Giới doanh nhân Việt nói gì về sự kiện VinFast niêm yết sàn chứng khoán Mỹ
Đa phần các doanh nhân Việt Nam đều bày tỏ sự tự hào và ủng hộ việc VinFast niêm yết sàn chứng khoán Mỹ. Sự kiện này mở ra cho VinFast cơ hội tiếp cận với nhiều hơn các thị trường vốn trong thời gian tới.
Doanh nhân Đỗ Cao Bảo: "Con đường phía trước của VinFast chắc chắn không trải đầy hoa hồng"
Chia sẻ về sự kiện này, ông Đỗ Cao Bảo, thành viên sáng lập Tập đoàn FPT, cho rằng VinFast đã làm được việc cực khó là niêm yết trên sàn NASDAQ với giá cổ phiếu rất cao, vốn hoá rất cao, dù cho có những trở ngại tưởng như không thể vượt qua.
Theo ông Bảo, việc lên sàn chứng khoán NASDAQ thành công của VinFast đã góp phần không nhỏ trong việc tạo dựng niềm tin cho khách hàng cũng như nâng tầm thương hiệu của VinFast. Tuy nhiên, con đường phía trước của VinFast chắc chắn không phải hành trình trải đầy hoa hồng. Ngược lại, sẽ có rất nhiều khó khăn, thách thức rất lớn mà người VinFast sẽ phải kiên định và nỗ lực vượt qua.
"Tôi nghĩ việc chinh phục các thị trường vừa lớn, vừa khó tính, vừa có cạnh tranh cao như Mỹ và châu Âu sẽ là thách thách rất lớn, đối thủ của VinFast là những tên tuổi lẫy lừng như Tesla, Chevrolet, Ford, Huyndai, BMW, Mercedes-Benz, Volkswagen, Rivian, Kia, Audi, Nissan, Volvo, Polestar... Đừng nhìn vào vốn hoá rất cao của VinFast ngày hôm nay mà coi thường họ, họ không những có thương hiệu, có tiềm lực tài chính, có kinh nghiệm trong lĩnh vực xe ô tô mà còn đang có số lượng xe ô tô điện bán ra nhiều gấp 10, 20, 50, 100 lần VinFast", ông Bảo nhấn mạnh.
Ông Đỗ Cao Bảo cũng đặt vấn đề VinFast phải làm sao để người Mỹ, người châu Âu tin tưởng, yêu thích và quyết định mua xe VinFast mà phải mua xe với số lượng lớn, lên tới hàng trăm ngàn chiếc một năm chứ không chỉ dừng lại ở vài nghìn, vài chục nghìn xe.
"Go Global thì gốc rễ vẫn là sản phẩm, dịch vụ, thị trường và khách hàng. Dù trong bất cứ lĩnh vực nào, doanh nghiệp cũng cần bán những sản phẩm chất lượng, dịch vụ chu đáo nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Sau đó, số lượng hàng được bán cũng cần phải lớn, phải có thị phần, phải có khách hàng, phải có doanh số và phải có lợi nhuận đủ lớn, đấy mới là cái đích cần hướng tới, đấy mới là giá trị cốt lõi, việc niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ chỉ là công cụ để đạt được điều đó mà thôi", doanh nhân Đỗ Cao Bảo bày tỏ
Cũng theo ông Bảo, với một lĩnh vực cần rất nhiều vốn như sản xuất xe điện, việc IPO thành công sẽ mở ra cơ hội huy động vốn cho VinFast. Chắc chắn rằng trong tương lai VinFast sẽ còn phải huy động vốn nhiều lần nữa cho chặng đường dài phía trước. Có vốn, VinFast mới có tiền để đầu tư xây nhà máy, mua sắm trang thiết bị, máy móc, nghiên cứu công nghệ, thiết kế các mẫu mã xe, tổ chức sản xuất và tổ chức hệ thống dịch vụ hậu mãi, làm thương hiệu….
"Sẽ không có tương lai, nếu không có thành công trong việc lên sàn chứng khoán NASDAQ ngày hôm nay, vì thế tôi chúc mừng VinFast cũng như chúc mừng các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam", ông Bảo chia sẻ trên trang cá nhân Facebook.
