19. Do đó, chúng tôi vẫn phải thực hiện song song hai biện pháp: đảm bảo an toàn dịch tễ và xây dựng các phương án sản xuất kinh doanh để ứng phó với các diễn biến bất ngờ, đảm bảo doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng.
- Bà có thể chia sẻ cụ thể hơn về kế hoạch kinh doanh của Gemadept trong năm 2021?
Năm 2021 có ý nghĩa quan trọng, là năm bản lề trong tầm nhìn 2021-2025 của Gemadept. Trọng tâm trong kế hoạch kinh doanh của công ty vẫn sẽ tập trung vào 2 hoạt động cốt lõi là khai thác cảng và logistics.
Đối với logistics, Gemadept sẽ tiếp tục hoàn thiện mạng lưới dịch vụ tích hợp rộng khắp. Đối với cảng, Gemadept sẽ tập trung vận hành tối ưu cảng nước sâu lớn nhất Việt Nam Gemalink vừa được đưa vào khai thác với sản lượng thông qua đạt tối thiểu 70% công suất của cảng ngay trong năm đầu tiên 2021, khởi công giai đoạn 2 đại dự án cảng Nam Đình Vũ tại khu vực phía bắc và khai thác hiệu quả chuỗi cảng hiện hữu. Tất cả để hướng đến một chuỗi cung ứng tích hợp xanh hơn, thông minh hơn và hiệu quả hơn.
- Tầm nhìn của Gemadept trong 5 năm tới là gì và công ty đang chuẩn bị ra sao cho tầm nhìn đó?
Gemadept xác định tầm nhìn trở thành một tập đoàn hàng đầu Việt Nam về lĩnh vực về khai thác cảng và logistics. Trong 5 năm tới, chúng tôi tiếp tục kiên định với định hướng chiến lược tập trung vào 2 hoạt động kinh doanh cốt lõi này.
Gemadept đã và đang chuẩn bị mọi nguồn lực để hiện thực hóa tầm nhìn này, không chỉ trong hoạt động sản xuất kinh doanh mà còn trong công tác quản trị, thể hiện rõ nhất ở tinh thần, văn hóa và con người Gemadept.
- Có nghĩa là với các lĩnh vực không thuộc cốt lõi như cao su và bất động sản, Gemadept sẽ thoái lui?
Cao su và các dự án bất động sản đều là những dự án đầu tư mang tính thời cơ, cơ hội của Gemadept. Do đó, những dự án này đều sở hữu những đặc điểm tối ưu so với các dự án cùng lĩnh vực.
Với cao su, dự án của Gemadept có lợi thế rất lớn về quy mô, về tính liền thửa, liền mạch, đảm bảo năng suất và chất lượng mủ đạt chuẩn khai thác. Tuy nhiên do diễn biến giá cao su hiện nay thấp hơn tính toán trước đây nên chúng tôi cũng đã xem xét, cân nhắc các phương án hợp tác, thoái vốn vào thời điểm phù hợp.
Với bất động sản, Gemadept có dự án Saigon Gem ngay tại khu đất vàng trung tâm quận 1 TP. HCM. Với vị trí ngay tại trung tâm đắc địa này, công ty vẫn đang cân nhắc phương án hợp tác với các nhà đầu tư để mang lại hiệu quả tốt nhất cho dự án.. Hơn nữa, việc đặt văn phòng chính của một tập đoàn như Gemadept ngay tại vị trí trung tâm đẹp như vậy cũng là một trong những yếu tố khi chúng tôi cân nhắc các phương án hợp tác với đối tác.
Dự án tại Viêng Chăn (Thủ đô của Lào – PV) cũng sở hữu vị trí đắc địa tương tự. Trong thời gian tới, chúng tôi hướng đến việc tìm đối tác phù hợp để hợp tác kinh doanh và cũng có thể không loại trừ khả năng thoái vốn tại dự án này.
- Nói về lâu dài, Gemadept có muốn mở rộng danh mục đầu tư bất động sản không?
Chuyện kinh doanh, ngoài những tính toán mang tính kế hoạch, nó còn là cơ duyên. Ở những giai đoạn thị trường trầm lắng, nhà đầu tư ngoại rút lui, đó có thể lại là cơ hội cho doanh nghiệp trong nước có tiềm lực đầu tư và phát triển các bất động sản giá trị. Ví dụ như tòa nhà CJ Building mà Gemadept đang đặt trụ sở cũng là một cơ duyên vậy.
Tất nhiên, việc đầu tư của Gemadept sẽ được nghiên cứu rất kĩ lưỡng và ưu tiên cho những lĩnh vực đồng tâm với lĩnh vực cốt lõi.. Nếu cơ hội thị trường đến thì mình cũng không từ chối.
- Bà có thể hé lộ kế hoạch của Gemadept trong giai đoạn tới?
Chúng tôi vẫn kiên định ưu tiên tập trung đối với hoạt động khai thác cảng và logistics, tăng cường tối ưu hoá năng lực của các dự án hiện hữu, đặc biệt là cảng nước sâu Gemalink và cụm cảng phía Bắc cũng như không ngừng tìm kiếm các dự án tốt, mang lại dòng tiền và hiệu quả cao, thúc đẩy sự phát triển của tập đoàn, đón đầu các cơ hội tăng trưởng mới từ thị trường.
Xin cảm ơn bà về cuộc trao đổi này!