Doanh nghiệp địa ốc nỗ lực vực dậy doanh số

Bức tranh thị trường bất động sản đang cho thấy đã có nhiều gam màu sáng hơn. Tuy nhiên, dòng vốn bấp bênh vẫn khiến nhiều doanh nghiệp địa ốc phải liên tục tung ra các chiến lược bán hàng hấp dẫn nhằm vực dậy doanh số, thu tiền mặt.

Đầu tháng 8/2023, giới đầu tư bất động sản phía Nam dành rất nhiều sự quan tâm đến đợt mở bán đầu tiên của dự án Eco Village Saigon River Nhơn Trạch, Đồng Nai. Nếu thanh toán trước 95%, khách được chiết khấu 10%, ân hạn nợ gốc 30 tháng và hỗ trợ lãi vay ngân hàng.

Nỗ lực “phá băng” thanh khoản

Trước đó, một loạt dự án lớn được các chủ đầu tư 2 miền Nam, Bắc công bố kèm nhiều chiết khấu, ưu đãi… đã tạo hiệu ứng tích cực trên thị trường. Như tại TP.HCM, các "ông lớn" như Vingroup, Nam Long, Hưng Thịnh, Masterise Homes, Phú Long… đều đồng loạt "bung hàng" kèm ưu đãi lớn.

Điển hình, Công ty CP Địa ốc Phú Long đã tung ra chính sách "mua nhà nhẹ vốn" cho dự án trên đường Nguyễn Hữu Thọ, huyện Nhà Bè. Masterise Homes đưa ra các hình thức thanh toán 50% trong 3 năm nhận nhà ở ngay, 10 tháng tiếp theo mỗi tháng trả 5%, tặng gói nội thất… tại dự án Lumière Boulevard ở Thủ Đức.

Không chỉ những "đại gia" đầu ngành, các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng đang gia nhập cuộc đua khuyến mãi để kích doanh số. Chủ đầu tư mạnh dạn "bung hàng" trong khi thanh khoản được cải thiện rõ ràng là tín hiệu tốt cho thị trường bất động sản sau thời gian dài “ngủ đông”.

-6509-1692176604.jpg

Doanh nghiệp bất động sản đang nỗ lực "phá băng" thanh khoản với các chính sách ưu đãi khủng (Ảnh minh họa: HN).

Chia sẻ với VnBusiness, ông Vũ Hồng Đăng, đại diện chủ đầu tư một dự án 550 căn hộ kèm shophouse tại Thủ Đức, TP.HCM cho biết trong thời gian qua, đơn vị đã liên tục tung ra chính sách chiết khấu cao nhất lên tới 35%, đồng thời áp dụng lãi suất 0% trong 4 năm đầu.

“Các gói ưu đãi thường áp dụng trong thời gian 25-40 ngày, góp phần giúp chúng tôi thoát được một lương lớn hàng tồn. Riêng trong tháng 7, công ty bán được gần 50 căn, không quá đột biến, nhưng bằng cả quý trước cộng lại”, ông Đăng tiết lộ.

Doanh số đang dần cải thiện, tuy nhiên, anh Trung, một “siêu cò” có kinh nghiệm hơn 10 năm bán căn hộ cho hay, tâm lý chờ đợi của khách hàng vẫn đang chi phối những nỗ lực vực dậy thanh khoản của doanh nghiệp, khiến thị trường khó phục hồi trong ngắn hạn.

“Rất nhiều nhà đầu tư cá nhân và người mua ở thực vẫn kỳ vọng giá sẽ giảm thêm nếu tiếp tục chờ đợi. Ở đó, họ mong muốn nhất là có thêm các chính sách chiết khấu, giãn thời gian thanh toán, gói nội thất, chỗ đậu xe từ chủ đầu tư, hoặc mức lãi vay thấp hơn từ ngân hàng…”, anh Trung phân tích.

Khó khăn vẫn chờ đợi

Niềm tin của khách hàng cũng là yếu tố được nhiều chuyên gia nhắc đến như yếu tố then chốt để đẩy nhanh tốc độ phục hồi của thị trường bất động sản. Vì vậy, trong thời gian tới, giá bán các sản phẩm nhà ở và đất nền được dự báo sẽ tiếp tục giảm để kích cầu.

Ông Trần Khánh Quang, chuyên gia bất động sản, đánh giá việc các chủ doanh nghiệp bán tài sản để bù tiền cho công ty trả nợ hay giảm giá bán dự án để duy trì bộ máy cho thấy phản ứng linh hoạt và hợp lý. Những sự hy sinh này cũng góp phần vào việc “phá băng” bất động sản.

Việc các chủ đầu tư đẩy mạnh đưa sản phẩm ra thị trường cùng với các chính sách ưu đãi hấp dẫn đang góp phần kéo tâm lý người mua tốt lên. Ngược lại, giá bất động sản giảm là cơ hội rất tốt cho khách hàng xuống tiền. Tuy nhiên, để gỡ bỏ hoàn toàn tâm lý chờ của người tiêu dùng, có thể sẽ mất 3-6 tháng nữa.

Cần phải nhấn mạnh, sau nhiều nỗ lực gỡ vướng từ Chính phủ, kích cầu của doanh nghiệp, thị trường địa ốc đã ghi nhận những dấu hiệu hồi phục tích cực. Màu sáng đã xuất hiện nhiều hơn trong bức tranh thị trường chung.

Điển hình như tại Vinhomes ghi nhận mức lãi ròng lên tới 9.700 tỷ đồng, cao gấp 13 lần cùng kỳ năm ngoái. Tương tự, các công ty khác như Địa ốc Sài Gòn, Đất Xanh, Nam Long… cũng lần lượt báo lãi trong quý vừa qua. Ngay cả với Novaland, dù báo lỗ hơn 200 tỷ đồng trong quý II, nhưng nhờ được gỡ vướng nhiều dự án, công ty dự kiến có lãi trong 2 quý cuối năm.

Tuy nhiên, nhìn chung, thị trường bất động sản vẫn đang đối diện nhiều thách thức. Báo cáo thị trường bất động sản quý II của Bộ Xây dựng chỉ ra, lượng hàng tồn kho trong lĩnh vực nhà đất tiếp tục tăng cao so với cùng kỳ, với ước tính lên tới 16.688 sản phẩm.

Số liệu từ báo cáo tài chính quý II/2023 của 10 doanh nghiệp bất động sản hàng đầu cũng ghi nhận tổng số hơn 297.000 tỷ đồng giá trị hàng tồn kho. Con số này đã được cải thiện so với quý đầu năm nay, song lại tăng 5% so với cùng kỳ năm 2022.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, đánh giá bất động sản đã có dấu hiệu hồi phục nhưng còn rất khiêm tốn. Những nỗ lực tháo gỡ khó khăn của Chính phủ, bộ ngành, địa phương thời gian qua mới tạo được lòng tin cho thị trường chứ vẫn chưa giải quyết được hết những vấn đề cốt lõi về pháp lý.

"Chủ trương của Chính phủ về rà soát và giải quyết khó khăn cho các doanh nghiệp, trước hết là các tập đoàn lớn để tạo sức lan tỏa là hết sức đúng đắn. Nhưng thị trường có hồi phục thực sự hay không thì vẫn phải chờ việc sửa đổi các Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đấu giá tài sản.… dự kiến có hiệu lực vào tháng 7/2024. Khi đó, khoảng quý III/2024, thị trường mới thực sự bật lên được”, ông Châu nhấn mạnh.

Hưng Nguyên

Lượt xem: 21
Tác giả: Hưng Nguyên
Tin liên quan