Doanh nhân Đoàn Hiếu Minh: "Hãy tự hào ở mức đấy thôi, đừng tự sướng"
Cùng bày tỏ niềm tự hào khi VinFast niêm yết sàn chứng khoán Mỹ, doanh nhân Đoàn Hiếu Minh, Chủ tịch Công ty cổ phần Y dược Ngũ Phúc Đường, nói rằng việc một hãng xe mang thương hiệu Việt Nam, một quốc gia trước đây chưa có trên bản đồ ô tô thế giới, niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ là một điều rất đáng tự hào.
Dẫu vây, ông Minh cũng cho rằng hãy tự hào ở mức đấy thôi, chứ đừng tự sướng, tự cuồng coi VinFast là một hãng xe ngang ngửa với các ông lớn. Bởi, giá trị của một hãng xe nằm ở nhiều yếu tố như R&D, khoa học công nghệ, phạm vi sản xuất, mức độ phù hợp với thị trường... chứ không chỉ nằm ở giá trị vốn hoá.
"Vị trí thứ 3 của VinFast là ở một lát cắt thời điểm cụ thể, còn phải có thêm nhiều thời gian nữa mới có thể xác định VinFast đang nằm ở vị trí nào trong thế giới ô tô. Hôm nay chúng ta tự hào VinFast đứng thứ 3. Đó là một áp lực cho VinFast. Nếu tháng sau, VinFast không đứng thứ 3 nữa, thì chúng ta chúng ta có quay lưng lại với VinFast không?", ông Minh chia sẻ.
Doanh nhân Đoàn Hiếu Minh cho rằng: "Hãy chúc cho VinFast thành công trong việc chinh phục khách hàng thế giới và ngày một bán nhiều xe hơn. Chứ đừng chúc VinFast có giá trị vốn hoá như phiên hôm qua. Nó tiềm ẩn nhiều thứ trong đó, mà chỉ người ở trong mới biết, mới dám và mới chấp nhận".
Doanh nhân Đặng Tất Thắng: "Đường dài còn nhiều lo lắng"
Cũng chia sẻ về sự kiện VinFast niêm yết sàn chứng khoán Mỹ, ông Đặng Tất Thắng, cựu Chủ tịch Bamboo Airways bày tỏ vui mừng về việc VinFast vượt cả những tên tuổi ô tô khổng lồ thế giới như Volkswagen, Ford…
Trong phần chia sẻ của mình, ông Đặng Tất Thắng cũng điểm qua bức tranh tài chính của top 4 ngành ô tô toàn cầu sau khi VinFast lên sàn NASDAQ và khẳng định: "Đường dài còn nhiều lo lắng nhưng cứ chúc mừng đã".
Doanh nhân Phan Chiến Thắng: "Thành công trên thị trường tài chính Mỹ quan trọng không kém thành công trong lĩnh vực ô tô"
Chia sẻ ngắn gón về sự kiện VinFast niêm yết sàn chứng khoán Mỹ, ông Phan Chiến Thắng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Công nghệ - Viễn thông Elcom (HoSE: ELC), nói rằng: "Tesla, VinFast bên cạnh là một tổ hợp công nghiệp sản xuất ôtô còn là tổ hợp tài chính. Việc thành công trên thị trường tài chính Mỹ cũng quan trọng không kém thành công trong lĩnh vực ô tô".
Kết thúc phiên giao dịch ngày 15/8 tại Mỹ, cổ phiếu VFS của VinFast đóng cửa với mức giá 37,06 USD/cổ phiếu, tăng 68,4% so với mức giá chào sàn (22 USD). Khối lượng khớp lệnh trong phiên đầu tiên đạt mức gần 6,8 triệu cổ phiếu.
Với con số trên, giá trị vốn hóa của hãng xe điện này sau phiên giao dịch đầu tiền tại Mỹ đạt mức 85,5 tỷ USD, gấp 3,7 lần định giá ban đầu là 23 tỷ USD và gấp hơn 3 lần định giá lại sau khi sát nhập thành công với Black Spade. Thậm chí, với mức 85,5 tỷ USD đã biến VinFast lọt vào top 5 những hãng sản xuất xe có vốn hóa lớn nhất trên thế giới. Con số trên cũng giúp vốn hóa công ty xe điện đến từ Việt Nam vượt mặt nhiều ông lớn như Mercedes - Benz, BMW, Volswagen, Honda, Ford...